Fed “nhấn phanh” ngừng hạ lãi suất tại thời điểm này là quá sớm

12:19' 01-11-2019
Sau hai ngày họp tại thủ đô Washington DC, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 1,75-2% xuống còn 1,5-1,75%.


Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington DC. (Nguồn: AFP)

Đây là lần thứ ba Fed hạ lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh có nhiều rủi ro nội tại lẫn từ bên ngoài. Ngoài ra, ngân hàng trung ương này cũng phát đi tín hiệu chu kỳ cắt giảm lãi suất có thể sẽ bị tạm dừng. Mặc dù đã xuất hiện một số dấu hiệu yếu kém, Fed hy vọng đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục và thị trường việc làm vẫn “khỏe mạnh."

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng việc Fed “nhấn phanh” ngừng hạ lãi suất tại thời điểm này là quá sớm.

Nền kinh tế chưa hoàn toàn “mất đà”….

Kể từ mùa Xuân, sản lượng của ngành chế tạo tại Mỹ đã bị ảnh hưởng rất lớn do căng thẳng thương mại và tăng trưởng toàn cầu “hạ nhiệt," trong khi các doanh nghiệp đã cắt giảm chi tiêu cho đầu tư sản xuất.

Nhưng tại cuộc họp báo sau cuộc họp ngày 30/10 của FOMC, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương này không nhận thấy những xu hướng đó làm suy yếu nền kinh tế trên diện rộng. Thay vào đó, hoạt động tuyển dụng ổn định đang giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp, thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn.

Trong bối cảnh hiện tại, mặc dù chưa có nhiều yếu tố tác động rõ ràng đến hoạt động tuyển dụng hoặc chi tiêu của người tiêu dùng, Fed cảm thấy đợt cắt giảm lãi suất "bảo hiểm" tuần này là phù hợp để chống lại những kịch bản tồi tệ hơn.

Những số liệu thống kê mới nhất cũng "nâng đỡ" phần nào cho các tuyên bố của Fed. Theo thống kê sơ bộ mới được công bố trước đó cùng ngày, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ trong quý 3/2019 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018, giảm so với mức tăng 2% trong quý 2 trước đó.

Mặc dù chỉ số GDP hàng quý thấp hơn, nền kinh tế Mỹ đã khởi đầu giai đoạn nửa sau năm 2019 với mức tăng cao hơn những dự báo lần lượt là 1,8% và 1,7% của Fed chi nhánh Philadelphia và Atlanta. Con số trên cũng cao hơn mức kỳ vọng 1,6% mà các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters từng đưa ra.

Dựa trên báo cáo ngày thứ Tư (30/10), đà tăng trưởng GDP quý 3 của Mỹ tiếp tục phụ thuộc khá lớn vào chi tiêu tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ, phần nào bù đắp sự yếu kém trong chi tiêu kinh doanh bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp thương mại của Mỹ và triển vọng toàn cầu không mấy tươi sáng.

Theo đó, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn 60% hoạt động kinh tế của Mỹ, đã “hạ nhiệt” xuống mức 2,9%. Song đây vẫn là con số đáng khích lệ sau khi đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý IV/2017 là 4,6% trong quý 2 trước đó.

Hoạt động chi tiêu của người dân Mỹ đang được hỗ trợ bởi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong gần 50 năm qua. Một báo cáo riêng cùng công bố ngày 30/10 cho thấy hoạt động tuyển dụng trong khu vực tư nhân đã tăng 125.000 việc làm trong tháng 10 sau khi tăng 93.000 việc làm vào tháng Chín.

Dù đầu tư kinh doanh vẫn khá yếu, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của FOMC, ông Powell nói rằng một số mối rủi ro từ kinh tế toàn cầu và căng thẳng thương mại vốn đang đe dọa nền kinh tế Mỹ đã yếu đi.

Ông Powell viện dẫn rằng việc Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận “ngừng bắn” tạm thời đã "hạ nhiệt" cuộc chiến thương mại của họ, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý lùi thời hạn cho tiến trình Brexit của Vương quốc Anh từ ngày 31/10/2019 sang ngày 31/1/2020 đã giúp giảm thiểu khả năng Brexit "không thỏa thuận."

Vì vậy, Chủ tịch Fed cho rằng nhu cầu cắt giảm lãi suất trong tương lai của ngân hàng trung ương này cũng không còn nhiều.

… Liệu Fed có ngừng giảm lãi suất quá sớm?

Theo bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Mỹ tại công ty tư vấn tài chính Oxford Economics, ông Powell rõ ràng đặt ra những yêu cầu rất cao cho việc cắt giảm lãi suất tại các cuộc họp vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020.

Nhưng bà Bostjancic và một số nhà kinh tế khác nói rằng đà tăng trưởng của Mỹ sẽ tiếp tục chậm lại và rồi Fed sẽ lại phải “ra tay." Chuyên gia Bostjancic dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm xuống còn 1,6% vào năm 2020, dưới mức dự báo 2% của Fed và các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cắt giảm lãi suất vào mùa Xuân tới.

Bà Bostjancic cho biết ông Powell có thể đang “quá lạc quan” về các mối đe dọa thương mại và tình hình Brexit. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực để có thể ký kết một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” vào tháng tới, nhiều vấn đề tranh chấp quan trọng giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết trong thỏa thuận này.

Bên cạnh đó, giới phân tích chỉ ra rằng “nhiệm vụ kép” của Fed là đưa thị trường việc làm đạt được ngưỡng toàn dụng lao động và duy trì giá cả ở mức ổn định. Nhưng hiện có rất ít bằng chứng cho thấy Fed đã đạt được những mục tiêu này.

Fed đã nhiều lần đánh giá thấp mức tăng trưởng việc làm mà nền kinh tế có thể duy trì. Năm 2016, Fed bắt đầu tăng lãi suất vì tin rằng tỷ lệ thất nghiệp (khi đó là 4,8%) đã ở mức thấp nhất có thể đạt được mà không gây ra lạm phát. Kể từ đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,5%, trong khi lạm phát vẫn ở mức dưới 2%.

Trong khi thị trường lao động đang có "thể trạng" tốt nhất trong nhiều năm qua, vẫn có hàng triệu công nhân thiếu việc làm hoặc không thể tiếp cận thị trường. Việc Fed chấp nhận rủi ro tăng trưởng việc làm chậm hơn có thể khiến những lao động này bị bỏ quên.

Bên cạnh đó, Fed từ lâu đã lập luận rằng mục tiêu lạm phát 2% của họ là đối xứng trực tiếp - có nghĩa là lạm phát nên ở mức trên 2% thường xuyên như khi nó ở dưới mức đó. Tuy nhiên, lạm phát đã ở mức dưới 2% trong hầu hết một thập niên qua. Trừ khi Fed có thể đẩy lạm phát duy trì bền vững trên mức 2%, ngân hàng hày sẽ mất uy tín với các thị trường.

Trong khi đó, những chỉ số đo lường lạm phát trong tương lai (như mô hình lạm phát thực tế và rủi ro lạm phát giai đoạn 10 năm của Fed chi nhánh Cleveland) tiếp tục giảm. Nếu Fed không ngăn chặn được sự suy giảm dự báo trên, thì có nguy cơ ngân hàng này sẽ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng giảm phát khi đợt suy thoái tiếp theo xảy ra.

Giảm phát đặc biệt nguy hiểm đối với một nền kinh tế suy thoái, bởi vì khi giá cả suy giảm, các doanh nghiệp hầu như không có thêm doanh thu để tuyển dụng nhân công mới hoặc tăng lương. Điều này có thể khiến nền kinh tế rơi vào vòng xoáy đình trệ.

Ông Powell không sai khi nhận định rằng nền kinh tế Mỹ vẫn “khỏe mạnh” hơn so với các nước phát triển khác. Và ông chắc chắn muốn ngăn chặn khả năng đà suy giảm trong đầu tư và chế tạo trở thành một cuộc suy thoái toàn diện cho kinh tế Mỹ.

Nhưng kinh tế Mỹ cũng có những nguy hiểm khác phải đối mặt. Hiện hầu như không có bằng chứng để cùng cố niềm tin rằng nước này sẽ sớm đạt được ngưỡng toàn dụng lao động hoặc lạm phát tăng lên trên mức 2%.

Theo nhiều chuyên gia, Fed nên tập trung hoàn thành “nhiệm vụ kép” của mình. Thay vì chỉ thực hiện thêm một lần cắt giảm lãi suất, Fed nên cân nhắc tiếp tục hạ lãi suất để đảm bảo rằng lạm phát tăng lên trên ngưỡng mục tiêu 2% và duy trì ở mức đó trong hai hoặc ba quý tới.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/fed-lieu-co-qua-voi-vang-khi-phat-di-tin-hieu-ngung-ha-lai-suat/604772.vnp