Dữ liệu thống kê do chính phủ Đức công bố hôm 9/8 cho thấy nước này đã cung cấp thêm hai bệ phóng tên lửa phòng không cho Ukraine, nhưng không kèm theo radar hay tên lửa. Mỗi tổ hợp Patriot hoàn chỉnh gồm một xe chỉ huy, một đài radar cảnh giới và dẫn bắn, xe phát điện, đài thông tin liên lạc cùng 6-8 bệ phóng.

"Đây chính là điều chúng tôi đã thống nhất với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Cảm ơn ông rất nhiều, Olaf, đây là những khí tài cần thiết để bảo vệ người dân khỏi mối đe dọa từ Nga. Chúng sẽ giúp Ukraine tiến gần hơn đến lá chắn phòng không toàn diện bao phủ khắp đất nước", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay.

Ngoài bệ phóng tên lửa Patriot, Đức cũng chuyển cho Ukraine thêm 28 xe địa hình Bandvagn 206, hàng nghìn viên đạn pháo khói cỡ 155 mm, 4 máy bay không người lái (UAV) trinh sát Vector và một số phương tiện cơ giới.

Bệ phóng tên lửa Patriot được Đức triển khai ở Slovakia hồi tháng 8/2022. Ảnh: BQP Đức

Chính phủ của Thủ tướng Scholz từng ngần ngại viện trợ vũ khí cho Ukraine do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga. Áp lực từ Washington và các đồng minh châu Âu khiến Berlin thay đổi chính sách, cung cấp ngày càng nhiều khí tài hiện đại và trở thành bên viện trợ vũ khí nhiều thứ hai cho Kiev.

Ukraine đang biên chế hai hệ thống Patriot do Mỹ, Đức và Hà Lan chuyển giao để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở Kiev. Một tổ hợp đã bị hư hại trong đòn tập kích bằng tên lửa của Nga rạng sáng 16/5, nhưng Ukraine tuyên bố nó vẫn đảm bảo khả năng chiến đấu.

Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev. Trong cuộc phỏng vấn ngày 3/6, Tổng thống Zelensky khẳng định ông muốn Ukraine sở hữu tới 50 khẩu đội Patriot do đây là "hệ thống duy nhất có khả năng đánh chặn một số tên lửa tiên tiến của Nga".

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo Patriot không thể giải quyết được mọi vấn đề phòng không của Ukraine.

Một trong những rào cản với hệ thống Patriot triển khai ở Ukraine là chi phí vận hành. Báo cáo hồi năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết mỗi khẩu đội Patriot có giá khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó một quả đạn tên lửa có chi phí xuất xưởng khoảng 4-8 triệu USD tùy phiên bản.

Nga gần đây tăng cường dùng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tập kích mục tiêu Ukraine. Giới chuyên gia phương Tây nhận định đây là nỗ lực nhằm vô hiệu hóa các tổ hợp phòng không của Ukraine, đặc biệt là hệ thống Patriot, cũng như làm cạn kiệt đạn phòng không khi buộc họ liên tục khai hỏa tên lửa đắt tiền để đối phó với UAV hoặc tên lửa giá rẻ.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/duc-chuyen-them-be-phong-patriot-cho-ukraine-4639982.html