Giáo dục theo cách bạo lực ảnh hưởng như thế nào đến con cái?
Nuôi dạy con cái là hành trình không hề dễ dàng, nhất là đối với các bậc làm cha, làm mẹ trong cuộc sống bận rộn, gấp gáp ngày nay. Làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình được nuôi dưỡng và phát triển một cách tốt nhất. Nhưng đôi khi, chính sự mong muốn dẫu xuất phát từ tình yêu thương này lại khiến cha mẹ gây ra nhiều áp lực cho chính bản thân, áp lực cho con cái. Nhất là khi con nghịch ngợm, mắc lỗi thì mỗi phụ huynh lại có cách giáo dục khác nhau. Mỗi đứa trẻ lớn lên dưới phương pháp nuôi dạy khác nhau lại có sự khác biệt lớn về tính cách.
Cụ thể, câu chuyện về cô con gái tên Linlin vô tình làm rơi vỡ lọ hoa và cách phản ứng của người mẹ được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Được biết, Linlin năm nay 7 tuổi, có một em trai 3 tuổi. Trước đây, em được cha mẹ vô cùng cưng chiều, nhưng từ khi mẹ sinh em trai, mọi việc đã thay đổi.
Người mẹ sau khi sinh em bé thứ hai đã trở nên nóng tính và thường xuyên to tiếng hơn. Theo tìm hiểu, nếu Linlin phạm lỗi sai, mẹ sẽ la mắng thậm tệ, thậm chí dùng roi đánh em. Vì thế, cô bé 7 tuổi luôn trong trạng thái sợ mẹ la mắng, làm việc nào cũng không dám phạm lỗi sai, bởi vì chỉ cần phạm phải một lỗi nhỏ thì cũng sẽ "no đòn" với mẹ.
Một hôm, mẹ có công việc ra ngoài về muộn nên dặn con gái ở nhà trông em và không được chạy lung tung, Linlin ngoan ngoãn nghe lời mẹ dặn.
Thế nhưng, sau một thời gian thấy mẹ ra ngoài rất lâu không về, hơn nữa em trai liên tục khóc đòi sữa, Linlin sốt ruột vừa dỗ em vừa phải thường xuyên đến bên cửa sổ để xem mẹ đã về hay chưa. Thấy em khóc ngày càng lớn, vì quá bối rối nên lúc đó, cô bé 7 tuổi vô tình làm vỡ lọ hoa đặt bên cửa sổ rơi xuống tầng dưới. Cùng lúc đó, mẹ vừa đi công việc về và chứng kiến toàn bộ sự việc.
Ngay lập tức, người mẹ nổi trận lôi đình, không ngừng đánh đòn và trách mắng con gái. Mặc dù cô bé liên tục nói với mẹ rằng do em khóc và mong ngóng mẹ về nên bất cẩn làm rơi vỡ lọ hoa, không phải do nghịch phá, nhưng mẹ em vẫn không ngừng la mắng.
Sau khi bị mẹ trách phạt nặng, cô bé cảm thấy vô cùng tủi thân và tự nhốt mình trong phòng. Người mẹ cứ nghĩ đây đơn thuần chỉ là phản ứng nhất thời của con gái, không ngờ rằng con mình đã thay đổi tính cách kể từ đó. Linlin ít khi nói chuyện với mẹ hơn, thường xuyên trong trạng thái thận trọng, sợ hãi và nói chuyện với mẹ như người xa lạ.
Thậm chí, có lần cô bé còn gọi điện thoại cho bà nội và bày tỏ rằng mình không muốn ở trong căn nhà này nữa mà muốn về quê sống. Cô bé 7 tuổi nói với bà rằng, mẹ mình trở nên hung dữ như vậy là vì em trai, thế nên trong lòng rất ghét em trai.
Mẹ của Linlin cho đến lúc này mới nhận ra rằng chính cách giáo dục sai lầm của mình đã không may tạo ra khoảng cách giữa mình và con gái. Cô không thể ngờ rằng, chỉ với cách phản ứng ích kỷ của mình đã "hủy hoại" sự vô tư, hồn nhiên ở một đứa trẻ chỉ mới 7 tuổi, thậm chí là nỗi đau cả đời.
Cha mẹ giáo dục theo cách bạo lực ảnh hưởng như thế nào đến con cái?
Cha mẹ nghiêm khắc dạy con là điều rất bình thường, nhưng cũng cần phải lưu ý khi khiển trách con mình, bởi đây chính là con dao hai lưỡi có thể để lại hậu quả nặng nề, làm tổn thương tâm hồn trẻ.
1. Để lại "bóng đen" trong tâm lý
Tâm hồn trẻ con vô cùng thuần khiến và dễ bị tác động, thế nên, niềm vui hay sự tức giận của cha mẹ đều có ảnh hưởng quan trọng đối với trẻ. Trong một gia đình, tâm trạng của cha mẹ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tính cách của con cái. Nếu cả cha và mẹ luôn vui vẻ, yêu thương, nhẹ nhàng thì con sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực và ngược lại, nếu cha mẹ luôn cau có hoặc cãi vã với nhau, thậm chí thường xuyên dùng biện pháp đánh mắng để giáo dục con cái sẽ khiến trẻ suy nghĩ rằng mình không được yêu thương, mình là nguyên nhân gây ra mọi chuyện.
Lớn lên trong một môi trường như vậy, con trẻ sẽ luôn sống trong trạng thái uất ức, để lại "bóng đen" trong tâm hồn.
2. Trẻ lớn lên thiếu tự tin
Những đứa trẻ lớn lên dưới sự đánh đập, mắng mỏ của cha mẹ sẽ không trở nên "dũng cảm, kiên cường" như cha mẹ mong đợi, thay vào đó, chúng sẽ luôn trong trạng thái mặc cảm khi bị cha mẹ la mắng vì thua kém người khác, từ đó trở nên thiếu tự tin, rụt rè khi lớn lên.
Một đứa trẻ như vậy dù làm bất cứ việc gì cũng yếu kém, thiếu tự tin, nhút nhát, sau này sẽ khó đạt được thành tựu lớn.
3. Tính cách trở nên nhạy cảm
Những đứa trẻ được giáo dục bằng bạo lực đòn roi hay bạo lực ngôn từ trong giai đoạn non nớt sẽ hình thành tính cách nhạy cảm khi lớn lên. Chẳng hạn, khi những người xung quanh bàn tán về một chủ đề nào đó, chúng luôn nghĩ rằng mọi người đang phán xét mình, từ đó trong tâm hồn luôn tồn tại nỗi sợ và bất an.
Ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc thường sẽ vui vẻ và lạc quan, sẵn sàng chủ động đối mặt với mọi thử thách ở ngoài xã hội.
Là cha mẹ, hãy gác lại sự bảo thủ, ích kỷ của mình để kết nối, lắng nghe suy nghĩ, đồng cảm với cảm xúc của con, để thấu hiểu hơn về tâm tư nguyện vọng của con mình.
Một gia đình có hạnh phúc, ấm áp hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử và lời nói của cha mẹ. Hãy để con được phát triển cảm xúc một cách tự nhiên.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/con-gai-7-tuoi-vo-tinh-lam-roi-vo-lo-hoa-phan-ung-tieu-cuc-cua-nguoi-me-20230510201340403.chn