Drop bear liệu có tồn tại?

12:35' 21-12-2020
Drop bear là sinh vật có họ hàng với gấu Koala, nhưng nguy hiểm và đáng sợ hơn rất nhiều.

Khi đến Úc, bạn có thể hỏi bất kỳ ai về 2 từ "gấu nhảy" - drop bear, người ta sẽ kể cho bạn nghe rất nhiều câu chuyện về sinh vật có ngoại hình giống gấu koala nhưng sở hữu răng nanh sắc nhọn và bản năng săn mồi hết sức đáng sợ. Thậm chí, đó còn là những lần chạm mặt, bị thương, rồi chỉ thoát chết trong gang tấc trước sinh vật hung dữ nhất lịch sử đất nước.

Nghe vậy là sợ rồi đúng không? Ừ, một sinh vật như thế thì sợ cũng phải. Chỉ có duy nhất vấn đề là... chẳng có câu chuyện nào là thật cả. Sinh vật gọi là gấu nhảy ấy vốn chẳng tồn tại.

Huyền thoại gấu nhảy của Úc - sinh vật giống gấu Koala, nhưng hung dữ hơn rất nhiều

Trên đời này có rất nhiều sinh vật chỉ tồn tại trong huyền thoại mà thôi, như rồng, người tuyết Yeti, hay Nessie (quái vật hồ Loch Ness). Úc cũng vậy, họ có drop bear. Tuy nhiên ở đây có một cú twist khá mạnh: thực ra thì chẳng người Úc nào tin vào lũ gấu này cả. Họ nghĩ ra nó để dọa người thôi, thường là với du khách nước ngoài.

Câu chuyện thường sẽ diễn ra như sau: một du khách ngáo ngơ chuẩn bị đi vào một bụi cây tại Úc. Thế là người Úc bản địa sẽ hét lên "Cẩn thận mấy con gấu nhảy" rồi tả về thứ sinh vật hung dữ với hàm răng sắc nhọn, sẽ nhảy bổ xuống từ trên cây.

"Du khách sẽ kiểu hoảng sợ, nhìn lên cây một cách hoang mang," - Ian Coate, nhà sáng lập website Mythic Australia cho biết. "Đó là một phản ứng khá thú vị, cho thấy người Úc khá là vui tính đấy."

Nhưng một số người Úc bản địa còn nâng câu chuyện này lên một tầm cao mới. Chẳng hạn như Bảo tàng Úc còn tạo ra hẳn một trang thông tin về loài vật này trên website, cảnh báo về sự nguy hiểm của một loài vật không có thật.

"Khi con mồi lọt vào tầm ngắm, gấu nhảy sẽ thả mình xuống từ độ cao 8m, bổ vào đầu nạn nhân. Cú va chạm sẽ khiến con mồi choáng váng, cho phép chúng tấn công vào cổ và nhanh chóng gục ngã," - trích thông tin trên trang web.

Nguồn gốc không chút "giả trân" của gấu nhảy

Thực ra thì dù câu chuyện về gấu nhảy khá nổi tiếng trên cộng đồng quốc tế, nguồn gốc thực sự của nó lại là một dấu hỏi lớn.

Huyền thoại về gấu nhảy không đến từ một cuốn sách hay một bộ phim nào cả. Theo Thư viện Quốc gia Úc, lần đầu gấu nhảy xuất hiện là trên một tờ báo của Úc, vào năm 1982. Một số dấu vết khác của loài vật này xuất hiện trong các bức phác họa của danh hài huyền thoại Paul Hogan vào giai đoạn thập niên 1970 - 1980.

Nhưng Coate lại cho biết, ông nhớ rằng đã từng nghe câu chuyện về gấu nhảy từ đầu thập niên 1970, trước khi show diễn của Hogan ra đời. "Khi đi cắm trại, câu chuyện về gấu nhảy được sử dụng để bạn không rời khu vực dựng trại quá xa," - ông chia sẻ.

Nhìn chung, dù hiện tại gấu nhảy là một thứ dùng để dọa du khách là chính, thì bản chất nó cũng giống như bao câu chuyện ma dọa trẻ em khác ở Úc. Nó thường được truyền miệng từ cha mẹ, đặc biệt là với trẻ em lớn lên ở các vùng thôn quê.

Và đôi khi, những người sợ gấu nhảy còn chẳng phải du khách. Coate kể lại hồi còn phục vụ trong quân ngũ vào cuối thập niên 1980, họ cắm trại chung với binh lính từ Mỹ và Anh. Các đội hay tập chung với nhau, và binh lính nước bạn thường đến hỏi cách tránh các loài rắn và nhện nguy hiểm ở Úc.

"Binh lính Úc lúc đó sẽ đáp lại kiểu: quên lũ rắn đi, cái cần lo là tụi gấu nhảy đó," - Coate chia sẻ. Ông nhớ từng bảo với họ rằng cách duy nhất để tránh lũ gấu này là... bôi một loại xốt thực phẩm có tên Vegemite lên mặt. "Đội binh lính Úc thậm chí còn nhúng đầu lính nước bạn vào thùng xốt, và rồi họ mất vài ngày để nhận ra rằng cái đống xốt ấy chả để làm gì cả."

Nguồn: CNN

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?

Marian College Vùng: Sunshine West. Phone: 9363 1711
Xem thêm

Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất


Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: https://kenh14.vn/chuyen-ve-huyen-thoai-day-twist-va-khong-chut-gia-tran-cua-drop-bear-con-quai-vat-chet-choc-bac-nhat-lich-su-nuoc-uc-20201218162618651.chn