Giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô cho con đi học các lớp sang chảnh có giá "trên trời"
Vào dịp hè, nhiều phụ huynh Trung Quốc sẽ đăng ký cho con tham gia các lớp huấn luyện khác nhau, đây trở thành "học kỳ 3" của một số trẻ. Những lớp học này chủ yếu dạy về khí chất CEO cho trẻ 3 tuổi, cưỡi ngựa hoàng gia, trại hè chơi golf...
Những khóa đào tạo có học phí hàng chục nghìn nhân dân tệ được quảng cáo có chất lượng "trên trời".
Lớp đào tạo CEO cho trẻ nhỏ học phí 50.000 NDT (180 triệu đồng) mỗi năm
"Nuôi dưỡng khả năng lãnh đạo tương lai của trẻ em từ 3 đến 8 tuổi là để chúng có khả năng lãnh đạo và khả năng cạnh tranh cần thiết trong tương lai". Khẩu hiệu như vậy đã được dán trên bức tường bên ngoài của một cơ sở đào tạo trên đường Đông Phong, Quảng Châu, Trung Quốc.
Các nhân viên cho biết, cơ sở của họ tuyển sinh trẻ em từ 3 đến 12 tuổi, và các khóa học bao gồm một số lớp "phát triển", "nuôi dưỡng CEO" với mức học phí hàng năm là 50.000 NDT (khoảng 180 triệu đồng).
Một câu lạc bộ chơi golf ở quận Thiên Hà, Quảng Châu, Trung Quốc đã mở một khóa đào tạo chơi golf kéo dài 5 ngày cho trẻ em vào mùa hè. Họ nhận trẻ em trên 3 tuổi và học phí là 1.000 NDT (khoảng 3.5 triệu đồng) một ngày, không bao gồm tiền ăn ở.
Huấn luyện viên Đặng của câu lạc bộ chia sẻ rằng nội dung huấn luyện chủ yếu bao gồm tư thế xoay người, nghi thức và các kỹ thuật cơ bản. Nó chủ yếu rèn luyện sức bền và ý chí của trẻ".
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Các cơ sở đào tạo xa xỉ như vậy được một số phụ huynh hoan nghênh. Anh Liêu, sống tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã đăng ký cho con gái 2 tuổi của mình một lớp đào tạo tiếng Anh tư nhân với học phí 8.800 NDT (khoảng 31.6 triệu đồng). Mỗi tuần có 2 lớp, mỗi lớp khoảng 15 học sinh. Anh Liêu cho biết: "Có rất nhiều phụ huynh muốn đăng ký cho con, các lớp học được đăng ký hết trong vòng chưa đầy 1 giờ".
Trong những năm gần đây, nhiều khóa đào tạo có học phí cao ngất trời đã bắt đầu "mọc lên". Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm 2016, Hiệp hội Người tiêu dùng Quốc gia đã nhận được tổng số 2.626 đơn khiếu nại về dịch vụ giáo dục và đào tạo. Trong những năm gần đây, khiếu nại của người tiêu dùng về các dịch vụ giáo dục và đào tạo đã vượt quá con số 5.000 một năm.
Hiện tại, các kết quả giảng dạy đào tạo như vậy trên thị trường rất khó đánh giá. Nhiều phụ huynh phản ánh rằng khi đăng ký họ quảng cáo rầm rộ nhưng thực tế kết quả rất khác so với kỳ vọng và số tiền bỏ ra.
"Đẳng cấp quý tộc" đổi thành "trung tâm trông coi"
Theo một số thông tin có được, nơi được gọi là lớp đào tạo CEO cho trẻ em không khác gì một cơ sở trông trẻ. Nội dung của lớp "Trau dồi khí chất CEO" bao gồm một khóa đào tạo tư duy dựa trên việc điền vào chỗ trống và lắp ráp.
Anh Liêu chia sẻ: "Thực ra, tôi đã tìm một bảo mẫu để chăm sóc đứa trẻ. Bọn trẻ cần có một môi trường để phát triển. Tất cả những đứa trẻ tham gia các lớp đào tạo sẽ được tiếp xúc với những người bạn đồng trang lứa và lấy đó làm mục tiêu cố gắng".
Có không ít phụ huynh "chạy theo trào lưu" như thế này. Một nhân viên câu lạc bộ ngựa ở Thâm Quyến, Trung Quốc tiết lộ rằng nhiều phụ huynh đưa con đến đây chơi với bạn bè xung quanh đều có điều kiện kinh tế gia đình ở mức khá.
Đánh vào tâm lý của phụ huynh, nhiều khóa đào tạo trẻ em giá cao tương tự đều sử dụng "cao cấp" và "quý tộc" để thu hút các học viên. Trong khi đó bản chất của khóa học cũng gần giống như lớp trông giữ.
Một câu lạc bộ cưỡi ngựa ở Thâm Quyến, Trung Quốc được thành lập ban đầu là để dành cho người lớn. Giờ đây, cơ sở này đào tạo những tay đua trẻ em 3 tuổi. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như huấn luyện viên và địa điểm thi đấu chưa được điều chỉnh cho trẻ em, và an toàn vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Theo các quy định có liên quan, các cơ sở giáo dục và đào tạo được phê duyệt theo tiêu chuẩn của trường tư thục cần có địa điểm học tương đối độc lập, có kế hoạch giảng dạy và hệ thống quản lý chính thức, đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, có giấy chứng nhận mã số tổ chức, giấy phép hoạt động của trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy những điều này chưa thực sự được minh bạch ở các cơ sở đào tạo mới nổi.
Theo đuổi "giáo dục ưu tú" mù quáng có thể kìm hãm sự phát triển của trẻ
Một số phụ huynh bỏ tiền để đăng ký cho con theo học các lớp học, theo đuổi các chương trình đào tạo cao cấp như "sang chảnh", "giáo dục ưu tú", thường là để thỏa mãn sở thích riêng của cha mẹ. Nhiều gia đình cũng "chạy theo trào lưu" để đăng ký lớp học, và ít khi để tâm cảm xúc của những đứa trẻ.
Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con cái của mình trở thành "rồng phượng", tương lai rộng mở. Một số phụ huynh cho rằng việc cho con theo học các chương trình đào tạo đắt tiền là biểu hiện địa vị.
Phương Hải Quang, phó giáo sư tại Khoa Công nghệ Giáo dục tại Đại học Sư phạm Trung Quốc, nói rằng một số bậc cha mẹ muốn trau dồi phẩm chất lãnh đạo và khả năng dẫn dắt nhóm của con mình. Nhưng họ không tính đến việc con họ chưa hoàn thiện khả năng phản hồi và giao tiếp cơ bản.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Mục đích của kỳ nghỉ hè là để trẻ thư giãn về tâm lý và thể chất. Ngày nay, việc tham gia một số lượng lớn các lớp đào tạo đã làm thay đổi bản chất và mục đích của kỳ nghỉ hè, áp lực thậm chí còn lớn hơn ở trường. Điều này không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến mong muốn của con để định hướng phát triển trong tương lai.
Lý Nhiên, một giáo viên tiểu học ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc đã tham gia vào công tác giáo dục nhiều năm. Cô tin rằng việc gửi trẻ tham gia khóa đào tạo sẽ hủy hoại tương lai của con.
Các chuyên gia trong ngành giáo dục đề nghị, trước khi đăng ký tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo của các cơ sở giảng dạy. Ngoài việc lựa chọn đăng ký học một số lớp đào tạo theo sở thích, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ giúp người lớn làm một số công việc nhà trong ngày lễ và nâng cao kỹ năng sống cho trẻ.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/gioi-nha-giau-trung-quoc-do-xo-cho-con-di-hoc-golf-khoa-dao-tao-ceo-lop-hoc-sang-chanh-co-gia-tren-troi-nhung-chuyen-gia-lai-lac-dau-ngan-ngam-20220322145348062.chn