Do Thái ký sự: Thiên đường cho người khuyết tật

16:12' 02-11-2018
Đến Israel, nếu bạn chịu khó để ý đôi chút, sẽ thấy có một sự khác biệt lớn so với phần còn lại của thế giới. Đó là, sự hiện diện của các biển báo dành cho người khuyết tật có mặt khắp mọi nơi: Trên đường phố, trong công sở, khu vui chơi giải trí, phương tiện công cộng, khu đậu xe, toilet…


Nhà báo người Đức Werner Pohl dễ dàng di chuyển chiếc xe lăn của mình lên xuống ô tô nhờ thiết bị nâng hạ dành riêng cho người khuyết tật Ảnh : Việt Hùng

Đặc biệt hơn, rất nhiều biển báo là ảnh thật chụp người khuyết tật đang ngồi xe lăn, thay vì ký hiệu biểu tượng như ta thường thấy ở các nơi khác. Đó là một chiến dịch mang tên “People. Not Symbol”- “Con người. Không phải biểu tượng”.

Những người phát động chiến dịch này (thuộc tổ chức Access Israel) giải thích với chúng tôi rằng, biển báo bằng ảnh người thực sẽ tạo ấn tượng cùng hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ gấp bội lần những biểu tượng hình vẽ. Ở Israel, rất nhiều người khuyết tật sẵn sàng tình nguyện chụp ảnh nhằm thay thế cho các biểu tượng vô hồn gắn trên đường phố.

Đồng nghiệp người Đức, anh Werner Pohl đến từ Stuttgart, một nhà báo ngồi xe lăn chuyên viết bài cho các tạp chí về người khuyết tật tại Đức, người đi cùng tôi trong chuyến tác nghiệp tại Israel, nhận xét: “Đất nước này là thiên đường dành cho người khuyết tật, mọi di chuyển và sinh hoạt của tôi đều vô cùng thuận tiện. Một địa điểm nữa cũng rất tuyệt vời cho người khuyết tật là Singapore”.

Tại Đức, Werner Pohl cho biết, việc di chuyển ở nơi công cộng của anh không được tiện lợi như Israel hay Singapore. Trong chuyến đi suốt 1 tuần tại đây, di chuyển liên tục tới hàng chục địa điểm để làm việc và tham quan, lúc đi bằng ô tô, khi đi bộ, quả thực tôi không hề thấy Werner gặp phải bất kỳ khó khăn nào trong việc di chuyển hay sinh hoạt cá nhân.

Cửa sau hay cửa hông của xe ô tô du lịch ở Israel đều có gắn sẵn thiết bị nâng hạ dành cho xe lăn, Werner chỉ cần di chuyển tới đúng vị trí quy định, cả xe và người sẽ được nâng lên hay hạ xuống một cách hết sức nhẹ nhàng. Còn khi di chuyển bằng xe lăn, từ trường học, văn phòng, khu du lịch, công viên cho tới tiệm ăn…, tôi thấy Werner đều tiếp cận dễ dàng nhờ lối đi riêng dành cho người khuyết tật. Có cảm giác, anh đã thực sự bình đẳng với tôi và những đồng nghiệp khác trong chuyến tác nghiệp báo chí tại Israel.
Từ bữa tiệc trong bóng tối

Ở Tel Aviv, đoàn nhà báo quốc tế có một bữa tiệc tối, có thể nói là kỳ lạ và ấn tượng nhất trong đời, do tổ chức Access Israel chiêu đãi. Trước khi vào bàn tiệc, chúng tôi được phát mỗi người một chiếc băng bịt mắt. Và thế là, người nọ cứ bám vai người kia rồng rắn thành một hàng lần sờ vào bàn tiệc. Thú thực, thoạt đầu tôi có một cảm giác cực kỳ khó chịu, bởi chưa bao giờ mình lại phải ngồi ăn trong tình trạng “mù lòa” như thế này.

Tiệc Tây, riêng ly tách đã lổn nhổn vài ba cái, chọn ra được cái nào uống nước, cái nào uống vang đỏ, vang trắng hay sâm panh quả là một sự thách đố. Dao dĩa cũng lỉnh kỉnh đủ loại, cái cho salad, cái dùng món chính, cái tráng miệng, thôi thì đủ loại. Mở mắt chọn đã khó huống hồ bịt mắt! Cú chạm tay đầu tiên của tôi là xô đổ mấy cái ly, nhờ sự trợ giúp của người phục vụ đọc dùm menu, cuối cùng tôi cũng có được 1 ly nước lọc và đĩa cá hồi chiên cùng khoai tây nghiền. Điều an ủi là xung quanh tôi, các đồng nghiệp và khách mời khác dường như cũng “dở khóc dở cười” cả, tiếng ly tách va đổ cũng xủng xoảng khắp nơi.

Rất may, “cuộc đời tăm tối” chỉ diễn ra trong khoảng mươi phút đầu. Sau màn đóng vai người khiếm thị, chúng tôi tiếp tục một trải nghiệm khác ngay trên bàn tiệc, đó là vào vai người bị cụt tay. Khách mời lại được phát mỗi người một đôi bao tay to và cứng, khi xỏ vào không thể cử động được ngón tay. Với tình trạng như vậy tôi loay hoay đánh vật với cái dĩa mà không tài nào cầm lên nổi, chứ đừng nói tới việc ăn uống bất cứ thứ gì. Có người cố cầm được dĩa, nhưng năm lầm bảy lượt cứ xúc lên “miếng ăn đến mồm lại rơi”.

Cả bàn tiệc nom không khác gì một tấn bi hài kịch! Đi ăn tiệc sang trọng toàn của ngon vật lạ mà chẳng nhìn thấy gì, mò mẫm ngồi ăn trong màn đêm đen kịt. Đi ăn tiệc, nhìn thấy đồ ăn ngon lành thơm phức mà không thể tự tay thưởng thức. Nếu bạn bị rơi vào tình trạng này, cho dù chỉ dăm mười phút cũng đủ thấy khó chịu và ức chế biết chừng nào! Huống hồ những người khiếm thị, cụt tay đã và đang phải chịu đựng cả đời. Đó cũng chính là thông điệp mà tổ chức Access Israel muốn truyền tải tới chúng tôi, những vị khách trong bữa tiệc đặc biệt này.
Đến cách giáo dục trong nhà trường

Quyền của người khuyết tật rất được coi trọng tại Israel, điều này không chỉ được thể hiện bằng các quy định của pháp luật, các tiện ích cho người khuyết tật hiện diện khắp mọi nơi, mà còn được đưa vào giáo dục trong các trường học. Chúng tôi tận mắt chứng kiến hoạt động giáo dục này tại một trường THPT tại Tel Aviv do tổ chức Access Israel thực hiện. Cách giáo dục của họ cũng rất đáng để cho chúng ta học tập.

Không rao giảng đạo đức hay lý thuyết suông, giảng viên đứng lớp hôm đó chính là những người khuyết tật. Bà Mas Nidya bị mù 20 năm nay đến với học sinh về cuộc sống của mình, làm cách nào để bà hội nhập với cuộc sống như một người bình thường. Bà trực tiếp phát băng bịt mắt, hướng dẫn các em trải nghiệm cách đi đường của người mù bằng việc dùng chiếc gậy công nghệ số để dò đường.

Còn ông Eyal Sartov, 69 tuổi, bị mất cả hai chân từ năm 16 tuổi, thì hướng dẫn cách sử dụng xe lăn với một loạt xe lăn để sẵn ngoài sân trường. Thậm chí ông còn vén ống quần cho bọn trẻ xem nguyên một chiếc chân giả đầy sắt thép và đinh vít của mình. Một người khác thì mang đến những chiếc bịt tai để bọn trẻ trải nghiệm cảm giác bị điếc sẽ ra sao, rồi tổ chức những trò chơi theo kiểu nhìn mồm đoán chữ, dạy ngôn ngữ ký hiệu… Tất cả đều rất trực diện, ấn tượng và đầy sức thuyết phục.

Tôi chắc rằng, bằng cách như vậy, những công dân Israel ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã biết thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với người khuyết tật, từ đó giúp họ tự giác tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền của người khuyết tật.

Nhiều người nói dân Do Thái thông minh nhưng cũng rất thực tế, quả không sai. Có chứng kiến những buổi giáo dục như trên, tôi mới lý giải được vì sao anh bạn đồng nghiệp người Đức lại nhận xét, Israel là thiên đường của người khuyết tật.(Còn nữa)

Israel đứng đầu thế giới về chương trình giáo dục chuyên biệt (Special Education) dành cho trẻ em và thanh niên khuyết tật, với sự tham gia của cả chính phủ lẫn các tổ chức phi chính phủ. Luật Giáo dục chuyên biệt năm 1988 của nước này quy định, nhà nước có nghĩa vụ phải cung cấp dịch vụ giáo dục miễn phí nhằm phát triển các kỹ năng và khả năng tốt nhất cho người trẻ khuyết tật, từ 3 -21 tuổi.

Ở Israel, nhiều biển báo dành cho người khuyết tật đã được thay bằng ảnh, trong một chiến dịch mang tên “People. Not Symbol” Nguồn :Access Israel

Các khách mời đeo bao tay ngồi ăn tiệc để trải nghiệm tình cảnh của những người cụt tay trong cuộc sống. Ảnh : Việt Hùng

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2384626