Doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ì ạch vì Covid-19
Theo CNBC, hơn 2 tuần sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kết thúc, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chật vật nối lại hoạt động để đối phó với tình trạng gián đoạn do dịch virus corona gây ra.
Tính đến ngày 17/2, chủng virus mới dễ lây nhiễm này đã cướp đi sinh mạng của gần 1.800 người ở Trung Quốc đại lục.
Chính quyền nhiều địa phương áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với việc ra vào một số khu vực nhất định, yêu cầu cách ly ít nhất 2 tuần đối với những người đến từ nơi khác.
"Các biện pháp phong tỏa này, cùng với việc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, đã trì hoãn đáng kể việc tiếp tục hoạt động kinh doanh và sản xuất", CNBC dẫn lời chuyên gia kinh tế Ting Lu của Nomura.
|
Các nhà máy bị giảm năng suất dù đã hoạt động trở lại. Ảnh: Xinhua. |
Thiếu khẩu trang
Theo chuyên gia Ting Lu, các quan chức Trung Quốc coi việc ngăn chặn virus là ưu tiên hàng đầu. "Sự phối hợp lỏng lẻo giữa các chính quyền địa phương đã tạo ra rào cản lớn dẫn đến cơn ác mộng về hậu cần đối với các doanh nghiệp", ông Lu nhận định.
Tình trạng thiếu khẩu trang cũng khiến nhân viên gặp khó khăn khi trở lại làm việc tại các nhà máy và văn phòng. Nhiều nhân viên cũng được làm việc tại nhà. Tập đoàn Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến cho phép nhân viên làm việc tại nhà đến ngày 21/2.
Công ty Megvii có trụ sở ở Bắc Kinh cũng yêu cầu nhân viên làm việc từ xa đến ngày 17/2.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Morgan Stanley hôm 13/2, tiêu thụ than điện hàng ngày của 6 tập đoàn sản xuất điện hàng đầu Trung Quốc đã giảm 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 10/2, các mỏ than chỉ hoạt động trở lại khoảng 57,8%.
Số người quay trở lại các thành phố lớn của Trung Quốc chỉ bằng 25% so với năm ngoái, theo dữ liệu của chuyên gia Lu.
|
Việc nối lại hoạt động kinh doanh và sản xuất cũng gây lo ngại sẽ gây ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn. Ảnh: China Daily. |
Tết Nguyên Đán năm 2020 là khoảng thời gian hiếm hoi phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa, hàng triệu người về quê từ một tuần trở lên.
"Mặc dù phần lớn nhà máy Trung Quốc đã hoạt động trở lại trong tuần này, nhiều nhà máy vẫn hoạt động với công suất thấp do thiếu hụt lao động", CNBC dẫn lời ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, nhận định.
Thương mại điện tử chật vật
"Các hoạt động bán hàng không thể trở lại bình thường, số lượng lớn đơn hàng không được giao đúng hạn", CEO Daniel Zhang của Alibaba thừa nhận về thị trường thương mại điện tử Trung Quốc thời điểm này.
Giám đốc Tài chính Maggie Wu của tập đoàn cũng cho rằng còn quá sớm để đo lường tác động của dịch virus corona, nó thậm chí có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu trong quý III.
Hôm 10/2, Alibaba đã công bố một loạt biện pháp tài chính và các lợi ích khác để hỗ trợ những người bán bị ảnh hưởng.
Những động thái này cộng hưởng với một loạt chính sách hỗ trợ từ chính quyền Trung Quốc và địa phương, nhằm giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp nhỏ.
|
Việc thiếu hụt lao động khiến nhiều đơn hàng không được giao đúng hạn. Ảnh: Xinhua. |
Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình, chuyên gia Lu của Nomura chỉ ra rằng hơn 90% trong số hơn 2.200 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc không thể nối lại hoạt động kinh doanh.
Đáng nói, một số cho biết họ sẽ không thể tồn tại quá 3 tháng với số vốn hiện tại nếu dịch virus corana vẫn tiếp tục hoành hành.
Tuần trước, báo cáo của Moody chỉ ra sự lây lan của virus corona có tác động tiêu cực đối với các ngân hàng Trung Quốc do rủi ro đối với các khoản nợ gia tăng.
"Nếu chỉ nhìn vào virus, tất nhiên nó sẽ có tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên việc dịch virus kéo dài bao lâu sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của nó", bà Yulia Wan, nhà phân tích cấp cao tại Moody, bình luận.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-van-i-ach-vi-virus-corona-du-hoat-dong-lai-post1047402.html