Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân?

22:00' 10-10-2023
Việc Nga cân nhắc hủy phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện có thể làm suy yếu nỗ lực kiểm soát vũ khí và leo thang hoạt động hạt nhân toàn cầu.

Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, ngày 6/10 cho biết cơ quan này sẽ thảo luận việc hủy phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) trong phiên họp tới, cho rằng đây là động thái phù hợp với lợi ích quốc gia.

Bình luận của Volodin được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông hiện chưa sẵn sàng bình luận liệu Nga có cần thực hiện vụ thử hạt nhân mới hay không, nhưng Moskva nên cân nhắc hủy phê chuẩn CTBT.

"Việc phê chuẩn về lý thuyết có thể hủy bỏ", ông Putin nói trong bài phát biểu tại Diễn đàn Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở thành phố Sochi ngày 5/10.

Hiệp ước CTBT được Liên Hợp Quốc thông qua tháng 9/1996 với 187 quốc gia ký tham gia, trong đó cấm các vụ thử nổ hạt nhân với mục đích dân sự và quân sự, áp dụng với mọi môi trường.

Hiệp ước chưa có hiệu lực, do 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân chưa phê chuẩn. Trong số đó, Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc đều đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT, trong khi Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan không tham gia.

Mikhail Ulyanov, đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, nhấn mạnh quyết định của Moskva không được coi là tín hiệu Nga định nối lại các vụ thử hạt nhân. Nhưng một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích động thái của Nga "gây nguy hiểm một cách không cần thiết cho hiệp ước chống thử nghiệm hạt nhân".

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở thành phố Sochi ngày 5/10. Ảnh: TASS

Một số cựu quan chức chức Mỹ lưu ý động thái của Nga diễn ra vào thời điểm các chuyên gia quân sự nước này đang thảo thuận liệu Moskva có nên tiếp tục tiến hành các vụ thử để xác nhận tính hiệu quả của một số loại vũ khí hạt nhân mới hay không.

"Người Nga rõ ràng đang tranh luận về nối lại thử hạt nhân và động thái mới nhất đang giúp họ tiến gần hơn với việc đó", Lynn Rusten, cựu quan chức kiểm soát vũ khí Mỹ và hiện là phó chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Mối đe dọa Hạt nhân, nói.

Bà Rusten thêm rằng "nếu Nga thử hạt nhân, nhiều nước sẽ làm theo. Nó sẽ mở cánh cửa cho Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước khác".

Ngay cả động thái đảo ngược quyết định phê chuẩn CTBT của Nga cũng đủ khiến các chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân lo lắng. Họ nói hành động này có thể làm suy yếu nỗ lực giúp hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện giành được sự chấp thuận lớn hơn trong số những nước chưa tham gia.

Robert Floyd, thư ký tổ chức giám sát hiệp ước, ngày 6/10 nói rằng "thật đáng lo ngại và đáng tiếc" nếu bất kỳ quốc gia nào đảo ngược quyết định phê chuẩn CTBT.

Mỹ, quốc gia đầu tiên ký hiệp ước, đã dừng thử hạt nhân kể từ năm 1992, nhưng quốc hội nước này chưa đồng ý phê chuẩn hiệp ước. Trung Quốc, nước thử nghiệm hạt nhân lần cuối vào năm 1996, cũng ký tham gia CTBT nhưng chưa phê chuẩn.

CTBT là một trong những hiệp ước lớn đầu tiên mà ông Putin ký tham gia sau khi trở thành Tổng thống Nga vào năm 2000. Dù không nói rằng Nga cần phải nối lại thử nghiệm hạt nhân, ông Putin thừa nhận một số chuyên gia đã đưa ra lý do để làm điều đó.

Tại diễn đàn ở Sochi ngày 5/10, Tổng thống Putin nói Nga gần như hoàn thành việc phát triển các loại vũ khí chiến lược mới và đã thử nghiệm thành công Burevestnik, tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân có khả năng "bay khắp toàn cầu". Nga cũng hoàn thành chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat có thể mang đầu đạn hạt nhân.

"Các chuyên gia nói theo quy định, vũ khí mới cần phải đảm bảo đầu đạn mang theo hoạt động trơn tru và cần tiến hành thử nghiệm", ông Putin nói.

Tuần trước, Mikhail Kovalchuk, cộng sự thân cận của ông Putin kiêm người đứng đầu Viện Kurchatov, cho biết Nga có thể tiến hành thử hạt nhân "ít nhất một lần" tại Novaya Zemlya, quần đảo ở Bắc Cực, nơi nước này từng thực hiện nhiều vụ thử.

Hình ảnh vệ tinh mà Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Mỹ công bố tháng trước cho thấy hoạt động xây dựng gần đây tại Novaya Zemlya. Tổ chức này cũng phát hiện dấu hiệu hoạt động tại bãi thử nghiệm cũ của Mỹ ở sa mạc Nevada và địa điểm thử ở Tân Cương của Trung Quốc. Điều này cho thấy CTBT ngày càng trở nên mong manh khi căng thẳng quốc tế leo thang, theo giới quan sát.

Heather Williams, giám đốc dự án về các vấn đề hạt nhân tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nói rằng nếu Nga rút phê chuẩn CTBT hoặc thử vũ khí hạt nhân, đây sẽ là hành động gây thêm căng thẳng về ngoại giao.

"Nó sẽ làm suy yếu một trong số ít thỏa thuận quản lý rủi ro hạt nhân còn lại, kể từ khi Nga đình chỉ tham gia hiệp ước New START vào đầu năm nay", ông nói.

Dù không loại trừ khả năng đây chỉ là động thái mới nhất trong chuỗi cảnh báo hạt nhân của Nga trong xung đột Ukraine, Williams vẫn cho rằng "mối lo ngại này cần được xem xét một cách nghiêm túc".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bronwyn Halfpenny MP Vùng: Thomastown. Phone: 9401 2711
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-lo-neu-nga-rut-khoi-hiep-uoc-cam-thu-hat-nhan-4661965.html