Đức mong muốn Italy tiếp tục là "đầu tàu" của EU?

16:28' 12-11-2019
Việc bà Merkel đến Rome để thảo luận với ông Conte được đánh giá là một động thái mang tính đột phá trong việc cải thiện mối quan hệ và thúc đẩy hợp tác EU và Rome nói chung, Đức và Italy nói riêng.


Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (giữa) phát biểu tại cuộc họp Hạ viện ở Rome ngày 9/9. (Ảnh: AFP)

Chuyến thăm ngắn ngủi của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Rome chiều tối 11/11 mang ý nghĩa hết sức to lớn, đó là Đức, hay Liên minh châu Âu (EU), chìa bàn tay ra với mong muốn Italy tiếp tục là "đầu tàu" của EU, đồng thời ngăn chặn một kịch bản ly khai - Italy theo chân Anh rời khỏi "ngôi nhà chung" châu Âu.

Nếu như Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm viếng lẫn nhau "như cơm bữa" thì đây mới là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel tới Italy kể từ khi Thủ tướng Giuseppe Conte lên nắm quyền tại "đất nước hình chiếc ủng" vào đầu tháng 6/2018.

Mặc dù hai nhà lãnh đạo vẫn tiếp xúc bên lề các sự kiện lớn ở châu Âu, song tần suất của các chuyến thăm lẫn nhau phần nào phản ánh sự nồng ấm trong quan hệ giữa hai nước nói riêng, và trong tương quan giữa Italy và EU nói chung.

Mặc dù không trực tiếp đại diện cho EU, nhưng với tư cách là Thủ tướng Đức, quốc gia đóng vai trò đầu tàu ở châu Âu hiện nay, bà Merkel giữ một vị trí rất quan trọng trong việc liên kết các quốc gia thành viên của liên minh.

Khi nước Anh đang ở trong những ngày tháng cuối cùng dưới mái nhà chung EU, các thành viên còn lại rất cần sự đoàn kết để vượt qua khó khăn, đặc biệt là những quốc gia có vai trò đáng kể như Italy hay Tây Ban Nha.

Chỉ với những đầu tàu như Đức hay Pháp là không đủ để kéo cả đoàn tàu EU mạnh mẽ tiến về phía trước.

Trong bối cảnh đó, việc bà Merkel đến Rome để thảo luận với ông Conte được đánh giá là một động thái mang tính đột phá trong việc cải thiện mối quan hệ và thúc đẩy hợp tác giữa EU và Rome nói chung, giữa Đức và Italy nói riêng. Italy từng góp một tiếng nói quan trọng và EU không muốn đánh mất điều này.

Việc ông Conte, lãnh đạo của Phong trào 5 sao (M5S), đứng đầu chính phủ ở Rome đã cụ thể hóa mối lo ngại của giới lãnh đạo châu Âu bấy lâu nay, đó là xuất hiện thủ lĩnh của một đảng phái theo chủ nghĩa dân túy lên nắm quyền ở một quốc gia châu Âu, lại là một thành viên trụ cột của EU.

Nguy cơ đó từng xuất hiện rõ ràng ở Áo, Hà Lan hay Hungary, nhưng đã trở thành hiện thực tại Italy. Đi ngược với xu hướng đoàn kết và đồng tâm hiệp lực của châu Âu, chính phủ của ông Conte đã theo đuổi nhiều chính sách khác biệt, trong đó có việc xử lý vấn đề người tị nạn.

Italy phản đối quy chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho các nước thành viên EU do Đức khởi xướng. Rất nhiều lần, Rome từ chối tiếp nhận các tàu chở người tị nạn đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải, bất chấp lo ngại và cả cảnh báo của cộng đồng quốc tế về thảm họa nhân đạo.

Là cửa ngõ của châu Âu, Italy đang phải gồng mình xử lý vấn đề người di cư từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi, thông qua tuyến đường biển vượt Địa Trung Hải. Cùng với tình trạng kinh tế trì trệ, vấn đề người di cư khiến xã hội Italy càng trở nên chia rẽ, gây bức xúc trong dân chúng.

Điều đó cũng phản ánh trực tiếp lên bầu không khí chính trị, khi tương lai của chính phủ hiện tại trở nên bấp bênh trước các cuộc bầu cử địa phương sắp tới ở Italy.

Cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Conte ở Rome diễn ra ngay trước thềm sự kiện Compact with Africa hằng năm, một sáng kiến được Đức đưa ra khi là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) năm 2017.


Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung tại Rome ngày 11/11/2019. (Ảnh: AFP)

Đức coi việc xử lý tận gốc các vấn đề ở Trung Đông và châu Phi là chìa khóa ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đến châu Âu. Thông qua việc đầu tư, Đức sẽ giúp các quốc gia này phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm, từ đó giữ chân những người trẻ ở lại. Đây cũng là chủ đề mà ông Conte đặc biệt quan tâm và thảo luận với bà Merkel.

Nhưng người di cư chỉ là một trong hàng loạt vấn đề mà Italy đang phải đối mặt. Từ đầu năm 2018, kinh tế nước này đã bị đình trệ, và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Sản xuất công nghiệp của Italy giảm 7 tháng liên tục đầu năm 2019, dự báo tăng trưởng kinh tế ngày càng bi quan hơn, trong khi nợ công lại ở mức cao ngất ngưỡng - lên đến 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

EU đã chấp nhận cho Italy duy trì mức thâm hụt ngân sách lên đến 2,2% trong năm nay và sẽ không áp dụng Quy trình xử lý thâm hụt vượt mức (EDP), một thủ tục kỷ luật do vi phạm quy tắc tài chính của liên minh này.

Nếu áp dụng EDP, Italy sẽ bị kiểm soát ngân sách, nợ công và chi tiêu, đồng thời phải nộp phạt số tiền lên đến 3 tỷ euro.

Trước chuyến đi Rome, bà Merkel đã lên tiếng ca ngợi nỗ lực của Italy trong việc giảm thiểu những rủi ro của hệ thống tài chính và ngân hàng. Một vấn đề khác của Italy là chính sách công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp lớn của nước này đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, trong đó phải kể đến hãng hàng không Alitalia và Ilva, nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu. Nguy cơ hai "ông lớn" này sụp đổ đang hiện hữu, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội, trong đó quan trọng nhất là việc làm.

Việc tìm kiếm giải pháp cải tổ vẫn chưa được chính phủ Rome thực hiện một cách tích cực. Những vấn đề đó của Italy có phần trái ngược với Đức, nơi thâm hụt ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, trở thành "hình mẫu" đối với phần còn lại của EU, trong khi ngành sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định.

Hợp tác giữa Đức và Italy sẽ cho Rome những kinh nghiệm quý giá từ Berlin, qua đó tái định hình chiến lược phát triển kinh tế.

Điều này còn đặc biệt ý nghĩa với EU, vốn đang rất cần sự đoàn kết giữa các thành viên trước tình trạng bấp bênh do hệ quả của việc nước Anh rời đi, cùng với đó là những xung đột nội tại.

Mặc dù chỉ đến và lưu lại Rome một thời gian rất ngắn, song chuyến thăm của Thủ tướng Đức đến Italy lại kèm theo nhiều thông điệp quan trọng đối với tương lai của EU.

Thay vì Đức và Pháp cùng hợp sức làm "đầu tàu" kéo phần còn lại, trong đó có cả Italy, cùng tiến lên phía trước, thì chính Italy cũng có thể trở thành động lực cho cả EU.

Thay vì tranh cãi việc phân bổ hạn ngạch người di cư, cả Đức và Italy có thể cùng hợp sức để giải quyết tận gốc vấn đề này, từ những quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/de-italy-tiep-tuc-la-dau-tau-cung-eu-vuot-qua-kho-khan/606818.vnp