Giá nhà cao khiến chi phí cuộc sống tại Sydney, Melbourne cao hơn nhiều so với các thành phố nhỏ ở Mỹ

22:00' 20-07-2018
Người dân sinh sống ở các thành phố lớn ở Úc đang phải chật vật với chi phí cuộc sống – nhưng xét trên toàn cầu thì các thành phố này không lọt vào top mười thành phố đắt đỏ nhất đối với những người lao động làm việc ở nước ngoài, theo Bảng xếp hạng Chi phí Cuộc sống 2018 của công ty tư vấn nhân sự Mercer.

 
Photo: Gavin Hellier / Alamy Stock Photo
 
Cuộc khảo sát năm nay của công ty Mercer đã đánh giá 209 thành phố trên khắp năm lục địa, và xem thành phố New York là cơ sở để so sánh, cũng như sử dụng đồng đô la Mỹ để làm thước đo tiền tệ.
 
Trong khi Sydney vẫn là thành phố đắt đỏ nhất ở Úc, song thành phố này đã bị tụt xuống hạng 29 trong bảng xếp hạng của công ty Mercer, đứng sau London (Anh), Copenhagen (Đan Mạch), Noumea (New Caledonia), và các thành phố thuộc châu Phi như Abidjan , Libreville và Brazzaville. Melbourne được xếp ở vị trí thứ 58, bị tụt lại phía sau so với các thành phố như Munich (Đức), Mumbai (Ấn Độ), Helsinki (Phần Lan) và Bangkok (Thái Lan), trong khi Perth đứng ở vị trí thứ 61.
 
Canberra hiện đang ở vị trí thứ 77, tụt hạng từ vị trí thứ 71, trong khi Brisbane và Adelaide lần lượt được xếp ở vị trí thứ 84 và 87.
 
Theo bà Karla Costa thuộc công ty Mercer, những thứ hạng này không phải là do chi phí cuộc sống ở Úc đã trở nên rẻ hơn – mà thay vào đó, chi phí cuộc sống ở những quốc gia khác ở châu Á đang trở nên đắt đỏ hơn.
 
Châu Á có đến sáu thành phố lọt vào top mười thành phố đắt đỏ nhất trong bảng xếp hạng trên, trong đó Hồng Kông đứng đầu danh sách, và tiếp theo là các thành phố như Tokyo (Nhật Bản), Zurich (Thụy Sĩ), Singapore và Seoul (Hàn Quốc).
 
Luanda, thủ đô của Angola, đã bị tụt hạng từ vị trí đứng đầu bảng xếp hạng hồi năm ngoái xuống vị trí thứ sáu, do sự suy yếu của thị trường địa ốc.
 
Trong bảng xếp hạng năm nay, Thượng Hải (Trung Quốc), Ndjamena (Tchad), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bern (Thụy Sĩ) đã lọt vào top mười. New York là thành phố có chi phí cuộc sống cao nhất ở Mỹ, đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng năm nay.
 
Bà Costa nói rằng, điều quan trọng cần chú ý là cuộc khảo sát năm nay của công ty Mercer là một cuộc khảo sát quốc tế – chứ không chỉ ở Úc – và được đánh giá dựa trên mười tiêu chí, bao gồm chi phí ăn uống bên ngoài và chi phí ăn uống ở nhà, chi phí giao thông, chi phí cho các hoạt động thể thao và giải trí, cũng như chi phí về chỗ ở.
 
Theo bà Costa, tiền thuê nhà ở mức cao đã khiến chi phí cuộc sống ở Sydney và Melbourne đắt đỏ hơn nhiều so với một số thành phố khác có diện tích nhỏ hơn ở Mỹ, kèm theo đó là chi phí của một số loại hàng hóa và chi phí đi lại ở mức cao.
 
Số liệu của công ty Mercer, được tính toán hàng tháng, cho thấy giá thuê một căn hộ gồm hai phòng ngủ và không có nội thất ở Sydney rẻ hơn so với giá thuê một căn hộ tương tự ở các thành phố như Hồng Kông, Tokyo, London, New York, Thượng Hải, Moscow, Zurich và Seoul.
 
Bà Costa nói rằng, Adelaide là thành phố có giá thuê một căn hộ gồm hai phòng ngủ và không có nội thất ở mức rẻ nhất tại Úc.
 
London đã được xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất thế giới về vé xem phim, trong khi Moscow được xem là thành phố đắt đỏ nhất về những trang phục có chất liệu jeans, Seoul (cà phê), Zurich (hamburger) và Hồng Kông (xăng dầu).
 
Trái lại, năm nay, bảng xếp hạng về chi phí cuộc sống của tờ The Economist đã đánh giá Sydney là thành phố đắt đỏ thứ mười trên thế giới, tăng bốn hạng. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới Numbeo đã xếp hạng Sydney ở vị trí đắt đỏ thứ 32 trên thế giới trong năm 2018, và Melbourne đứng ở vị trí thứ 64.
 
Giá nhà vẫn là một vấn đề đáng lo ngại ở Úc. Theo cuộc khảo sát thường niên lần thứ 14 về khả năng mua nhà trên thế giới của công ty nghiên cứu Demographia, Sydney và Melbourne thuộc top năm thị trường địa ốc có khả năng mua nhà thấp nhất trên thế giới.
 
Trong khi mức tăng lương vẫn đang thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường và khả năng thuê nhà vẫn đang là một thách thức, đặc biệt là ở Sydney, thì sự sụt giảm thứ hạng của các thành phố lớn trong bảng xếp hạng của công ty Mercer vẫn chưa đủ để khiến người dân yên tâm hơn.
 
Giáo sư Rachel Ong thuộc Đại học Curtin nói rằng, bà nhận thấy vấn đề về khả năng mua nhà đang tạo ra áp lực đối với nhiều hộ gia đình. "Chúng tôi đã chứng kiến chu kỳ tăng giá nhà ở Perth, và đôi khi chu kỳ này diễn biến theo những hướng khác nhau.
 
Song, thị trường địa ốc ở Perth đã hạ nhiệt khá nhiều", bà Ong cho biết. Ngoài ra, bà Ong phân tích rằng, giá nhà đã ở mức cao so với thu nhập của các hộ gia đình trong một thời gian dài, và có khá nhiều mối liên quan giữa khả năng thuê nhà và giá nhà trên các thị trường địa ốc khác nhau của Úc.

 
Hong Dao - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm