Đoàn xe dài 7 km giúp Nhà nước Hồi giáo mở đường máu rời sào huyệt Raqqa
Lần này, hàng hóa của Fawzi là con người. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), liên minh quân sự giữa người Kurd và người Arab chống IS, thuê ông dẫn đầu một đoàn vận tải đưa hàng trăm gia đình rời khỏi Tabqa, một khu vực dân cư tại Raqqa nằm bên bờ sông Euphrates.
Điểm đến là một trại lưu trú ở miền Bắc Syria.
Người đàn ông trung niên lái chiếc xe tải 18 bánh xuyên qua vùng lãnh thổ nguy hiểm nhất ở miền Bắc Syria. Nơi đây, những cây cầu đã bị đánh phá tan hoang, bốn bề là cồn cát và hoang mạc. Cả lực lượng chính phủ cũng như các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đều không mảy may bén mảng đến vùng đất này.
SDF hứa hẹn chuyến hành trình sẽ chỉ kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ.
Nhưng khi Fawzi cùng các tài xế đồng nghiệp tập hợp đoàn xe vào ngày 12/10, họ nhận ra mình đã bị lừa gạt.
Sau nhiều ngày không kích ác liệt của liên quân khiến hàng trăm tay súng IS cùng thân nhân thiệt mạng tại Raqqa, những kẻ thánh chiến cuồng tín đã nhượng bộ trước yêu cầu của SDF. Thông qua dàn xếp bởi trưởng lão của các bộ tộc Arab người địa phương, một thỏa thuận đã đạt được.
Các chiến binh IS cùng gia đình được phép di tản khỏi Raqqa, thành phố mà IS coi như thủ đô của chế độ. Chúng sẽ ra đi, không kèn không trống, trả lại bình yên cho thành phố mà đến nay đã bị phá hủy hơn 90% bởi bom đạn.
Để đưa hàng trăm gia đình rời khỏi Raqqa, SDF cần các tài xế địa phương, những người thông thạo địa hình sa mạc. Hàng nghìn USD mỗi người là cái giá SDF hứa hẹn cho Abu Fawzi và những tài xế khác. Điều kiện duy nhất là họ phải tuyệt đối giữ bí mật về chuyến đi. Với những tài xế nghèo tại hố bom Syria, đề nghị này rất đáng cân nhắc.
Đã nhiều tuần trôi qua, Fawzi và nhóm của ông vẫn chưa nhận được thù lao sau chuyến đi mà ông gọi là “xông vào địa ngục và trở ra”.
“Chúng tôi sợ run người ngay khi vừa vào đến Raqqa. Ban đầu, chúng tôi nghĩ sẽ đi cùng SDF, nhưng hóa ra không phải. Chỉ có nhóm tài xế chúng tôi và lũ khốn (các chiến binh IS) đó”, Fawzi nói.
Chào đón nhóm tài xế là các chiến binh IS nai nịt gọn gàng với súng máy lăm lăm trên tay.
“Bọn họ ai cũng cài bom vào áo. Vợ con của các chiến binh IS cũng mang bom trên người. Nếu có gì sai sót, tôi nghĩ họ sẽ tự sát và thổi bay cả đoàn xe”, Fawzi kinh hãi nhớ lại.
Lực lượng SDF đã kiểm soát truyền thông ở Raqqa. Các chiến binh IS rời khỏi thành phố sẽ không bị ghi hình hay đưa tin.
Trước công luận, SDF nói chỉ có vài chục chiến binh, hầu hết là người địa phương, rời khỏi thành phố. Nhưng, cánh tài xế xe tải, những người trực tiếp tham gia vào chiến dịch di tản bí mật, đưa ra con số hoàn toàn khác.
“Chúng tôi đưa khoảng 4.000 người, gồm cả phụ nữ và trẻ em, trên xe của chúng tôi và cả xe của họ, rời khỏi thành phố. Chỉ riêng xe của tôi đã chở 112 người”, Fawzi nói với BBC.
Một tài xế khác cho biết "đoàn xe kéo dài 6-7 km, tổng cộng có khoảng 50 xe tải, 13 xe bus và hơn 100 phương tiện của lực lượng IS". Các chiến binh IS ngồi trên nóc một vài xe để quan sát động tĩnh của sa mạc trong suốt hành trình.
Bất chấp thỏa thuận chỉ cho phép mang theo vũ khí cá nhân, các chiến binh IS đã mang đi tất cả những gì có thể. BBC xác nhận 10 xe tải được dùng để chở theo vũ khí và đạn được. Một chiếc đã bị sập gầm vì chở quá nặng.
“Đây không phải là di tản. Đây là một cuộc di cư của IS”, Fawzi mỉa mai.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mô tả cuộc chiến chống IS là “chiến dịch nhổ tận gốc”, không để những phần tử cực đoan trở về quê nhà ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới.Nhưng các chiến binh nước ngoài, đủ mọi quốc tịch, cũng xuất hiện trong đoàn xe di tản khỏi Raqqa.
“Có rất nhiều chiến binh nước ngoài. Họ đến từ Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Pakistan, Yemen, Saudi, Trung Quốc, Ai Cập, Tunisia …”, một tài xế nói.
Khi đã ra khỏi thành phố, đoàn xe đi qua những cánh đồng bông và lúa mỳ, vài ngôi làng nhỏ, trước khi rời khỏi đường cái và đi vào sa mạc phía bắc Raqqa.
Một tài xế vén tay áo để lộ vết bỏng trên da, dấu vết một màn tra tấn mà IS để lại trong chuyến hành trình băng qua sa mạc.
Có 3 hoặc 4 chiến binh nước ngoài ngồi cạnh mỗi lái xe. Những tên này đánh đập và gọi các tài xế người Arab bằng những từ ngữ xúc phạm. Những khẩu AK-47 thường trực được dí vào đầu các tài xế trong suốt chuyến hành trình.
“Bọn chúng nói như thế này: 'Khi nào chúng mày tái thiết lại Raqqa, hãy nói cho bọn tao biết. Bọn tao sẽ quay trở lại’. Chúng hoàn toàn bất trị. Chúng buộc tội chúng tôi đã đá chúng ra khỏi Raqqa”, Fawzi nói với BBC.
Người dân tại Shaninee sợ khiếp vía khi trông thấy bóng đoàn xe khổng lồ đi tới, với các chiến binh tay lăm lăm vũ khí ngồi trên nóc. Đoàn xe rời khỏi đường chính, đi theo lối mòn tiến thẳng vào sa mạc.
“Hai chiếc Humvee dẫn đường. Họ rất có tổ chức và sẽ không để bất cứ ai đi theo sau”, Muhanad, một dân làng đã trông thấy đoàn xe, nói với BBC.
|
Không ai trong số dân làng cảm thấy nhẹ nhõm khi bóng đoàn xe chìm vào cát bụi sa mạc. Tất cả nhân chứng cho biết các chiến binh IS dùng ngón tay làm dấu hiệu dao cứa cổ và đe dọa sẽ sớm quay trở lại.
“Chúng tôi đã sống trong sợ hãi suốt 4, 5 năm qua. Sẽ cần chút thời gian để thoát khỏi nỗi ám ảnh ấy. Thực sự tôi sợ sẽ có ngày chúng quay trở lại, hoặc gửi sát thủ đến trong đêm”, Muhanad run rẩy.
Dọc chuyến hành trình, nhiều nhân chứng khẳng định họ nghe thấy tiếng máy bay của liên quân bay theo dấu đoàn xe di tản. Từ khoang lái, Abu Fawzi trông thấy một máy bay của liên quân thả pháo sáng, thắp sáng cả đoàn xe và con đường cát bụi phía trước.
“Khi chiếc xe cuối cùng của đoàn đã đi qua, một máy bay Mỹ bay rất thấp và thả pháo sáng xuống. Các chiến binh IS lúc đó sợ mất mật”, Fawzi nói.
Lực lượng liên quân sau này xác nhận, dù không liên quan tới các hoạt động trên mặt đất, họ đã tham gia dẫn đường cho đoàn xe từ trên không.
Nhiều giờ sau khi đi qua trạm kiểm soát cuối cùng của SDF, Abu Fawzi cùng đoàn xe đến đích. Đó là một ngôi làng nhỏ nằm giữa Markadah và Al-Suwar, bên trong lãnh thổ do IS kiểm soát.
Khi quay trở lại vùng đất tự do, Fawzi bị thẩm vấn bởi SDF.
“Họ muốn tôi chỉ địa điểm nơi thả các chiến binh IS xuống. Viên sĩ quan SDF đánh dấu chỗ đó lại, có lẽ để Mỹ thực hiện một vụ không kích sau này”, Fawzi nói.
“Vài tuần qua, có rất nhiều gia đình tìm cách rời khỏi Raqqa. Điểm đến của họ là Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ riêng tuần này tôi đã giúp 20 gia đình ra đi trót lọt”, Imad, một tay buôn người ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, nói với BBC.
Imad, tự mô tả bản thân là kẻ phải cắt rào, leo tường và ngụp lặn trong những hầm ngầm nhằm tìm đường ra khỏi Syria, cho biết sự sụp đổ của IS giúp công việc làm ăn của các đường dây buôn người phất lên như diều.
Một tấm vé rời khỏi Syria có giá 600 USD. Trong trường hợp di tản cả gia đình, những tay buôn người đòi phí tối thiểu 1.500 USD.
Trong thời gian gần đây, Ankara đã siết chặt an ninh ở biên giới. Việc đưa người trót lọt từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên khó khăn.
“Tại một số điểm chúng tôi dùng thang để leo tường. Đôi khi phải vượt sông. Tệ nhất là phải đi vào những đường mòn xuyên núi”, Walid, một tay buôn người khác, nói với BBC.
Không ít phần tử IS cấp cao đã sa lưới lực lượng liên quân khi tìm cách vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Abu Musab Huthaifa, chỉ huy tình báo của IS, là một nhân vật khét tiếng tại Raqqa. Tên này nằm trong đoàn di tản khỏi thành phố hôm 12/10. Nay, Huthaifa đang ngồi trong nhà tù của SDF sau nỗ lực vượt biên bất thành.
Sau một cuộc điều tra của BBC, liên quân chống IS cuối cùng thừa nhận vai trò của họ trong chiến dịch di tản. Khoảng 250 chiến binh cùng 3.500 người là thành viên gia đình họ được cho phép rời khỏi Raqqa.
“Chúng tôi không muốn cho chúng rời khỏi Raqqa. Nhưng mọi hoạt động trên chiến trường của liên quân đều thông qua các thủ lĩnh người địa phương. Người Syria trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến. Đây là quyết định của họ”, Đại tá quân đội Mỹ Ryan Dillon, phát ngôn viên chiến dịch “Nhổ tận gốc” của liên minh chống IS, trả lời BBC.
Đại tá Dillon cho biết một sĩ quan của Mỹ và đồng minh phương Tây có mặt trong các cuộc đàm phán nhưng không đóng vai trò nào trong thảo luận. Viên sĩ quan người Mỹ khẳng định chỉ có 4 tay súng nước ngoài rời khỏi Raqqa và chúng đều đang trong nhà tù của SDF.Nhưng lời kể của các nhân chứng cho thấy số chiến binh nước ngoài được di tản khỏi Raqqa, dưới sự trợ giúp của liên quân, lên tới hàng chục.
BBC cho biết IS đã xây xựng những công sự kiên cố và phức tạp tại các trường học, nhà máy, bệnh viện, sân vận động tại Raqqa. Cuộc chiến tiêu diệt những ổ đề kháng cuối cùng của lực lượng này, nếu thực sự diễn ra, sẽ cần nhiều thời gian và chắc chắn là rất đẫm máu.
"Thỏa thuận di tản các tay súng IS khỏi Raqqa giúp cứu sống nhiều sinh mạng các binh sĩ của liên quân chống IS, bao gồm người Arab, người Kurd và cả các tình nguyện viên nước ngoài", Columb Strack, chuyên gia Trung Đông từ cơ quan tư vấn chính sách IHS Markit trụ sở London, nói với Zing.
Người Arab đã quá mệt mỏi và thiệt hại nặng nề bởi chiến tranh, họ muốn chấm dứt nó càng sớm càng tốt. Còn người Kurd, lực lượng nòng cốt của SDF, muốn duy trì quan hệ hữu hảo với cộng đồng Arab láng giềng vốn vượt trội về dân số.
"Người Kurd đã thắng ván bài chính trị tại Raqqa. Với thỏa thuận di tản, họ đánh bật được IS khỏi thành trì này, giảm thiệt hại sinh mạng xuống mức tối thiểu, lại giữ được mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng Arab láng giềng", ông Strack nói.
"Nhưng những gì liên quân đạt được có đáng với cái giá bỏ ra cho thỏa thuận này không?", Quentin Sommerville, cây bút kỳ cựu của BBC, đặt ra nghi vấn.
Cuộc chiến chống IS được tiến hành với hai mục đích chủ chốt.
Mục tiêu đầu tiên của liên quân quốc tế là tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, bằng cách đánh bại tổ chức này trên chiến trường và giành lại những vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng.
Mục tiêu thứ hai, rộng lớn hơn, là chặn đứng sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cũng như ngăn cản các vụ tấn công khủng bố tại các quốc gia khác.
Raqqa được IS tôn phong là thủ đô của chế độ thần quyền, nhưng đồng thời, nó là chiếc lồng sắt giam chân những phần tử nguy hiểm nhất của IS trong vòng vây liên quân suốt nhiều tháng qua.
Nay, khi chiếc lồng được mở ra, những tay súng cuồng tín cực đoan nhất đã trốn thoát, tỏa ra khắp Syria trước khi vượt biên và đặt chân tới những vùng đất khác trên thế giới. Và, có lẽ, không ít trong số chúng chưa dừng bước trên con đường thánh chiến.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/doan-xe-dai-7-km-giup-is-mo-duong-mau-roi-sao-huyet-raqqa-post796174.html