Đông Nam Á khám phá nguồn năng lượng hạt nhân
Công trình xây dựng Dự án điện hạt nhân Chương Châu ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 22/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Đó là nội dung của bài viết được đăng mới đây trên trang tin “dailydeclaration.org.au” (Australia). Bài viết nhắc lại rằng ngày 31/7 vừa qua, Singapore đã ký một thỏa thuận với Mỹ để thúc đẩy hợp tác hạt nhân dân sự, nhằm theo đuổi an ninh năng lượng và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thỏa thuận này - được gọi là Thỏa thuận 123 vì những thỏa thuận như vậy dựa trên Mục 123 của Đạo luật Năng lượng Nguyên tử Mỹ năm 1954 - cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho hợp tác hạt nhân giữa hai quốc gia theo các yêu cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Mục 123 của Đạo luật Năng lượng Nguyên tử Mỹ năm 1954 yêu cầu Mỹ phải đạt được một thỏa thuận hòa bình trước khi chính thức hóa hợp tác hạt nhân với các quốc gia khác. Thỏa thuận này cho phép chuyển giao vật liệu và thiết bị hạt nhân từ Mỹ, cũng như hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác bao gồm công nghệ, giáo dục và nghiên cứu.
Được ký kết tại Singapore giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Tiến sĩ Vivian Balakrishnan, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024 và kéo dài trong 30 năm. Thỏa thuận 123 nhấn mạnh cam kết chung về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuân thủ các tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Theo tuyên bố chung về thỏa thuận, Thỏa thuận 123 đảm bảo rằng những thông tin và thiết bị được chia sẻ thông qua quan hệ đối tác sẽ chỉ được sử dụng cho "mục đích hòa bình".
Mặc dù Singapore vẫn khẳng định chưa có quyết định nào được đưa ra về việc triển khai năng lượng hạt nhân tại quốc gia này, nhưng thỏa thuận sẽ mang đến cho Singapore cơ hội đánh giá khả năng chi trả, tính bền vững và độ tin cậy của lựa chọn năng lượng hạt nhân. Singapore cũng sẽ tham gia chương trình Cơ sở hạ tầng nền tảng cho việc sử dụng có trách nhiệm Công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (FIRST) của Mỹ để nghiên cứu cách các công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến và mới nổi "có khả năng hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu trong khi cân bằng các nhu cầu năng lượng quan trọng". Thông qua FIRST, Mỹ có thể hỗ trợ xây dựng năng lực của Singapore bằng cách cung cấp quyền truy cập vào các mạng lưới trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.
Singapore đang khám phá mọi lựa chọn để phi carbon hóa trong giai đoạn chuẩn bị cho năm 2050 và mục tiêu năm 2035 là giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên xuống còn 50%. Hiện tại, gần 95% điện của Singapore được tạo ra từ khí đốt tự nhiên.
Ông Alvin Chew – thành viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore – hoan nghênh thỏa thuận này, lưu ý rằng Singapore phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên nhập khẩu và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông nhận định: “Năng lượng hạt nhân là giải pháp phi carbon hóa sâu rộng nền kinh tế, cũng là giải pháp khả thi cho an ninh năng lượng trong bối cảnh hơn 95% các nguồn tài nguyên hiện tại đều được nhập khẩu để tạo ra điện. Ngoài ra, Singapore không có tham vọng ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích phi hòa bình. Trên thực tế, Thỏa thuận 123 sẽ giúp thu hẹp các công nghệ và lĩnh vực mà Singapore có thể tập trung vào khi xây dựng năng lực của quốc đảo này”.
Hiện tại, Mỹ có 24 Thỏa thuận 123 đang có hiệu lực với 48 quốc gia, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia và Thái Lan. Thỏa thuận với Philippines có hiệu lực ngày 2/7/2024 khi quốc đảo này hướng tới đầu tư vào an ninh năng lượng sạch. Indonesia và Thái Lan cũng đặt mục tiêu bổ sung năng lượng hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của họ khi nhắm mục tiêu phát thải ròng bằng 0 lần lượt vào năm 2060 và 2065.
Australia đã ký kết thỏa thuận tương tự với Mỹ hồi năm 2010 và có 24 thỏa thuận song phương khác về xuất khẩu hạt nhân và hợp tác vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, Australia lại có lệnh cấm về mặt lập pháp đối với năng lượng hạt nhân kể từ năm 1998, mặc dù nước này có trữ lượng urani dồi dào.
Các chuyên gia cho rằng trên thực tế, công nghệ hạt nhân - đặc biệt là các lò phản ứng mô-đun nhỏ - có thể là một phương pháp thay thế để Australia đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 như chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã đề ra. Vì vậy, Australia cần có những thay đổi về mặt chính sách để có thể dẫn trước trong cuộc đua phát thải ròng bằng 0.Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/dong-nam-a-kham-pha-nguon-nang-luong-hat-nhan/355714.html