Trong một bài bình luận chính trị về các Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Josh Hawley, hai quan chức cấp cao ủng hộ cựu Tổng thống Trump, và dẫn đầu chiến dịch lật kèo bầu cử tại Quốc hội Mỹ, CNN mở đầu:

“Hẳn mọi người còn nhớ đám đông bạo loạn xông vào Điện Capitol, khiến một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng, chiếm đóng các phòng Thượng viện, săn lùng các thành viên Quốc hội đang sợ hãi và phải ẩn náu?”.

“Bạn còn nhớ cách mà đám đông dựng giá treo cổ bên ngoài Điện Capitol, sau đó xông vào các hành lang để truy lùng phó tổng thống và phát ngôn viên của Hạ viện, hô vang ‘Treo cổ Pence’ và ‘Nancy đâu?’”.

“Và hẳn bạn có nhớ mục đích đặc biệt của cuộc bạo loạn là lật đổ chiến thắng của ông Joe Biden, được thúc đẩy bởi chính nhiều nhà lập pháp, những người đã cố gắng vô hiệu hóa lá phiếu của khoảng 10 triệu người Mỹ ở Arizona và Pennsylvania và tuyên bố ông Trump là người chiến thắng?”.

Phần lớn công chúng và nhiều quan chức cho rằng chính lời lẽ kích động của cựu Tổng thống Trump và một số nhà lập pháp ủng hộ ông đã góp phần gây nên cuộc bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1. Ảnh: AP.

“Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas và Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri hy vọng bạn không nhớ bất kỳ điều gì nêu trên. Hoặc, mong rằng bạn sẽ coi đó như một phần rất nhỏ trong sự tịnh tiến thường thấy của chính trị”.

Người bạo loạn bị bắt, quan chức "đồng lõa" thì sao?

Theo quan điểm của CNN, cả hai Thượng nghị sĩ Cruz và Hawley, cũng như các quan chức khác tán thành hoặc tìm kiếm lợi ích từ những lời nói dối đã dẫn tới hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6/1, đang chống lại một bộ phận công chúng phẫn nộ. Công chúng sẽ không bao giờ quên một trong những cuộc tấn công nghiêm trong nhất từng được phát động chống lại nền dân chủ Mỹ.

Các quan chức thực thi pháp luật đang ráo riết theo dõi và bắt giữ rất nhiều người bị nghi ngờ tham gia vào vụ tấn công ở Điện Capitol. Đến nay, họ đã bắt giữ gần 100 người. Các cuộc điều tra cũng đang được mở rộng phạm vi đến một số tổ chức cực hữu như Proud Boys và Oath Keepers.

Đây chắc chắn là điều mà chính phủ Mỹ hiện tại nên làm. Tuy nhiên, tờ CNN đặt ra mối quan tâm về kết cục nên có của những người đồng lõa ở bên trong tòa nhà Capitol, hay kết cục của những nhà lập pháp thiếu trung thực đã cố cáo buộc rằng cuộc bầu cử 2020 đã bị ô uế bởi sự gian lận.

Trong số những người này, hai Thượng nghị sĩ Cruz và Hawley đang bị chĩa mũi nhọn vào nhiều nhất.

Theo CNN, hiện có 7 thượng nghị sĩ đệ đơn khiếu nại về vấn đề đạo đức chống lại hai nhân vật này. Họ gọi sự ủng hộ của ông Cruz và ông Hawley đối với việc lật ngược kết quả bầu cử là “hành vi không phù hợp, gây tổn hại đến uy tín của Thượng viện”. Đơn khiếu nại yêu cầu mở cuộc điều tra hai quan chức trên, đồng thời đưa ra khuyến nghị kỷ luật nặng đối với họ, bao gồm khai trừ hoặc khiển trách nếu tìm ra được bằng chứng thuyết phục để kết tội họ.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz khẳng định ông sẽ không bao giờ xin lỗi vì đã ủng hộ lật ngược kết quả bầu cử. Ảnh: AP.

Hành động này nhanh chóng được nhiều người dân Mỹ hưởng ứng, tạo ra các xu hướng trên mạng xã hội. Vào ngày đơn khiếu nại được đệ trình, cụm từ “As a Texan” (tạm dịch: là người Texas) xuất hiện rộng rãi trên Twitter.

Đơn cử, một bài đăng viết: “Là người Texas, là người Mỹ, tôi bất bình trước những hành động phản nghịch của @SenTedCruz nhằm kích động cuộc nổi dậy có vũ trang tại Điện Capitol. Việc @tedcruz từ chức là kết quả quá dễ dàng, ông ta phải bị trục xuất”.

Nhóm Công dân vì Trách nhiệm & Đạo đức Washington (Citizens for Responsibility & Ethics in Washington - CREW), một tổ chức giám sát tại thủ đô, viết trên Twitter: "Quốc hội không có chỗ cho những người kích động cuộc nổi dậy ngày 6/1 như Ted Cruz hay Josh Hawley. Họ phải ra đi”.

"Chúng tôi được bầu ra để làm điều đó"

Đứng trước tình thế đó, cả ông Hawley và ông Cruz đều không tỏ ra nhún nhường. Thậm chí, ông Hawley còn tuyên bố rằng mình sẽ “không bao giờ xin lỗi” vì đã cố lật ngược kết quả bầu cử ở Arizona và Pennsylvania. Trong khi đó, ông Cruz tuyên bố với một đài phát thanh ở Texas rằng: "Những gì tôi đã làm và những gì các thượng nghị sĩ khác đã làm là điều mà chúng tôi được bầu ra để làm, tức là tranh luận về những vấn để tối quan trọng trong Thượng viện Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley không tỏ ra hối hận về việc cố gắng lật ngược kết quả bầu cử. Ông cho rằng mình được bầu ra để tranh luận về những việc quan trọng như vậy. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, CNN cho rằng hai thượng nghị sĩ Hawley và Cruz có lẽ không nhận ra sự khác biệt to lớn giữa việc tranh luận các vấn đề hợp pháp (như thuế suất, đầu tư cầu, đường, trường học,…) với việc tín nhiệm và ủng hộ chính trị đối với các vấn đề nguy hiểm và thuyết âm mưu sai sự thật.

Báo này cũng cho biết hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Thượng viện sẽ khai trừ ông Cruz và ông Hawley ra khỏi hàng ngũ của họ. Kể từ thập niên 1860, sau khi một loạt các nhà lập pháp bị khai trừ ra khỏi Thượng viện vì ủng hộ Liên minh Miền Nam chống lại Mỹ, vẫn chưa có thêm bất kỳ biện pháp mạnh tương tự nào được thực hiện.

Tuy nhiên, bất chấp việc ông Cruz và ông Hawley có bị khai trừ khỏi Quốc hội hay không, họ cũng đã mang tiếng xấu là “những chính trị gia bất cần đạo lý, mà các lời tuyên bố sai lệch, sự xúc phạm giả tạo và lời nói dối trắng trợn của họ đã góp phần vào cuộc tấn công nhắm đến Điện Capitol, và đến cuộc bầu cử vừa kết thúc”, theo cách gọi của CNN.

Trang này cũng nhận xét thêm Quốc hội Mỹ và phần lớn công chúng đã nhận thấy một điều rõ ràng rằng một số nhà lãnh đạo của Mỹ đang đưa ra những quyết định chính trị cực kỳ nguy hiểm, và người Mỹ không nên mạo hiểm để họ lặp lại điều đó.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/hai-thuong-nghi-si-my-dang-dua-voi-thuoc-no-post1177044.html