Đối thủ đứng ngồi không yên trước sự trỗi dậy của Elon Musk
Khi mùa hè sắp kết thúc, Sam Altman vẫn nghĩ mối quan hệ với Elon Musk, người đã cùng ông sáng lập OpenAI, đang ở thời kỳ tốt đẹp.
Musk từng kiện ông vào đầu năm nay với cáo buộc phản bội sứ mệnh phi lợi nhuận của OpenAI, nhưng rút đơn sau khi hai người có cuộc trò chuyện bên lề hội nghị công nghệ ở thành phố Big Sky, Montana, hồi tháng ba. Cuộc trò chuyện kết thúc bằng một cái ôm, theo những người có mặt tại hội nghị.
Elon Musk đứng bên cạnh ông Donald Trump tại một sự kiện vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, hồi tháng 10. Ảnh: AP
Ngay cả khi Musk nộp lại đơn kiện vào tháng 8, mối quan hệ lâu dài nhưng bất ổn giữa hai người được cho là vẫn còn khả năng cứu vãn.
Song sau đó, chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn vị thế của Musk, ông chủ mạng xã hội X, công ty xe điện Tesla và tập đoàn SpaceX. Sau khi đầu tư 200 triệu USD giúp ông Trump thúc đẩy chiến dịch tranh cử, Musk tự nhận mình là "người bạn đầu tiên" hiểu Tổng thống đắc cử.
Kể từ đó, những người thân cận với Musk cho hay ông bắt đầu tỏ ra coi thường Altman. Ông làm nóng cuộc đấu khẩu giữa họ, đệ thêm đơn kiện, gọi OpenAI là "con yêu tinh mãng xà làm tê liệt thị trường". Musk cũng đăng các trao đổi cá nhân giữa ông với Altman lên mạng xã hội và đặt cho Altman biệt danh "Sam gian xảo".
Altman, một đảng viên Dân chủ nhưng chọn không ủng hộ bất kỳ ứng viên nào trong cuộc bầu cử năm nay, cảm thấy bất ngờ, theo những người thân thuộc với ông.
Chiến thuật gây hấn này đã thổi bùng lên làn sóng lo ngại trong danh sách dài các đối thủ của Musk, như nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates hay Jeff Bezos, nhà sáng lập trang thương mại điện tử Amazon.
Người đàn ông giàu nhất thế giới sắp có ảnh hưởng đáng kể không chỉ đến cách 6 công ty do ông điều hành tương tác với chính phủ liên bang, mà còn đến cách chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đối xử với các doanh nghiệp đối thủ của ông.
Theo giới quan sát, ảnh hưởng của Musk với Tổng thống đắc cử chắc chắn sẽ vượt ra bên ngoài Ban Hiệu suất Chính phủ, hay "DOGE", cơ quan cố vấn mới được ông Trump thành lập, trong đó Musk là đồng lãnh đạo với mục tiêu tinh giản bộ máy chính quyền liên bang và cắt giảm quy định.
Musk hiếm khi tách khỏi ông Trump kể từ sau cuộc bầu cử, thậm chí đã chuyển tới sống tại Mar-a-Lago, câu lạc bộ tư nhân là "đại bản doanh" không chính thức của Tổng thống đắc cử ở Palm Beach, Florida.
Ông tham gia các cuộc điện đàm quan trọng của Tổng thống đắc cử, từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai và công khai thúc đẩy những lựa chọn nội các của ông Trump tại các cơ quan sẽ tác động đến đế chế kinh doanh của ông, như đề xuất Brendan Carr làm lãnh đạo Ủy ban Truyền thông Liên bang.
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump không ít lần tuyên bố sẽ sử dụng quyền lực liên bang của mình để "trả đũa" những đối thủ chính trị.
Trong suốt sự nghiệp, Musk cũng thể hiện sở thích trả thù tương tự, với một danh sách dài những kẻ thù mà ông đã không ngừng công kích thông qua cả tòa án lẫn mạng xã hội.
"Đôi khi tôi nghĩ danh sách kẻ thù của mình quá ngắn", ông từng tweet. "Có một nghĩa trang lớn chứa đầy kẻ thù của tôi. Tôi không muốn bổ sung thêm người vào đó, nhưng sẽ làm vậy nếu không còn lựa chọn nào khác".
CEO Meta Mark Zuckerberg tại một sự kiện ở California năm ngoái. Ảnh: Reuters
Bill Gates đã bị đưa vào danh sách kẻ thù này khi ông bán khống cổ phiếu Tesla trên thị trường chứng khoán, đặt cược rằng thặng dư xe điện sẽ khiến giá trị công ty của Musk giảm xuống.
Musk tức giận đến mức đã đăng một bức ảnh bôi nhọ nhà sáng lập Microsoft lên mạng xã hội X cùng những lời lẽ châm biếm, miệt thị.
Tỷ phú cũng nhắm vào các nhà quảng cáo đã rút tiền khỏi X sau khi ông mua nền tảng này vào năm 2022.
"Cút đi. Rõ chưa? Đừng quảng cáo nữa", Musk nói tại một sự kiện của báo New York Times, trước khi công kích trực tiếp giám đốc điều hành Disney Bob Iger, người phát biểu trước đó và là một trong những nhà quảng cáo lớn đã dừng chi tiền trên X.
Hồi tháng 8, ông kiện một liên minh các nhà quảng cáo, cáo buộc việc tẩy chay quảng cáo là bất hợp pháp, tuyên bố trên X: "Chúng tôi đã cố gắng hòa bình trong hai năm. Còn bây giờ là chiến tranh".
Liên minh này phủ nhận hành vi sai trái, nhưng đã hủy bỏ một sáng kiến về an toàn thương hiệu vốn nằm trong tầm ngắm của Musk.
Năm ngoái, ông thách đấu võ với Mark Zuckerberg sau khi công ty Meta của người đồng sáng lập Facebook giới thiệu Threads, nền tảng cạnh tranh với X.
Hai người đấu khẩu suốt nhiều tháng. Ý tưởng về trận đấu võ này dường như đã lắng xuống sau khi Musk nói ông có thể cần phẫu thuật. Tuy nhiên, Musk hồi tháng 5 lại "đổ thêm dầu vào lửa" trong lúc đang dồn sức cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
"Tôi đã đề nghị đấu với anh ta ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, với bất kỳ luật lệ nào, nhưng tất cả những gì tôi nghe được chỉ là tiếng dế kêu", ông viết trên X.
Người sáng lập Amazon Bezos cũng là một "kình địch" với Musk. Hai người đã cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng tỷ phú Forbes trong nhiều năm, nhưng Musk hiện đứng số một với 447 tỷ USD, trong khi Bezos có 249 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú được Bloomberg công bố ngày 12/12.
Hai tỷ phú còn so kè trên đường đua chinh phục không gian. Năm 2021, công ty vũ trụ Blue Origin do Bezos sáng lập đã đệ đơn phản đối hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD giữa SpaceX với NASA để phát triển tàu đổ bộ cho chuyến trở lại Mặt trăng của cơ quan này.
Musk phản ứng bằng cách đặt một cái tên mới cho công ty của Bezos là "Sue Origin" (Origin Kiện tụng) sau khi công ty đệ đơn kiện lên Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phản đối các vụ phóng do SpaceX thực hiện tại một số địa điểm vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.
Nhiều người lo ngại mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Musk với Tổng thống đắc cử Trump có thể khiến ông được hưởng lợi trong các cuộc cạnh tranh với những đối thủ kinh doanh.
Nghị sĩ Dân chủ Adam Smith, thành viên cấp cao Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết quyền lực ngày càng lớn của Musk và mối quan hệ với ông Trump có thể kìm hãm cạnh tranh công bằng.
"Khi tôi nhìn ông Trump ra quyết định, và cả Musk nữa, tôi cảm thấy lo lắng. Rõ ràng Musk đang có ảnh hưởng nhất định", ông nói.
SpaceX đang cố gắng xin NASA và Quân chủng Vũ trụ Mỹ chấp thuận một số lượng lớn các vụ phóng tên lửa Starship của họ tại Cape Canaveral và Trung tâm Không gian Kennedy. Những đối thủ, trong đó có Boeing, sợ rằng nếu SpaceX thành công, công ty này có thể chiếm cơ hội sử dụng các bãi phóng của họ.
Trong khi đó, lãnh đạo các công ty ôtô Mỹ cho hay họ đang theo dõi chặt chẽ cách chính quyền Trump sắp tới tương tác với Tesla. Musk cho biết ông ủng hộ chính sách bãi bỏ khoản tín dụng liên bang trị giá 7.500 USD cho các giao dịch mua xe điện mà ông tin rằng sẽ tổn hại cho Tesla, nhưng gây thiệt hại nhiều hơn cho các đối thủ cạnh tranh của công ty.
Các chính sách khác của Tổng thống đắc cử, như đề xuất áp thuế đối với Mexico, cũng có thể gây tổn thương cho những đối thủ cạnh tranh của Tesla, bởi nhiều công ty trong số đó sản xuất xe tại Mexico để xuất khẩu sang Mỹ.
Các giám đốc điều hành tại Facebook và Google lại quan ngại Musk có thể thúc đẩy chính quyền Trump quản lý công ty của họ chặt chẽ hơn, như bằng cách tập trung nhiều hơn vào vấn đề chống độc quyền, theo các nguồn thạo tin.
Một số đối thủ của Musk cũng đã vướng vào tranh cãi với ông Trump trong quá khứ. Tổng thống đắc cử từng gọi Facebook là "kẻ thù của người dân" hay Amazon là công ty độc quyền.
Facebook đã đình chỉ tài khoản của ông Trump sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Zuckerberg không ủng hộ bất kỳ ứng viên nào trong cuộc bầu cử năm nay, nhưng ông gần đây đã tới gặp Tổng thống đắc cử tại Mar-a-Lago, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.
Musk vẫn tiếp tục nhắm vào Bezos trên X ngay sau cuộc bầu cử.
"Vừa biết tối nay tại Mar-a-Lago rằng Jeff Bezos đã nói với mọi người rằng Donald Trump chắc chắn sẽ thua, vì vậy họ nên bán hết cổ phiếu Tesla và SpaceX", ông viết, kèm theo biểu tượng cảm xúc cười che miệng.
Bezos trả lời bài đăng rằng điều đó không đúng.
Khi ông Trump sắp nhậm chức, các đối thủ cạnh tranh của Musk đang vội vã tìm tới những đơn vị vận động hành lang có quan hệ với Tổng thống đắc cử, hy vọng có thể tìm được cách giúp họ hàn gắn mối quan hệ với ông và cả Musk.
Những người khác chọn cách tiếp cận công khai hơn. Tỷ phú Mark Cuban, người ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris, thường xuyên đấu khẩu với Musk trong suốt chiến dịch, nhưng đã chúc mừng cả ông Trump và tỷ phú công nghệ sau khi kết quả ngã ngũ.
"Các bạn đã chiến thắng một cách công bằng và sòng phẳng", ông viết.
Nhưng Cuban không trả lời khi được hỏi về cách ông sẽ làm việc với Musk và chính quyền Trump tương lai. "Tôi sẽ không trả lời. Tôi không nói về chính trị", ông cho hay.
Sam Altman, đồng sáng lập và cựu CEO OpenAI. Ảnh: TechCrunch
Cuộc đối đầu giữa Musk và Altman có lẽ là căng thẳng nhất hiện nay. Musk và Altman đồng sáng lập OpenAI vào năm 2015 với định hướng là một đối trọng phi lợi nhuận của Google, mang sứ mệnh phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) vì lợi ích nhân loại.
Nhưng khi áp lực gây quỹ cho công ty tăng cao, Altman và những người đồng sáng lập khác đã từ chối lời đề nghị từ Musk nhằm nắm quyền kiểm soát công ty vào năm 2017, ngay cả khi ông là nhà tài trợ chính. Musk rời khỏi hội đồng quản trị OpenAI vào năm 2018 và ngay sau đó, công ty đã thành lập một nhánh vì lợi nhuận và nhận được khoản đầu tư lớn từ Microsoft. OpenAI hiện có kế hoạch chuyển đổi thành một công ty vì lợi nhuận.
"Tôi không tin tưởng OpenAI. Tôi không tin tưởng Sam Altman. Và tôi không nghĩ chúng ta nên để AI mạnh nhất thế giới được điều khiển bởi một người không đáng tin cậy", Musk trả lời phỏng vấn hồi tháng 10.
Trong đơn kiện của mình, Musk cáo buộc Altman đã lừa ông tài trợ cho OpenAI như một tổ chức phi lợi nhuận dù vẫn có ý định biến nó thành một công ty vì lợi nhuận truyền thống, phản bội lại sứ mệnh của tổ chức.
OpenAI gọi vụ kiện là "vô căn cứ". Sau khi rời OpenAI, Musk đã thành lập một công ty đối thủ là xAI.
Vị thế mới của Musk trong lĩnh vực chính trị có thể khiến xAI được ưu ái hơn OpenAI của Altman vào thời điểm mà một số người đang thúc giục chính phủ liên bang can thiệp để kiểm soát lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo, giới quan sát đánh giá.
Altman từ lâu đã là một trong những tiếng nói nổi bật nhất kêu gọi chính phủ tài trợ cho mục tiêu phát triển AI. Trước cuộc bầu cử, nhóm chính sách của OpenAI đã gặp gỡ cả chiến dịch tranh cử của ông Trump và bà Harris để chia sẻ tầm nhìn về "Dự án Manhattan", đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI.
"Chúng tôi đã nói rõ, từ trước cuộc bầu cử, rằng chúng tôi thực sự coi đây là một công nghệ vượt qua chính trị, xét đến tầm quan trọng của nó", Chris Lehane, phó chủ tịch chính sách toàn cầu tại OpenAI nói. "Mọi người Mỹ đều muốn đảm bảo rằng chúng ta sẽ đánh bại Trung Quốc về phương diện này, đồng nghĩa rằng OpenAI cần phải trở thành chủ đề trong các cuộc thảo luận đó".
Ông Trump được cho là đang cân nhắc việc bổ nhiệm một quan chức chuyên trách về AI.
Bất chấp quyền lực đang gia tăng nhanh chóng của ông chủ Tesla, Altman đã công khai đáp trả Musk. Sau khi Musk đệ đơn kiện mới vào ngày 15/11, Altman đã đăng lên X ảnh chụp màn hình thông điệp từ chatbot Grok của xAI, dường như ngụ ý rằng bà Harris sẽ là một tổng thống tốt hơn ông Trump.
Khi một người dùng X khác đăng ảnh chụp màn hình cho thấy Grok thực sự đã đưa ra hai câu trả lời cho câu hỏi ai sẽ là tổng thống tốt nhất, Trump và Harris, Musk đăng lại những bức ảnh đó và viết: "Sam gian xảo lại làm trò rồi".
Dù vậy, Altman vẫn cẩn thận để không làm mất lòng Tổng thống đắc cử. Vào sáng ngày ông Trump chiến thắng, Altman đã đăng thông điệp chia vui trên X: "Chúc mừng tổng thống Trump. Tôi mong ông sẽ thành công rực rỡ trong công việc".
Musk hiện tại tỏ ra tự tin hơn bao giờ hết. Trong một bài đăng trên X hồi đầu tháng, ông gọi việc "có thêm nhiều kẻ thù" với cương vị mới của mình là "điều tuyệt vời".
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/doi-thu-dung-ngoi-khong-yen-truoc-su-troi-day-cua-elon-musk-vnepre-4823060.html