Dự án oanh tạc cơ siêu thanh trở thành nỗi ám ảnh của Canada
Khi lên kế hoạch phát triển oanh tạc cơ siêu thanh Avro Arrow, hay còn gọi là CF-105, Canada hy vọng nó có thể xóa tan mối đe dọa từ máy bay ném bom hạt nhân của Liên Xô và đưa nước này lên vị trí dẫn đầu thế giới về kỹ thuật và hàng không quân sự.
Giới chức Canada thực sự đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào Avro Arrow. Tuy nhiên, giấc mơ đã trở thành cơn ác mộng khi chương trình bị hủy vào năm 1959, chưa đầy một năm sau chuyến bay đầu tiên.
65 năm sau, Avro Arrow vẫn là một trong những nỗi tiếc nuối lớn nhất của Canada và là chủ đề gây tranh cãi trong công chúng, vì các tài liệu được công bố gần đây đã làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với dự án này.
"Chiếc máy bay này hoàn toàn do Canada sản xuất và các dấu hiệu hiệu suất trong quá trình phát triển cho thấy nó ít nhất ngang bằng với những thiết kế tiên tiến nhất vào thời điểm đó", Richard Mayne, nhà sử học thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada, cho hay. "Khi nó bị hủy bỏ, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Avro Arrow tới giờ vẫn chiếm lĩnh tâm trí công chúng".
Avro Arrow trong một chuyến bay thử hồi năm 1958. Ảnh: Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Canada
Dự án Avro Arrow là phản ứng trực tiếp của Canada trước mối đe dọa từ những máy bay ném bom sở hữu năng lực hạt nhân của Liên Xô, có khả năng bay qua Bắc Cực và tới Bắc Mỹ, thời hậu Thế chiến II.
"Không quân Hoàng gia Canada đã đưa ra yêu cầu vào năm 1952 về việc phát triển một máy bay đánh chặn có khả năng đạt tốc độ Mach 2 (gấp đôi tốc độ âm thanh) và độ cao hơn 15.200 m", Mayne nói. "Họ cần thứ gì đó nhanh, có tầm bắn và độ cao đủ để đánh chặn những oanh tạc cơ Liên Xô càng xa về phía bắc càng tốt, trước khi chúng tới Canada".
Nhà sản xuất máy bay Avro Canada trước đó vừa xuất xưởng thành công tiêm kích phản lực đa năng CF-100 Canuck nhưng lập tức được giao nhiệm vụ phát triển một phiên bản mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Đó là một kế hoạch đầy tham vọng được đưa ra vào một thời điểm đặc biệt quan trọng đối với Canada. "Canada nổi lên trong Thế chiến II với tư cách một bên tham gia chính. Chúng ta có lực lượng hải quân lớn thứ ba thế giới, không quân lớn thứ tư. Nhưng quốc tịch Canada không thực sự tồn tại cho đến năm 1947. Chúng ta vẫn còn rất non trẻ", Mayne cho hay.
Quá trình phát triển bắt đầu vào năm 1955 và trong thời gian kỷ lục, chiếc Avro Arrow đầu tiên ra mắt công chúng vào ngày 4/10/1957, cùng ngày Liên Xô phóng Sputnik I, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên vũ trụ.
"Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng tồi tệ vì Sputnik đã chứng minh rằng bạn có thể đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa để đưa nó vào quỹ đạo. Và Arrow sẽ không thể làm được gì với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)", Mayne giải thích.
Được thiết kế cho phi hành đoàn hai người và có cánh tam giác cùng màu sơn trắng mang lại vẻ trang nhã, Avro Arrow dài khoảng 23 m với sải cánh 15 m. Nó bay lần đầu vào ngày 25/3/1958, nhưng lúc bấy giờ các chiến lược gia, quân nhân cấp cao và chính trị gia Canada tin rằng thế giới đã bước vào kỷ nguyên chiến tranh "nút bấm", ở đó mối đe dọa hạt nhân chỉ còn giới hạn ở tên lửa tầm xa và máy bay đánh chặn hay oanh tạc cơ không còn đóng vai trò thống trị.
"Nó hóa ra là một nhận định sai lầm vì mối đe dọa từ máy bay đánh bom vẫn hiện hữu cho tới tận ngày nay, nhưng đó là suy nghĩ chung khi ấy", Mayne nói.
Với bối cảnh như vậy, Avro Arrow đã mất đi tính phù hợp với bối cảnh thời đại. Mặt khác, chi phí dự án tăng vọt và tình hình chính trị thay đổi khiến Canada không còn động lực theo đuổi giấc mơ.
Ngày 29/2/1959, Thủ tướng Canada John Diefenbaker hủy bỏ chương trình. Chỉ sau vài tuần, Canada phá hủy 5 chiếc máy bay đã được chế tạo cùng với hầu hết dây chuyền lắp ráp, do lo sợ chúng có thể trở thành mục tiêu do thám của Liên Xô. Hệ quả là Avro Canada sụp đổ hoàn toàn, khiến hàng nghìn người mất việc.
"Nếu Anh chấp nhận mua vài chiếc Arrow, họ có thể giúp cứu chương trình", Mayne cho hay. "Nhưng không có hợp đồng nước ngoài, Canada quá nhỏ bé để có thể thúc đẩy một công nghệ tiên tiến như vậy. Chúng ta đã đặt mục tiêu quá cao. Điều này thật trớ trêu vì sau đó, rất nhiều kỹ sư Avro đã đến NASA và góp sức vào chương trình Apollo".
Sự kiện ra mắt máy bay Avro Arrow vào năm 1957. Ảnh: Cơ quan Lưu trữ và Thư viện Canada
Tin đồn và những câu chuyện ly kỳ ngay lập tức bùng nổ xoay quanh lý do dự án Avro Arrow bị hủy đột ngột. Một số vẫn tồn tại đến nay. "Chiếc máy bay gần như đã trở thành huyền thoại ở Canada", Alan Barnes, chuyên gia cao cấp tại Đại học Carleton ở Ottawa, nói.
Barnes cho biết một giả thuyết hay được nhắc đến là Mỹ đã đánh lừa Canada về mối đe dọa đang thay đổi từ phía Liên Xô. Nguyên nhân được cho là vì họ không muốn Canada sản xuất một chiếc máy bay tốt hơn máy bay Mỹ.
Một giả thuyết khác thì nói rằng các nhà phân tích tình báo Canada đã cố tình dựng lên thông tin nói trên, để che đậy cho quyết định sai lầm của chính phủ. "Nhưng tất cả những điều này chỉ là suy đoán, bởi chưa ai thực sự xem các báo cáo tình báo", Barnes nói thêm.
Nhưng vào năm 2023, Barnes đã công bố một bài viết sau khi ông thu thập các tài liệu lưu trữ cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa thông tin tình báo và cách chúng được những người phụ trách vào thời điểm đó sử dụng.
"Ban đầu, lực lượng không quân thực sự không chú ý đến vấn đề tình báo", ông cho hay. "Họ muốn có một chiếc máy bay lớn và hoành tráng, vì vậy họ đưa ra tất cả các yêu cầu vận hành mà không thực sự chú ý đến thông tin từ các báo cáo tình báo".
Nhưng đến cuối những năm 1950, dự án Arrow đã ngốn quá nhiều chi phí và bị đình trệ. "Tình báo Canada đã đưa ra đánh giá vào đầu năm 1958, nói rằng mối đe dọa từ máy bay ném bom không đến mức nghiêm trọng như người ta nghĩ trước đây và rằng Liên Xô không xây dựng một lực lượng oanh tạc cơ khổng lồ mà sẽ chuyển trọng tâm sản xuất và nghiên cứu sang tên lửa", Barnes nói.
Hàm ý của đánh giá trên là nếu mối đe dọa đã giảm bớt, có rất ít lý do để chi nhiều tiền như vậy cho một chiếc máy bay không thể đối phó tên lửa đạn đạo.
"Mùa hè năm 1958, Ủy ban Tham mưu trưởng Canada đi đến kết luận họ không thể khuyến nghị tiếp tục chương trình, nhưng không muốn hủy bỏ nó ngay vì tác động chính trị", Barnes cho biết. "Họ trì hoãn quyết định cho đến đầu năm 1959. Chính phủ đã làm những gì họ cần làm, nhưng nó lại giáng thẳng đòn vào họ. Họ đã thua cuộc bầu cử vài năm sau đó, phần nào vì những vấn đề quốc phòng này".
Theo Barnes, Avro Arrow thực tế chưa bao giờ tốt như người ta tưởng. Dự án đã bị hủy bỏ khi còn dang dở và việc công chúng không thể nhìn thấy máy bay hoạt động trong thực tiễn đã trở thành nguồn cơn cho những câu chuyện "huyễn hoặc" về sức mạnh vượt trội của nó.
"Nó chưa bao giờ bay với bất kỳ loại vũ khí nào hay với động cơ mà nó được thiết kế để sử dụng. Mọi thứ đều có tiềm năng nên nhiều người Canada dường như cho rằng đây có thể là chiếc máy bay tốt nhất thế giới", Barnes nhấn mạnh.
Một bản sao của Avro Arrow được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Canada năm 2013. Ảnh: Toronto Star
Năm 1997, kênh CBC đã đặt hàng một bộ phim truyền hình về chiếc máy bay. Mô hình bằng gỗ kích thước thật của Avro Arrow được chế tạo để phục vụ sản xuất phim và hiện nó vẫn nằm trong kho lưu trữ tại Bảo tàng Reynolds ở Wetaskiwin, Alberta.
Một mẫu khác, được làm bằng nhôm, hiện được trưng bày tại sân bay Edenvale gần Muskoka, Ontario. Mẫu thứ ba, có kích thước bằng khoảng 2/3 kích thước thật, đang được chế tạo tại sân bay Springbank ở Calgary. Tuy nhiên, mẫu này có thể bay thực sự. Đây là dự án của một nhóm kỹ sư với hy vọng đưa nó trở lại bầu trời vào năm 2026.
Mặc dù không còn chiếc Avro Arrow nào còn nguyên vẹn, buồng lái, phần mũi ban đầu và phần cánh gốc đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Canada ở Ottawa.
Dấu hiệu rõ ràng nhất về nỗi ám ảnh của công chúng Canada đối với Avro Arrow được thể hiện vào năm 2018, khi sau một năm tìm kiếm, những mô hình máy bay bị chìm đã được trục vớt từ đáy hồ Ontario. Chúng từng rơi xuống hồ trong các cuộc thử nghiệm vào giữa những năm 1950 và nhiều nhóm đã tiến hành tìm kiếm trước đó nhưng không thành công.
Nỗ lực cuối cùng được tài trợ từ tiền túi của John Burzynski, doanh nhân khai thác mỏ người Canada.
"Việc tìm ra các mô hình quan trọng ở chỗ nó nhắc nhở người dân Canada về nỗ lực to lớn trong việc thiết kế, thử nghiệm, chế tạo và vận hành một chiếc máy bay công nghệ tiên tiến, tất cả đều diễn ra trong khung thời gian 6 năm ngắn ngủi", Burzynski nói. "Nỗ lực to lớn dành cho chương trình Arrow cho thấy rằng mọi thứ đều có thể thực hiện được khi dồn đủ nỗ lực và sự khéo léo vào một vấn đề".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/du-an-oanh-tac-co-sieu-thanh-tro-thanh-noi-am-anh-cua-canada-vnepre-4767700.html