Đức ủng hộ thành lập "liên minh phòng thủ" châu Âu
ảnh minh họa
Hiện Đức đang chuẩn bị triển khai và dẫn đầu một nhóm khoảng 1.000 binh sỹ tại Litva trong nỗ lực nhằm đối phó với các thách thức an ninh tiềm ẩn.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Vilnius, bà Leyen nêu rõ: "Đã đến lúc tiến tới thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu, về cơ bản là một sự phòng thủ Schengen" (khu vực miễn thị thực giữa các nước châu Âu). Bộ trưởng quốc phòng Đức cũng cho rằng đây là điều mà Mỹ trông đợi nước này sớm thực hiện.
Trước đó, ngày 13/7, phát biểu khi khi giới thiệu về Sách trắng Quốc phòng của Đức, Bộ trưởng Leyen cũng đã kêu gọi EU nên nắm lấy lợi thế từ việc Anh rời EU (Brexit) nhằm hướng tới một chính sách an ninh chung.
Liên minh châu Âu (EU) từ lâu luôn cân nhắc việc thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn giữa các nước thành viên, đồng thời không làm suy yếu liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu, trong đó có nhiều nước EU, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga căng thẳng, cùng với đó là các cuộc xung đột ngày càng tồi tệ hơn ở Trung Đông.
Trong khi đó, quyết định rời EU của Anh, nước luôn phản đối nỗ lực của châu Âu nhằm tiến tới một chính sách an ninh hội nhập chặt chẽ hơn, đã dỡ bỏ rào cản tiến tới hợp tác phòng thủ chung của châu Âu.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini cũng đã đề xuất thành lập một trụ sở quân sự cho các đơn vị phản ứng nhanh đa quốc gia của EU tại Brussel (Bỉ).
Nhật báo Italy La Repubblica cho biết bà Mogherini gọi đơn vị này là "các nhóm chiến đấu," có khả năng thực hiện can thiệp quân sự và phản ứng nhanh trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Đề xuất trên là một trong 4 đề xuất "ưu tiên" mà bà Mogherini sẽ trình lên các chính phủ EU khi xem xét hậu quả của việc Anh rời khối này
Article sourced from XALUAN.