"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc bắt giam các lãnh đạo chính trị và các nhà hoạt động xã hội dân sự, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, cũng như việc nhắm mục tiêu tới giới truyền thông", ngoại trưởng các nước G7 hôm nay ra tuyên bố chung từ London, Anh.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi quân đội Myanmar lập tức chấm dứt tình trạng khẩn cấp, khôi phục quyền lực cho chính phủ dân chủ, trả tự do cho những người bị bắt giam bất công và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền.

Động thái của các nước G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, được thực hiện sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bất đồng, chưa thể ra tuyên bố chung sau cuộc họp khẩn ngày 2/2 về tình hình Myanmar.

Xe bọc thép di chuyển trên đường phố Myitkyina, bang Kachin, Myanmar, hôm 2/2. Ảnh: AFP.

Theo bản dự thảo tuyên bố chung được Anh trình lên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến kêu gọi khôi phục chính phủ dân sự ở Myanmar, trả tự do cho các quan chức nhà nước bị bắt và chấm dứt tình trạng khẩn cấp một năm. Bản dự thảo không đề cập đến các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung này không được thông qua do chưa nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, quốc gia có quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Theo các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp khẩn, nước thành viên thường trực khác là Nga cũng yêu cầu "cần thêm thời gian".

Sau nhiều ngày leo thang căng thẳng về cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái, quân đội Myanmar sáng 1/2 đã đột kích bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Qua truyền hình, quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một năm và cựu tướng Myint Swe sẽ là quyền tổng thống vào năm tới. Họ giải thích cuộc đảo chính được thực hiện do chính phủ dân sự không giải quyết được "những bất thường lớn" trong cuộc bầu cử tháng 11.

Lãnh đạo các nước và tổ chức thế giới đã lên tiếng hy vọng Myanmar giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình cũng như sớm trở lại ổn định. Cuộc đảo chính ngày 1/2 cũng dẫn tới một số cuộc biểu tình phản đối ở các nước như Thái Lan và Nhật Bản.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/g7-ra-tuyen-bo-chung-ve-myanmar-4230970.html