Dùng khẩu trang vải cho các con để ngừa virus 2019 – nCoV được không?
1. Coronavirus có nguy hiểm không?
Câu trả lời là CÓ. Vì đây là loại virus rất mới, đối với cơ thể người. Virus khác với vi khuẩn ở chỗ là nó không thể sống độc lập trong môi trường mà phải có vật chủ để sống, nếu không chúng sẽ chết. Vật chủ ở đây có thể là thực vật, động vật hoặc cơ thể người. Mỗi loại virus có những vật chủ riêng và chúng thường chỉ ở trong những vật chủ đó. Và 2019 – nCoV trong các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy rắn và dơi là vật chủ của nó. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác cho rằng có liên quan đến các thuộc loại có vú hoặc chim. Nhưng giờ đây, con virus từ động vật hoang dã này có thể lây sang người. Do đó chúng là một virus lạ đối với cơ thể người, hệ miễn dịch của chúng ta chưa kịp nhận biết và tiêu diệt được ngay, nó cần một quá trình học hỏi. Các nhà khoa học cũng chưa kịp nghiên cứu ra cơ chế nhân lên và gây bệnh của virus mới là gì để tìm ra cách điều trị cũng như vaccine để phòng ngừa bệnh.
Vào lúc 18 giờ 35 phút theo giờ Geneva (Thuỵ Sĩ) ngày 30/1/2020, tổng giám đốc WHO – tổ chức y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố sự bùng nổ của 2019 – nCoV gây nên tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng toàn cầu. Đây là lần thứ 6 trong lịch sử WHO phải đưa ra tình trạng thông báo khẩn cấp như vậy. Và vì thế tình trạng này thật sự nguy hiểm.
2. Việt Nam đang ở vùng trung tâm dịch?
Câu trả lời là KHÔNG. Theo thông tin cập nhật đến 9h00 ngày 4/2/2020, thế giới ghi nhận 20.627 người mắc, 426 người tử vong, chủ yếu là từ Trung Quốc. Việt Nam số lượng ca nhiễm đã tăng lên 9. Tuy nhiên chưa có bằng chứng gì để nói rằng Việt Nam đang có epidemic – tức là dịch ảnh hưởng nhiều người ở địa phương đó.
Việc chúng ta cần làm là tìm hiểu các phương pháp phòng ngừa để cùng với thế giới chống lại bệnh dịch lây lan (Ảnh minh họa).
Rất may là trong đại dịch lần này các nhà khoa học đã sớm xác định được nguyên nhân gây bệnh là do virus nào. Virus corona cũng gần giống với virus SARS – CoV năm nào nên triệu chứng cũng gần giống nhau, nên chúng ta cũng phần nào kịp trở tay để ngăn ngừa dịch lây lan nhanh. Do đó chúng ta phải thật bình tĩnh. Việc chúng ta cần làm là tìm hiểu các phương pháp phòng ngừa để cùng với thế giới chống lại bệnh dịch lây lan.
3. Việt Nam có đủ khả năng để điều trị hay không?
Câu trả lời là CÓ. Bởi vì bệnh này do virus gây ra, do đó việc điều trị hỗ trợ triệu chứng là chủ yếu. Bằng chứng là những ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam đã được điều trị khỏi. Do đó chúng ta có quyền tin tưởng rằng ngành Y tế của chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để theo dõi, điều trị bệnh này.
4. Có cần chích ngừa các bệnh khác cho trẻ trong thời gian này hay không?
Câu trả lời là CÓ. Không có lý do gì chúng ta trì hoãn việc tiêm ngừa cho trẻ, nhất là mũi cúm. 2019 – nCoV hoàn toàn không phải là virus cúm và việc ngừa cúm đúng là không ngừa được virus này. Tuy nhiên nếu như đồng nhiễm vừa 2019 - nCoV vừa cúm Influenza thì nguy cơ biến chứng và tử vong sẽ tăng hơn. Vậy nên vẫn cần chích ngừa cúm cho trẻ trong thời gian này.
Còn thuốc TAMIFLU (là loại thuốc để kiềm chế virus cúm) không thể dùng điều trị bệnh do 2019 - nCoV. Lo đi chích ngừa cho các con thay vì tốn thời gian và tiền bạc đi kiếm thuốc vớ vẩn.
5. Dùng khẩu trang vải cho các con để ngừa virus 2019 – nCoV được không?
Câu trả lời là KHÔNG. Khẩu trang vải + khẩu trang sợi polyurethane khả năng phòng chống virus nCoV cũng như các loại virus khác là rất thấp do không cô lập và cách ly được các giọt nước bọt, các lỗ vải lớn không ngăn nổi tác nhân gây bệnh. Khẩu trang y tế dùng 1 lần và khẩu trang N95 hiệu quả ngăn virus như nhau. Mà trẻ nhỏ thì việc sử dụng N95 là không khả thi. Do đó việc sử dụng khẩu trang y tế dùng 1 lần là được. Nhớ là mặt ngoài màu xanh không thấm nước có tác dụng cách li các giọt nước bọt, mặt trong màu trắng có tác dụng tăng thấm do hơi thở nhiều nước. Mỗi người chỉ cần mua 1 đến 2 hộp khẩu trang y tế/1 tháng là đủ dùng.
6. Đeo khẩu trang có thể lọc được hoàn toàn virus?
Câu trả lời là KHÔNG. Đeo khẩu trang y tế chỉ có tác dụng tránh những dịch tiết có thể chứa virus của mình bắn lung tung vào người khác chứ không có tác dụng chống virus xâm nhập vào mình hoàn toàn đâu nhé, vì virus nó có kích thước siêu nhỏ. Các bạn nói chỉ cần đeo khẩu trang khi có triệu chứng thôi thì cũng chưa đúng. Con virus này có thời kỳ ủ bệnh trong khoảng 14 ngày và hoàn toàn chúng ta chưa có triệu chứng. Do đó khả năng chúng ta bị lây trong thời kỳ ủ bệnh là vô cùng cao. Vì thế trong tình hình này thì khi ra đường, hoặc những chỗ đông người dù không có triệu chứng vẫn nên đeo khẩu trang để phòng ngừa.
Nếu đeo khẩu trang đúng cách, đúng nơi cũng ngừa lây nhiễm được khoảng 20%. Nhưng nếu đeo khẩu trang kết hợp rửa tay thì khả năng ngừa sẽ lên đến 40%. Do đó việc "RỬA TAY" được xem là quan trọng nhất. Nếu dùng dung dịch rửa tay khô thì chú ý chọn loại chứa cồn 70 độ là được, cao quá cũng không tốt vì bay hơi nhanh. Nếu không mua được, thì rửa tay bằng xà phòng là được, không nhất thiết phải là xà phòng diệt khuẩn vì cho tới nay, chưa có bằng chứng gì là xà phòng diệt khuẩn làm giảm nhiễm trùng hơn xà phòng thường.
7. Cho con nghỉ học tới khi nào là an toàn?
Diễn biến dịch bệnh phức tạp nên khó có thể biết được học sinh nghỉ học đến khi nào (Ảnh minh họa).
Câu trả lời là KHÔNG biết được. Đây có thể được dự đoán là đỉnh của đợt dịch và vì thế nên các trường học đã cho các bé được nghỉ học thêm 1 tuần nữa. Tuy nhiên tình hình diễn biến của bệnh cũng còn phức tạp nên chuyện có thể dự đoán chính xác thời điểm nào là an toàn để cho trẻ đến trường là rất khó nói. Thế nhưng, theo thông kê về mặt dịch tễ cho đến thời điểm này thì tỷ lệ nhiễm 2019 - nCoV ở trẻ em khá thấp, trên 50% gặp ở đàn ông trung niên. Vì thế việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, tầm soát và cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ hoặc có nguy cơ nhiễm ở các trường học khả thi hơn so với việc cho trẻ nghỉ học kéo dài.
Người có nguy cơ: Người đến từ vùng nguy cư hiện nay là Vũ Hán hay rộng hơn là Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Người nghi ngờ: Người đến từ vùng nguy cơ và có triệu chứng nghi ngờ: sốt, ho, thở mệt và còn trong thời gian ủ bệnh.
Người có nguy cơ nên cách ly ít nhất sau 14 ngày. Còn người nghi ngờ nên được cách ly cho tới khi xét nghiệm âm tính với nCoV. Ở miền Nam, xét nghiệm ở Viện Pasteur, miền Bắc ở Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, miền Trung ở Viện Pasteur Nha Trang.
8. Có vaccine phòng ngừa 2019 – nCoV hay chưa?
Câu trả lời là CHƯA. Tới thời điểm này chưa có mà chắc còn lâu. Do đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất. Ngoài ra cần theo dõi và đến bệnh viện để kiểm tra trong những tình huống sau: Khi con có triệu chứng nặng như sốt cao, khó thở, suy hô hấp; hoặc con chỉ mắc các triệu chứng như sốt, ho, chảy mũi nhẹ và thuộc đối tượng nguy cơ hay nghi ngờ.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/bac-si-nhi-giai-dap-8-cau-hoi-lien-quan-den-virus-corona-dang-rat-duoc-cac-me-bim-sua-quan-tam-20200204112401826.chn