Giới hạn mong manh giữa căng thẳng Úc - Trung
Photo: Getty |
Không còn “cưỡi trên lưng những con cừu”
Xuất khẩu quặng sắt với giá cao là một trong những giải pháp giúp nền kinh tế Australia vững vàng vượt qua cú sốc đại dịch Covid-19, nhưng điều đó sẽ không kéo dài nếu kế hoạch của Trung Quốc được tiến hành thành công.
Trong bài viết đăng ngày 26/6 trên trang News tác giả Tarric Brooker nhận định, trong lịch sử của Australia, người ta nói rằng vận may của nền kinh tế này dựa trên lưng của những con cừu. Thật vậy, từ năm 1871-1960, sợi len làm từ lông cừu đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của xứ sở kangaroo.
60 năm tiếp theo trôi qua một cách nhanh chóng, Australia phụ thuộc nhiều hơn vào các mặt hàng xuất khẩu để phát triển nền kinh tế thịnh vượng như hơn một thế kỷ trước. Tuy nhiên, hiện nay, tương lai kinh tế của Australia không còn “cưỡi trên lưng những con cừu nữa”, mà là trên đỉnh một tàu chở quặng sắt đến Trung Quốc.
Tháng 1/2020, khi Trung Quốc bắt đầu đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch Covid-19, có vẻ như “con ngỗng vàng” (ý nói quặng sắt xuất khẩu) của Australia sẽ gặp khó ở thị trường đông dân nhất thế giới này.
Nhưng trong những tháng tiếp theo, khi đại dịch dần được khống chế, chính sách khôi phục kinh tế bằng cách tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng của chính phủ Trung Quốc đã không chỉ đưa giá quặng sắt ở mức cao hơn 55 USD/tấn so với mục tiêu của chính phủ Australia (trong năm tài khóa 2019-2020), mà còn đẩy giá mặt hàng xuất khẩu này lên mức kỷ lục mới.
Tháng 5/2021, giá quặng sắt đạt kỷ lục 226 USD/tấn, mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách liên bang, đóng góp đáng kể tăng trưởng GDP của Australia.
Cách đây 1 thập niên, vào năm 2011, mặc dù khi đó, ngành khai thác quặng đã có bước phát triển ngoạn mục, giá trị xuất khẩu quặng sắt của Australia mới chỉ đạt 58,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, đúng 10 năm sau, với sự tăng giá chóng mặt, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế xứ sở kangaroo đã thu về 64,1 tỷ USD từ thứ hàng hóa đã từng được gọi là "tốt như vàng thậm chí hơn vàng" này.
Cũng trong tháng 5/2021, giá quặng sắt xuất khẩu của Australia ghi nhận mức cao kỷ lục mọi thời đại. Dù Cục Thống kê Australia (ABS) chưa công bố số liệu chính thức của 5 tháng đầu năm, rất có khả năng mốc kỷ lục kim ngạch xuất khẩu quặng sắt hằng tháng 14 tỷ USD sẽ bị phá vỡ một lần nữa.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, các biện pháp đóng cửa biên giới đã khiến nền kinh tế Australia thất thu 47 tỷ USD mỗi năm từ khách du lịch nước ngoài. Và khoản tiền này đã được bù lại nhanh chóng chỉ trong vài tháng từ việc xuất khẩu quặng sắt, chủ yếu là sang Trung Quốc.
Nhưng giữa các tin vui về tăng trưởng GDP cùng việc Thủ quỹ Josh Frydenberg đánh giá xếp hạng tín dụng quốc gia ở mức AAA, thì việc bùng nổ xuất khẩu quặng sắt của Australia sang Trung Quốc lại có nguy cơ khiến những điều lạc quan đó sớm trở nên lu mờ và lung lay.
Nguy cơ chiến tranh thương mại
Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc dường như đã tương đối bằng lòng khi tiếp tục mua quặng sắt từ Australia. Tuy nhiên, kể từ khi bùng phát đại dịch, mối quan hệ song phương trở nên xấu đi đáng kể.
Bắc Kinh tăng cường nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu của Canberra như rượu vang, lúa mạch, tôm hùm… thông qua các hành động tăng thuế hoặc cấm nhập khẩu. Nguyên nhân được cho một phần là do Thủ tướng Australia Scott Morrison thúc giục Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, một hành động được cho là nhắm vào Trung Quốc.
Khi các mối quan hệ giữa hai nước ngày một xấu hơn, Bắc Kinh đang tăng cường tìm nguồn cung cấp quặng sắt khác ngoài Canberra để đáp ứng mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.
Hoạt động khai thác quặng sắt của công ty BHP, Australia. (Nguồn: ABC) |
Với sản lượng thép tiêu thụ ở Trung Quốc hiện đang ở mức cao kỷ lục và Bắc Kinh dựa nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như nền tảng của kế hoạch phục hồi kinh tế, lẽ dĩ nhiên, điều cuối cùng mà nước này muốn là không phải trả phải một cái giá cao cho quặng sắt nhập khẩu.
Nhằm hạ giá quặng sắt, Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh đầu cơ. Ngày 21/6, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết họ sẽ điều tra các hoạt động đầu cơ trên thị trường quặng sắt và “trừng phạt nghiêm khắc” các hành vi sai phạm.
Việc giá quặng sắt tăng phi mã đã đẩy chi phí tại các nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc lên cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đe dọa tới lợi nhuận của ngành thép.
Theo tác giả bài báo, mặc dù những động thái này có khả năng hạ giá đáng kể trong ngắn hạn, nhưng đây cũng chính là thông điệp dài hạn mà Trung Quốc muốn gửi đến chính quyền Australia và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngân sách liên bang.
Bắc Kinh đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung quặng sắt, vừa để hạ giá nhập khẩu, vừa để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn ngay cả khi căng thẳng thương mại với Mỹ và các đồng minh của Mỹ leo thang thành khủng hoảng.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã cố gắng phát triển các nguồn cung quặng sắt thay thế Australia, từ các mỏ ở Brazil cho đến các dự án trên khắp châu Phi.
Quốc gia châu Á cũng đã cho hoạt động trở lại một số mỏ khai thác quặng sắt trong nước và đang tăng cường sản xuất mặt hàng này.
Ngoài ra, việc thúc đẩy phát triển và khai thác mỏ quặng sắt Simandou khổng lồ ở quốc gia Tây Phi Guinea có khả năng cũng nằm trong danh sách các dự án ưu tiên của Bắc Kinh.
Trung Quốc sẽ thành công như thế nào trong việc tìm các nhà cung cấp khác thay thế quặng sắt từ Australia là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong lịch sử, họ đã phải vật lộn để xây dựng một chuỗi cung ứng thay thế, tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và giá quặng sắt nhập khẩu ở mức cao kỷ lục mọi thời đại như hiện nay, việc tìm kiếm nhà cung cấp khác thay cho quặng sắt từ Australia đã trở nên cấp bách đối với Bắc Kinh.
Theo tác giả Tarric Brooker, hiện tại, Australia dường như đang ung dung tận hưởng và thu lợi từ mặt hàng chiến lược của mình. Nhưng về lâu dài, nếu Bắc Kinh tìm được một nguồn cung quặng sắt lớn khác, Canberra có thể gặp vấn đề nghiêm trọng.
Article sourced from baoquocte.vn.