Gần 34.000 người chết vì nCoV toàn cầu, Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới

14:01' 30-03-2020
Số người chết do nCoV tiếp tục tăng nhanh ở châu Âu và Mỹ, nâng số ca tử vong toàn cầu lên gần 34.000 trong hơn 720.000 ca nhiễm.

33.909 người đã chết trên toàn cầu do nCoV, trong đó châu Âu chiếm 2/3. Italy chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong toàn cầu với 10.779 trường hợp. Số ca nhiễm cũng tăng lên 720.480 tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm nCoV ở Metz, phía đông nước Pháp, đến Essen, Đức, ngày 28/3. Ảnh: AP.

Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 141.169 ca nhiễm, 2.458 ca tử vong và 4.435 người hồi phục. New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hệ thống chăm sóc y tế bang New York rơi vào tình trạng quá tải. Một bệnh viện đã phải xây nhà xác dã chiến. Chính quyền bang và Vệ binh Quốc gia đang xây gấp 4 bệnh viện dã chiến với tổng cộng 4.000 giường bệnh để ứng phó.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cảnh báo Covid-19 có thể gây ra từ 100.000 đến 200.000 ca tử vong tại nước này.

Italy xác nhận thêm 5.271 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 97.689, là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới, lớn nhất châu Âu. Số ca tử vong tăng 756 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên 10.779, tỷ lệ tử vong 11%.

Giới chuyên gia đánh giá tỷ lệ tử vong tại Italy cao hơn nhiều so với các quốc gia khác do nhiều yếu tố, như dân số già, đối tượng dễ bị virus tấn công, cũng như những hạn chế trong xét nghiệm khiến bức tranh toàn cảnh về đại dịch không đầy đủ.

Lệnh đóng cửa doanh nghiệp và cấm tụ tập tại Italy dự kiến hết hạn vào ngày 3/4. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 28/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết người dân nên sẵn sàng dành thêm nhiều thời gian ở nhà.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai châu Âu, báo cáo thêm 6.875 ca nhiễm và 821 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 80.110 và 6.803. Như vậy, số ca nhiễm và tử vong sau một ngày của Tây Ban Nha đã vượt Italy.

Nhà chức trách yêu cầu các trường học, quán bar, nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu đóng cửa từ ngày 14/3. Hầu hết người dân được khuyến cáo không ra đường. Ở thủ đô Madrid, các bệnh viện và nhà xác cũng lâm vào tình trạng quá tải.

Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia tối 28/3, Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố tất cả những lao động không cần thiết bắt buộc phải ở nhà hai tuần, biện pháp mạnh tay mới nhất của chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19.

Đức ghi nhận thêm 4.400 ca nhiễm và 92 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và ca tử vong lên 62.095 và 525. Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ 5 thế giới. Bộ Y tế cho hay đã thực hiện nhiều xét nghiệm và người nhiễm tại Đức khá trẻ. Giới chức cảnh báo không nên quá chú ý đến tỷ lệ tử vong 0,5% vì tình hình có thể thay đổi.

Bộ trưởng Tài chính bang Hesse Thomas Schaefer hôm 28/3 được phát hiện chết bên cạnh một đường ray xe lửa. Văn phòng công tố thành phố Wiesbaden tin rằng ông đã tự tử, có thể do "quá lo lắng" về cách đối phó nguy cơ kinh tế sụp đổ do Covid-19.

Pháp cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể ca nhiễm mới trong ngày với 2.599 trường hợp, nâng số ca nhiễm lên 40.174. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.606 sau khi xác nhận thêm 292 trường hợp.

Thủ tướng Edouard Philippe nói cuộc chiến chống Covid-19 ở Pháp "chỉ mới bắt đầu", đồng thời cảnh báo hai tuần đầu tiên của tháng 4 "sẽ còn khó khăn hơn" hai tuần cuối tháng ba.

Cựu bộ trưởng nội các Pháp Patrick Devedjian, 75 tuổi, ngày 29/3 được thông báo tử vong vì nCoV. Ông là chính trị gia cấp cao đầu tiên của nước này qua đời do Covid-19.

Anh báo cáo thêm 2.433 ca nhiễm và 209 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 19.522 và 1.228. Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 27/3 xác nhận dương tính với nCoV và đang có các triệu chứng bệnh nhẹ. Cả hai đều tự cách ly và tiếp tục làm việc tại nhà. Trước đó, Thái tử Anh Charles và Thứ trưởng Y tế Nadine Dorries cũng thông báo nhiễm bệnh.

Trong bức thư gửi tới 30 triệu hộ gia đình Anh, Thủ tướng Johnson kêu gọi người dân "ở nhà, để bảo vệ Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) và bảo toàn tính mạng". Ông cảnh báo "mọi thứ có thể trở nên tồi tệ trước khi tốt lên".

Chuyên gia về dịch bệnh Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London cho rằng Anh nên duy trì biện pháp phong tỏa đến tháng 6 nhằm kiểm soát tốt hơn Covid-19. Theo ông, sau khi kết thúc phong tỏa, trường học vẫn nên đóng cửa đến mùa thu và mọi người vẫn nên làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng.

Bộ trưởng Cộng đồng Anh Robert Jenrick ngày 29/3 khẳng định cả quốc gia "đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp" nhằm chống Covid-19. "Đây là một động thái thái chưa từng có trong thời bình. Chúng ta chưa làm điều gì như thế kể từ Thế chiến II đến nay", ông nhấn mạnh.

Trung Quốc đại lục hôm nay báo cáo 31 ca nhiễm mới, trong đó 30 ca là "ngoại nhập", nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 81.470. Tổng số ca tử vong là 3.304, tăng 4 ca so với một ngày trước đó.

Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 2.901 ca nhiễm mới và 123 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 38.309 và 2.640.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố chính phủ sẽ hỗ trợ 90% chi phí điều trị cho mỗi người dân nhiễm nCoV. Quốc gia Trung Đông này đã áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, bao gồm lệnh cấm đi lại liên tỉnh bằng đường bộ. Các hạn chế sẽ còn hiệu lực ít nhất đến ngày 8/4.

Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.470 ca nhiễm và 35 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 114 người chết trong 1.285 người nhiễm, tỷ lệ tử vong xấp xỉ 9%.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/the-gioi/gan-34-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau-4076629.html