Đức khó đoạn tuyệt năng lượng Nga
Khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực đạt đồng thuận về lệnh cấm dầu Nga nhằm trừng phạt Moskva vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt, thành phố công nghiệp bên bờ sông Oder, phía đông bắc Đức, đã trở thành chướng ngại lớn đối với nỗ lực của Berlin nhằm đoạn tuyệt năng lượng Nga.
Khoảng 1/3 lượng dầu tiêu thụ của Đức được nhập từ Nga. Nhiều tuần qua, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó thủ tướng Đức Robert Habeck đã nỗ lực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để chấm dứt nguồn dầu này. Ông liên tục tới Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Mỹ hay Ba Lan để tìm kiếm những nguồn cung dầu thô thay thế.
"Số dầu Nga này chính là vấn đề", ông Habek nói trong một video, giải thích về tình thế khó khăn của Đức. Phần lớn số dầu Nga đó đều chảy tới nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt.
Một góc nhà máy lọc dầu PCK ở thành phố Schwedt, đông bắc Đức, hồi tháng ba. Ảnh: Reuters.
Nhà máy PCK là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy nhu cầu dầu khí của Đức gắn liền với Nga, quốc gia xuất khẩu năng lượng khổng lồ ở phía đông, như thế nào. PCK hiện thuộc sở hữu của Rosneft, công ty dầu khí quốc doanh Nga, được kết nối với đường ống Druzhba từ thời Liên Xô, một trong những đường ống dài nhất thế giới, đưa dầu từ các giếng khoan ở Siberia đến Tây Âu.
Nhà máy hiện vẫn là một phần thiết yếu trong mạng lưới năng lượng Đức, sản xuất nhiên liệu cho thủ đô Berlin cùng các khu vực lân cận, trong đó có cả một số vùng của Ba Lan. Tìm nguồn cung đủ để thay thế 12 triệu tấn dầu thô được tinh chế mỗi năm ở Schwedt chỉ là một phần của thách thức, bởi Rosneft đã nói với các quan chức Đức rằng họ không quan tâm đến việc vận hành nhà máy nếu nó không sử dụng dầu thô nhập khẩu từ Nga.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, quốc hội Đức tuần trước đã thông qua một đạo luật tạo điều kiện cho chính phủ kiểm soát các cơ sở hạ tầng thiết yếu thuộc sở hữu nước ngoài trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Giới chức Đức cho biết nếu lệnh cấm dầu được thông qua, luật mới sẽ cho phép nước này đảm bảo đầy đủ nguồn cung sản phẩm dầu cho đến khi có một công ty khác mua lại cổ phần của Rosneft tại nhà máy PCK.
Shell, công ty năng lượng lớn nhất châu Âu, nắm 37,5% cổ phần PCK, gần đây nói rằng họ sẽ hỗ trợ nhà máy "ngay cả khi phải chịu thiệt hại về kinh tế" nhằm duy trì nguồn cung xăng dầu cho khu vực. Năm ngoái, Shell đã tìm cách bán cổ phần của mình tại PCK Schwedt và Rosneft muốn mua lại nhà máy này, nhưng Bộ Kinh tế Đức chưa chấp thuận giao dịch.
Một công ty năng lượng khác, Alcmene, trực thuộc tập đoàn năng lượng tư nhân Anh Liwathon Group, đã bày tỏ quan tâm đến đầu tư vào Schwedt. Trong một tuyên bố qua email, Alcmene cho biết họ "có thể đảm bảo cung cấp dầu thô và vận hành đầy đủ nhà máy lọc dầu PCK thông qua các cảng của Đức" mà không cần trợ cấp chính phủ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh ông nhận thức được rõ ràng những lo ngại xung quanh nhà máy lọc dầu PCK và coi việc đảm bảo tương lai của nó là một ưu tiên.
"Chúng tôi đang đánh giá rất kỹ lưỡng xem câu chuyện này có thể diễn ra như thế nào", ông nói trong một cuộc họp gần đây ở bang Brandenburg. "Chúng tôi cũng đảm bảo rằng nhân viên nhà máy sẽ không bị bỏ rơi".
Tâm lý lo sợ bị sa thải đã khiến hàng trăm công nhân tại nhà máy PCK tới gặp Phó thủ tướng Habeck trong một buổi đối thoại diễn ra tháng này. Giống như các vùng khác của Đông Đức cũ, Schwedt chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao sau khi Liên Xô tan rã. Ký ức về thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% vẫn còn ám ảnh người dân trong vùng.
Không chỉ là nguồn cung cấp xăng dầu và mang lại thu nhập, nhà máy PCK còn là một phần trong bản sắc của thành phố. Sau khi Schwedt bị tàn phá nặng nề trong Thế chiến II, sự xuất hiện của đường ống dẫn dầu Druzhba và nhà máy lọc dầu vào cuối những năm 1960 đã thu hút hàng nghìn công nhân và gia đình họ tới xây dựng lại thành phố.
Ngày nay, 1/10 trong 30.000 cư dân thành phố làm việc tại nhà máy và những ngành hỗ trợ khác. Tại cuộc đối thoại với Phó thủ tướng Habeck, rất nhiều công nhân đã đặt câu hỏi về chính sách của chính phủ với nhà máy.
"Tại sao chúng ta lại từ bỏ một đối tác luôn đáng tin cậy và giao hàng đúng hẹn trong nhiều thập kỷ qua, rồi giáng lệnh cấm vận vào họ", một công nhân đã làm việc 27 năm tại nhà máy chất vấn.
"Tôi muốn đường ống Druzhba được đưa ra khỏi lệnh cấm vận hoàn toàn", một nhân viên khác nói. "Hiện chúng ta không có bất kỳ giải pháp thay thế nào khác có lợi hơn".
Ông Habeck cố gắng trấn an họ rằng nhà máy lọc dầu sẽ tiếp tục hoạt động. Nếu mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch, dầu thô từ Na Uy hoặc Trung Đông có thể được vận chuyển đến thông qua các cảng Rostock của Đức và Gdansk của Ba Lan, cả hai đều kết nối với nhà máy bằng đường ống, ông nói.
Nhưng cùng lúc, ông Habeck thừa nhận rằng quá trình này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. PCK được thiết kế chỉ để xử lý dầu thô đến từ Nga. Dầu thô từ các quốc gia khác sẽ phải được trộn với dầu chứa trong các bể dự trữ trên bờ biển phía tây bắc Đức để tạo ra một hỗn hợp thích hợp.
Nếu muốn đưa lượng dầu dự trữ đó đến đường ống ở Rostock sẽ phải mất 7 ngày vận chuyển bằng đường biển, bởi không có đường ống nào vượt qua ranh giới trước đây chia cắt Đông và Tây Đức, trong khi hệ thống đường sắt chở hàng chính của đất nước hầu như không có toa chở dầu.
Một vấn đề nữa có thể làm phức tạp tình hình là chính phủ Ba Lan đang từ chối hợp tác với các thực thể Nga. Họ đã nói với giới chức Đức rằng chừng nào Rosneft còn liên quan đến nhà máy PCK, cơ sở này sẽ không nhận được dầu từ Ba Lan.
"Chúng tôi không thể chắc chắn về bất cứ điều gì mình đang làm", ông Habeck nói với các nhân viên nhà máy lọc dầu. "Nhưng ít nhất nó đã được thảo luận và suy tính thấu đáo".
Phó thủ tướng Habeck cho rằng kịch bản lý tưởng là nhà máy PCK từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo. PCK gần đây đã đầu tư phát triển nhiên liệu tổng hợp với trọng tâm là hydro. Verbio, công ty sản xuất ethanol từ các nguồn nguyên liệu địa phương, đang hoạt động trong khuôn viên nhà máy lọc dầu, cung cấp năng lượng sinh học cho hệ thống sưởi của thành phố.
Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Thị trưởng thành phố Schwedt Annekathrin Hoppe cho biết bà muốn thành lập một khuôn viên cho các công ty khởi nghiệp, các nhà đổi mới năng lượng gần nhà máy lọc dầu PCK để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất năng lượng xanh. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng quá trình này cần "số tiền lên tới hàng triệu đến hàng tỷ USD".
Thị trưởng Hoppe cho biết dù các chính trị gia ở Berlin đang rất chú ý đến thành phố, bà chưa nhìn thấy bất kỳ mốc thời gian, các biện pháp hỗ trợ tài chính hay bảo đảm cụ thể nào về việc người dân Schwedt sẽ giữ được công việc của họ.
"Đó là một khởi đầu tốt", bà nói về những chuyến thăm liên tục của các quan chức chính phủ đến Schwedt trong những tuần qua. "Nhưng mới chỉ là khởi đầu".
Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chuong-ngai-khien-duc-kho-doan-tuyet-dau-nga-4467207.html