EU sẽ không thiếu năng lượng trong mùa Đông này
Công nhân vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka, vùng Kiev. (Ảnh: AFP)
Báo cáo nghiên cứu EWI cho biết: "Nguồn cung khí đốt cho mùa Đông được đảm bảo, dù các cuộc đàm phán về chuyển giao khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu có thể thất bại."
Theo báo cáo trên, giá khí đốt tại Đức có thể tăng nhẹ, nhưng nguồn cung sẽ không bị ngắt quãng.
Các cơ sở dự trữ khí đốt đều đang đầy và giá cả hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm do dư thừa nguồn cung toàn cầu và các mối liên kết quốc tế hiện tốt hơn nhiều so với cách đây 10 năm, khi Nga và Ukraine tranh cãi về giá và hình thức thanh toán.
Moskva cho biết họ không muốn một "cuộc chiến khí đốt" với Ukraine như hồi năm 2009, dẫn tới ngắt quãng nguồn cung tại nhiều quốc gia châu Âu trước khi thỏa thuận hiện hành được ký kết.
Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới và các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thay thế đang bị phức tạp hóa bởi các vấn đề chính trị
EWI đưa ra một kịch bản, theo đó việc ngừng chuyển giao khí đốt sang châu Âu qua Ukraine từ tháng 1/2020 có thể dẫn tới việc giảm 6,3 tỷ m3 khí xuất khẩu của Nga sang EU trong tháng Một.
Viện trên cho biết dự trữ khí đốt dưới lòng đất có thể cung cấp 83% lượng khí thiếu hụt và phần còn lại sẽ được thay thế bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.
Điều này sẽ đẩy giá khí đốt tại Đức tăng 5% và tại Hy Lạp tăng 45% (vì Hy Lạp hiện không kết nối với mạng lưới khí đốt chính của châu Âu).
EWI cũng dự báo nếu xảy ra đợt không khí lạnh đột ngột tại châu Âu vào giữa lúc nguồn cung từ Nga bị ngắt quãng, giá khí đốt có thể còn tăng cao hơn một chút.
Tuy nhiên, EWI khẳng định nguồn cung khí đốt cho 3 tháng sẽ được đảm bảo nếu khủng hoảng xảy ra đến tận tháng 3/2020, thời điểm hết mùa Đông.
Nga cho biết các cuộc đàm phán 3 bên (Nga, Ukraine và EU) có thể sẽ diễn ra trong ngày 5/12 nếu các công ty liên quan, gồm Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine, sẵn sàng. Nhưng tuần trước, Naftogaz vẫn tỏ ra chưa sẵn sàng đàm phán.
Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiycó thể sẽ thảo luận về bất cứ vấn đề nào khi hai bên gặp nhau tại Paris trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh theo định dạng "Normandy" vào ngày 9/12 tới.
Năm 2011, đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy Phương Bắc 1 dưới lòng biển Baltic đã đi vào hoạt động và chuyển 55 tỷ m3 khí/năm đến Đức, từ Nga qua Ukraine.
Trong khi đó, đường ống mang tên Dòng chảy Phương Bắc 2 dự kiến sẽ bắt đầu vận hành từ giữa năm 2020, với công suất dự kiến nhiều gấp đôi.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/eu-se-khong-thieu-nang-luong-ca-khi-ngaukraine-khong-dat-thoa-thuan/611273.vnp