Giới trẻ tìm kiếm một công việc tự do

11:00' 17-07-2024
Kỳ Anh quyết định kết thúc công việc ba năm ở một công ty kiến trúc bởi không muốn đời mình như vòng lặp.

"Môi trường và đồng nghiệp tốt, lương ổn, chỉ là tôi muốn bứt ra khỏi giới hạn bản thân", chàng trai 29 tuổi ở quận 7, nói.

Kỳ Anh nói cuộc sống của mình "như một đường thẳng" sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 2018. Anh được nhận vào công ty thiết kế nội thất, lương 15 triệu, công việc không quá căng thẳng hay khó khăn. Cuối tuần, anh đi du lịch, chụp ảnh với bạn bè.

8h chấm công, 17h30 tan ca, sự lặp lại mỗi ngày khiến anh sinh ra cảm giác chán nản dai dẳng. Kỳ Anh quyết định nộp đơn nghỉ việc ngay đầu đợt suy thoái kinh tế năm 2023, mặc bạn bè và gia đình can ngăn.

Anh tiết kiệm được 200 triệu, chọn hướng đi mới là travel blogger và nhiếp ảnh tự do, chuyên về công trình và kiến trúc. "Ít nhất là mỗi ngày tôi được thức dậy với sự hứng khởi", anh kể. "Không còn tiếng báo thức, không còn tin nhắn hối thúc công việc".

Trong tháng đầu, Kỳ Anh chỉ kiếm được 5 triệu đồng. Anh sốc và cố tìm thêm nhiều đầu việc khác, tăng cường kết nối các mối quan hệ xã hội. Sự tự do về giờ giấc cho phép Kỳ Anh tự quyết định tiến độ, thường gần deadline anh mới triển khai, dẫn đến nhiều đêm không ngủ.

Dù vậy, thu nhập của một freelancer chưa bao giờ ổn định. Có lúc, anh chỉ đủ trả tiền trọ và ăn uống nhưng cũng tháng dư dả. Tuy nhiên, những tháng bấp bênh vẫn chiếm phần nhiều, anh buộc phải rút tiền tiết kiệm tiêu, số tiền cũng đã gần cạn.

"Tôi biết làm việc tự do sẽ không toàn màu hồng nhưng chưa bao giờ hối hận", anh nói. Anh có cả tuần để về quê thăm gia đình, du lịch nhiều nơi để trải nghiệm và khám phá, điều này chưa bao giờ là dễ dàng đối với nhân viên văn phòng.

Kỳ Anh trong chuyến du lịch tháng 5/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bước qua dịch Covid-19, Thanh Duy, 30 tuổi, nộp đơn nghỉ việc ở công ty truyền thông ở quận 4, TP HCM bởi muốn bỏ phố về quê, làm tự do. "Đại dịch quá nhiều biến động, tôi thấy mình không còn phù hợp với cuộc sống hối hả nữa", anh nói.

Trước đó, Duy được đánh giá là ổn định so với bạn bè cùng lứa, có việc làm đúng chuyên ngành ngay khi tốt nghiệp. Nhưng Duy nói bước sang năm làm việc thứ tư, anh mất hết nhiệt huyết và cảm hứng.

Giờ tan ca là 17h30 nhưng Duy thường làm việc đến 19h, ngày cao điểm có sự kiện lớn là 23h, thậm chí là ngủ qua đêm ở cơ quan cho kịp tiến độ. Anh cảm thấy cuộc sống mình căng thẳng, áp lực.

Giữa năm 2021, Duy tham gia công tác tình nguyện chống dịch, thấy người mất nhiều, anh nhận ra sự sống vốn mong manh, ngắn ngủi, càng thúc đẩy mong muốn về với ba mẹ. Anh cân nhắc suốt một năm về quyết định bỏ việc về Long An trồng hoa phong lan bán như đam mê thời bé.

Duy chuẩn bị khoản tiết kiệm và nhiều cách trả lời cho câu hỏi của bà con và hàng xóm "tại sao bỏ việc về quê". Đầu năm 2022, chàng trai mượn mảnh đất 500 m2 của bố để trồng lan và xây dựng kênh TikTok, quyết theo đuổi công việc tự do.

Thay vì 8 tiếng ở văn phòng, cuộc sống của Duy chuyển sang 12 tiếng ở vườn tách chiết, nhân giống, chăm sóc phong lan. 20h, anh ngả lưng trên giường nhưng tay vẫn chỉnh các video mình quay được lúc sáng.

"Tôi biết mình chỉ chuyển sang áp lực này sang áp lực khác", Duy nói. "Nhưng ít nhất, tôi cảm thấy đời mình ý nghĩa".

Kỳ Anh và Thanh Duy nằm trong số 14% nguồn nhân lực tri thức của Việt Nam đang làm việc tự do toàn thời gian, theo khảo sát của công ty tuyển dụng Anphabe.

Khảo sát năm 2023 của VnExpress với câu hỏi "Bạn muốn làm việc tự do hay văn phòng?" cho thấy 85% chọn việc tự do. Trong đó, những lý do hàng đầu bao gồm được chủ động lựa chọn việc yêu thích, thoải mái thời gian, không cần giao tiếp; tránh các mối quan hệ độc hại ở công sở và được nghỉ ngơi.

Báo cáo mới nhất của công ty cung cấp giải pháp nhân sự Manpower cho thấy 99% lao động Việt Nam cho biết ý nghĩa trong công việc quan trọng nhưng chỉ 11% cảm thấy hài lòng, tỷ lệ thấp nhất Đông Nam Á. Có 49% đang lên kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp. Trong đó, có 26% nói ưu tiên hàng đầu của họ là cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Đại học Văn Lang, TP HCM cho biết tìm kiếm công việc ổn định dường như là tâm lí chung của những thế hệ trước Gen Z. Công việc ổn định mô là ít biến động, ít nhảy việc, thu nhập sẽ được đều đặn chi trả, từ từ thăng tiến, có chế độ đảm bảo phúc lợi cho người lao động và đảm bảo có lương hưu.

Tâm lí này xuất phát từ đặc điểm thị trường lao động trước đây chưa có nhiều cơ hội cho người lao động, đặc biệt sinh viên với sinh viên mới ra trường.

Những năm gần đây, định nghĩa trên đã được người trẻ thay bằng suy nghĩ đa chiều hơn về việc làm và thu nhập. Họ có thể chọn công việc thời vụ, tự do, bán thời gian. Chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện mở ra giúp họ tự tin hơn khi chọn lựa chọn các loại hình này.

Đồng thời, đại dịch Covid-19 biến động là nguyên nhân khiến người trẻ hướng đến một cuộc sống có ý nghĩa. Họ quan điểm, cảm nhận hạnh phúc rõ ràng hơn hướng đến đời sống tinh thần, ngoài giá trị của thu nhập, tài chính (sự giàu có về vật chất).

Chuyên gia cho rằng xu hướng làm việc tự do cũng phản ánh thực tế là Gen Z đã được trang bị nhiều kỹ năng sống như quản lí thời gian, tài chính cá nhân, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ. Tuy nhiên, thách thức từ loại hình này cũng không nhỏ bởi không có sự đảm bảo lâu dài, ổn định thu nhập. Họ buộc không ngừng nỗ lực để nâng cao khả năng chuyên môn và đảm bảo linh động theo yêu cầu của công việc.

Thanh Duy trong khu vườn ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Duy thừa nhận điều này. Những ngày đầu về quê, anh dường như mất ngủ bởi không quen nếp sống, cộng thêm nhiều lời bàn tán của hàng xóm. Căng thẳng nhất là giai đoạn không đủ tiền, anh rút bảo hiểm xã hội để làm vốn xây dựng vườn. Duy tự hứa với mình khi nào có điều kiện thì tiếp tục tham gia.

Kênh TikTok phát triển, anh có thêm các hợp đồng quảng cáo, bán hoa lan, quay video chia sẻ cuộc sống cùng quê. Công việc nhiều hơn, thu nhập thấp hơn thời gian anh ở TP HCM nhưng có nhiều ngày Duy hầu như không dùng tiền.

Buổi sáng, anh tự nấu sữa đậu nành, nhồi bột làm bánh mì, ra chuồng gà nhặt trứng về chiên. Vườn nhà anh nuôi gà vịt, trồng rau, nên không lo các bữa cơm. Sau vài năm, Duy nói anh đã thích nghi được nếp sống nông thôn, chưa có thu nhập có dư, chỉ "lãi" được đầu óc luôn nhẹ nhàng, hạnh phúc.

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng - truyền thông, Đại học Văn Lang TP HCM nói khảo sát cho thấy xu hướng sinh viên chọn công việc tự do ngày càng nhiều. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế đang đặt nhóm lao động làm tự do vào tình huống khó. Họ buộc phải có đủ năng lực, kinh nghiệm và mối quan hệ để duy trì.

Ông Tú đánh giá công việc tự do có thể mang lại nguồn thu nhập tốt nhưng có thể không lâu dài. Chuyên gia đưa gợi ý cần phải có nguồn tiền dự trữ để phòng rủi ro, khi công việc này không có phúc lợi bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Kỳ Anh nói mình không hối hận nhưng buộc phải quay lại việc văn phòng bởi sổ tiết kiệm đã cạn vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, thị trường lao động đã không còn dễ dàng như hồi anh tìm việc làm 5 năm trước.

"Tôi ước gì mình có thể duy trì cuộc sống tự do mãi", Kỳ Anh nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/vi-sao-nhieu-nguoi-tre-thich-lam-tu-do-4767963.html