Đức cân nhắc triển khai hệ thống tên lửa Patriot tới Ukraine
"Chúng tôi đang thảo luận với các đồng minh về cách xử lý đề xuất của Ba Lan", phát ngôn viên chính phủ Đức Christiane Hoffmann ngày 25/11 thông báo, đề cập tới đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Blaszczak rằng Đức nên đưa các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine thay vì Ba Lan.
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao cách các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Ba Lan", bà Hoffmann cho biết, đồng thời khẳng định Đức không muốn suy đoán liệu Ba Lan có thay đổi ý định chấp nhận hỗ trợ của nước này hay không.
Đức hồi đầu tuần đề nghị triển khai các tổ hợp phòng thủ tên lửa, trong đó có Patriot, tới Ba Lan để giúp nước này tăng cường năng lực phòng không sau vụ tên lửa rơi vào một ngôi làng gần biên giới Ukraine ngày 15/11.
Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Đức tại căn cứ không quân Sliac của Slovakia ngày 6/5. Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo Ba Lan và NATO cho biết quả tên lửa có thể do lực lượng Ukraine phóng để đối phó đợt tập kích của Nga và sự việc khiến hai người thiệt mạng "dường như là một tai nạn". Trong khi đó, Ukraine bày tỏ nghi ngờ về đánh giá này.
Ba Lan ban đầu chấp nhận đề xuất triển khai tên lửa Patriot của Đức, song sau đó đề nghị bố trí chúng tại Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 24/11 cho biết việc triển khai các hệ thống phòng thủ của NATO, trong đó có tên lửa phòng không Patriot, ra ngoài lãnh thổ của liên minh phải được tất cả quốc gia thành viên đồng ý.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 25/11 nói triển khai các tổ hợp cụ thể là "quyết định của mỗi quốc gia". "Đôi khi có thỏa thuận đối với người dùng cuối và những điều khác nên họ phải tham khảo ý kiến với các đồng minh. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phải do chính phủ của quốc gia đó đưa ra", ông Stoltenberg nói.
Khi được hỏi liệu NATO có nguy cơ trở thành một bên tham chiến nếu đưa các đơn vị Patriot đến Ukraine hay không, ông Stoltenberg cho biết các nước thành viên liên minh đã chuyển vũ khí tiên tiến cho Ukraine nhưng không điều động binh sĩ đi kèm.
"Khi cần có chuyên gia vận hành các tổ hợp vũ khí, có thể là hệ thống phòng không hoặc pháo tiên tiến khác, binh sĩ Ukraine được đào tạo tại NATO. Đây là cách đã được thực hiện", ông Stoltenberg nói.
Vị trí tên lửa rơi xuống ngôi làng biên giới Przewodow của Ba Lan. Đồ họa: Guardian.
MIM-104 Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Biến thể PAC-2, hay MIM-104C, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 96 km và bay cao hơn 32.000 m, theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.
Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, còn gọi là MIM-104F, là bản nâng cấp gần như toàn bộ có khả năng diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/duc-thao-luan-voi-dong-minh-ve-trien-khai-ten-lua-patriot-tai-ukraine-4540640.html