EU cảnh báo sẽ có hành động pháp lý chống lại Anh
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Anh Liz Truss ở Brussels (Bỉ) ngày 21/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trả lời phỏng vấn tại Brussels (Bỉ), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic đã bày tỏ lo ngại việc chính phủ Anh xem xét lại quy định thương mại hậu Brexit.
Theo ông, hành động đơn phương này đã gây tổn hại tới lòng tin chung và EC sẽ đánh giá dự luật của Anh.
Ông Sefcovic nhấn mạnh EU sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hậu Brexit, cũng như quy chế thương mại đặc biệt tại Bắc Ireland, bởi điều này sẽ chỉ gây ra rủi ro pháp lý đối với người dân và doanh nghiệp tại vùng lãnh thổ này.
Do quyết định của Anh đã đi ngược lại thỏa thuận hậu Brexit, Phó Chủ tịch EC cho biết EU sẽ cân nhắc tái khởi động thủ tục pháp lý chống lại Anh và mở ra các vụ kiện mới nhằm bảo vệ thị trường chung EU trước rủi ro từ việc vi phạm các quy định về doanh nghiệp, đảm bảo sức khỏe và an toàn của người dân trong khối.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hối thúc người đồng cấp Anh Liz Truss tiếp tục các cuộc đàm phán chân thành với EU nhằm đạt được giải pháp giúp duy trì những thành tựu của Thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành.
Về phần mình, Ngoại trưởng Truss khẳng định Anh hoàn toàn nghiêm túc về việc thông qua dự luật liên quan đến Bắc Ireland, theo đó sẽ điều chỉnh cách áp dụng thỏa thuận thương mại hậu Brexit mà Anh đã nhất trí với EU.
Theo bà, dự luật này sẽ không chỉ khắc phục các vấn đề về Nghị định thư Bắc Ireland, mà còn bảo vệ thị trường chung EU trước nguy cơ suy yếu do tác động của luật mới.
Ngoại trưởng Truss cho biết Anh vẫn sẵn sàng đàm phán với EU và chính phủ nước này đang hành động theo luật quốc tế. Phía Anh cũng đang duy trì liên lạc với các nghị sỹ Mỹ về vấn đề này.
Phản ứng trước quyết định của chính phủ Anh, các doanh nghiệp tại Bắc Ireland đã hối thúc London giải quyết tình trạng gián đoạn trong thương mại hậu Brexit thông qua các cuộc đàm phán với EU, thay vì theo đuổi các kế hoạch đơn phương.
Người phụ trách Các vấn đề công của Văn phòng Thương mại Bắc Ireland Stuart Anderson nêu rõ mặc dù có những yếu tố hấp dẫn trong đề xuất liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, song vẫn cần có sự cân đối phù hợp để bảo vệ lợi ích của các nhà xuất khẩu, cũng như lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
Việc chuyển rủi ro sang các doanh nghiệp Bắc Ireland đang gây nhiều quan ngại. Theo quan chức này, cả EU và Anh đều có trách nhiệm đạt được nhất trí qua đàm phán.
Đây là quan điểm nhận được sự đồng tình của các nhóm doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ và những công ty chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi hoạt động kiểm soát hàng hóa theo quy chế hiện nay về Bắc Ireland.
Theo Nghị định thư Bắc Ireland, sau khi Anh rời EU, vùng lãnh thổ này tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung châu Âu nhằm tránh phải thiết lập biên giới với Cộng hòa Ireland, một thành viên EU.
Để đảm bảo hàng hóa từ các vùng còn lại đến Bắc Ireland đáp ứng các tiêu chuẩn EU, hai bên nhất trí thực hiện kiểm soát hàng hóa đến từ lục địa Anh trước khi vào vùng này.
Tuy nhiên, kể từ khi được áp dụng vào đầu năm 2021, các hoạt động kiểm soát khiến lưu thông hàng hóa từ phần còn lại của Anh đến Bắc Ireland bị đình trệ nghiêm trọng.
Từ nhiều tháng qua, Anh đã đe dọa sẽ đơn phương sửa đổi nghị định thư này nếu EU không đồng ý thay đổi.
Về phần mình, Brussels tin rằng mọi thay đổi đơn phương đều sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và có thể sẽ sử dụng một hành động pháp lý hoặc áp thuế, gây thêm bất lợi cho nền kinh tế Anh đang suy giảm khi lạm phát có thể lên tới mức 10%.
Tuy nhiên, cuối tuần qua, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland trong chính phủ Anh Brandon Lewis khẳng định dự luật này tuân thủ luật pháp quốc tế.
Theo truyền thông Anh, dự luật được cho là sẽ tạo một kênh lưu thông hàng hóa từ nước này sang Bắc Ireland, bỏ qua mọi quy định ngăn cản vùng này hưởng những lợi thế về thuế quan đồng thời chấm dứt vai trò trung gian của Tòa án Tư pháp châu Âu.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/eu-canh-bao-hanh-dong-phap-ly-doi-voi-du-luat-cua-anh-ve-bac-ireland/797720.vnp