Gỏi măng cụt
ảnh minh họa
Gỏi măng cụt ở Tây Nam bộ cũng đã được biết tiếng từ lâu, nhưng nói về sự độc đáo phải nhắc đến xứ Phong Điền, đặc biệt là tại Khu du lịch Lung Cột Cầu. Tại Khu du lịch này, vườn cây măng cụt được trồng khá lâu năm. Măng cụt được chọn làm gỏi là những trái già, vỏ vẫn còn xanh, để lấy phần cơm có đủ độ ngọt và giòn. Khi măng cụt còn xanh thì việc sơ chế rất kỳ công, vì lớp vỏ cứng, khó lột lại nhiều mủ. Khi được hái xuống, trái măng cụt sẽ được ngâm trong muối loãng cho bớt mủ. Sau đó, dùng dao gọt vỏ và quá trình này phải xả nước liên tục, tốt nhất là thực hiện dưới vòi nước, để cho mủ vàng không dính vào cơm. Cơm măng cụt sau đó được ngâm vào đá lạnh và nước chanh, để giữ độ giòn và làm sạch mủ lần nữa, cũng để cho phần cơm có màu trắng tự nhiên. Phần cơm măng cụt khi làm gỏi sẽ được xắt lát khoanh tròn, giữ nguyên hạt, nhằm tạo thẩm mỹ cho món ăn và giúp cho du khách thưởng thức trọn vẹn vị của cơm măng cụt. tùy theo sở thích hay lựa chọn của du khách mà món gỏi măng cụt được trộn với gà thả vườn, hay tôm thịt.
Gỏi măng cụt khi ăn, cơm sẽ giòn sựt, chua chua ngọt ngọt, kèm đó là vị chát chát của lõi hạt, rất hấp dẫn. Theo đó còn có vị ngọt của thịt, tôm, mùi thơm của hành phi, đậu phộng và rau mùi, càng làm cho món ăn thêm tinh tế, tròn vị.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2804126