Điện ảnh Hàn sau hơn 20 năm “lột xác"

01:00' 13-02-2020
Chiến thắng lịch sử của Bong Joon Ho và Parasite tại Oscar 2020 khiến thế giới phải nhìn nhận sự phát triển và sức ảnh hưởng sâu rộng của điện ảnh Hàn sau hơn 20 năm “lột xác.

Trong vòng hơn 20 năm qua, điện ảnh Hàn đã có những bước tiến dài. Kỳ tích không chỉ được làm nên bằng việc tiếp thu tinh hoa thế giới còn nhờ các nhà làm phim không ngừng tạo ra những hơi thở và giá trị nghệ thuật mới, tạo dựng chỗ đứng và diện mạo riêng cho điện ảnh Hàn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

"Thức tỉnh" sau nhiều năm ngủ vùi

Nếu điện ảnh Nhật được phương Tây phát hiện từ thập niên 1950, điện ảnh Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan được các liên hoan phim quốc tế hàng đầu thế giới chú ý từ thập niên 1980-1990 qua các bộ phim của Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ, Lý An... thì mãi đến giữa thập niên 1990-2000, điện ảnh Hàn Quốc mới "thức tỉnh".

Trước đó, trong những năm 1970-1980, các nhà làm phim Hàn Quốc phải chật vật sống sót trước những quy định kiểm duyệt gắt gao. Khi ấy, đa số các tác phẩm ra rạp đều là phim Hollywood. Giữa thập niên 1990, mọi chuyện bắt đầu thay đổi, khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa mới nhậm chức và đệ trình lên chính phủ dự án cải tổ điện ảnh toàn diện.

Điện ảnh Hàn chuyển mình và bùng nổ muộn hơn so với các quốc gia khác.

Ấn tượng trước bản đệ trình, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện ảnh như là công cụ quảng bá hình ảnh của "con rồng châu Á" Hàn Quốc với thế giới, chính phủ lập tức đưa vấn đề này trở thành một trong những quốc sách hàng đầu.

Động thái trên là chìa khóa mở ra một trang mới cho điện ảnh Hàn. Nền công nghiệp phim ảnh từ giữa những năm 1990 đến thập niên 2000 bắt đầu chứng kiến những cú lột xác ngoạn mục cả về đề tài lẫn hình thức thể hiện. Sự tự do, không còn bị gò bó bởi nền tảng văn hóa, pháp lý đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh xứ kim chi trong giai đoạn đó.

Nỗ lực thay đổi

Nhận thấy điện ảnh là một trong những con đường nhẹ nhàng nhất để quảng bá hình ảnh Hàn Quốc đến với toàn cầu, chính phủ nước này vạch ra những hướng phát triển cụ thể về cơ sở hạ tầng, ngân sách và đầu tư vào con người.

Họ khuyến khích các công ty tư nhân và các tập đoàn giải trí nước ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng cho điện ảnh với những ưu đãi tốt nhất. Trong nước, ngân sách cho giải trí và điện ảnh được nâng lên. Các cụm rạp, trường quay hiện đại mọc lên như nấm.

Song song với đó, chính phủ Hàn Quốc tuyển chọn nhân tài điện ảnh gửi sang bờ bên kia Thái Bình Dương, học hỏi tinh hoa nghệ thuật của thế giới. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, ngân sách dồi dào và sự xuất hiện của các nhà làm phim được đào tạo bài bản ở Hollywood là điều kiện để khởi động bước nhảy thần kỳ cho điện ảnh Hàn.

Các nhà làm phim Hàn Quốc bắt đầu thay đổi và mở rộng đất sáng tạo của mình, trước hết là với những bộ phim về văn hóa truyền thống. Thành công của tác phẩm Seopyeonje (1993 - đạo diễn Im Kwon Taek) đã chứng minh cho việc dòng phim nghệ thuật, phản ánh những nét đặc trưng về văn hóa và tâm tư con người ở Hàn Quốc vẫn đủ sức cạnh tranh ở đấu trường quốc tế.

Các nhà làm phim Hàn bắt đầu tìm hướng xây dựng mới cho các bộ phim về văn hóa truyền thống nước nhà, song song với việc phát triển các thể loại, đề tài mới mẻ, táo bạo hơn.

Tuy nhiên, để dòng phim này có thể tồn tại và đạt nhiều doanh thu hơn tại phòng vé, chứ không đơn thuần chỉ mang đi chinh chiến các giải thưởng hay liên hoan phim, những người cầm trịch phải tìm cách thức xây dựng mới.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim còn kế thừa dây chuyền sản xuất phim chuyên nghiệp, mở rộng đề tài và thể loại. Không chỉ xoay quanh tình yêu, gia đình, họ tập trung khai thác cả chính trị, vấn đề thời sự, xã hội nóng hổi, điều tra hình sự, viễn tưởng…

Bước tiến thần tốc

Những năm 1970-1980, điện ảnh Hàn “lép vế” trước sự phát triển mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng sâu rộng của điện ảnh Nhật Bản, Trung Quốc… Nhưng bắt đầu từ giữa những năm 1990 và 2000 cho đến hiện tại, giới mộ điệu đã chứng kiến tốc độ phát triển như vũ bão về chất lẫn về lượng, vươn lên ngang tầm láng giềng của điện ảnh xứ kim chi. Chỉ mất hơn 20 năm, Hàn Quốc dần trở thành "con rồng" của điện ảnh châu Á.

Bắt đầu từ năm 1999, Hàn Quốc đã hạn chế con số nhập khẩu phim Hollywood. Đây là một trong số ít quốc gia châu Á có nền điện ảnh nội địa chiếm ưu thế, không bị phim ngoại vượt mặt ngay trên sân nhà.

Tỷ lệ nội địa hóa các tác phẩm ra rạp của Hàn Quốc thường rơi vào mức trên dưới 50%. Năm 2018, tỷ lệ phim nội công chiếu tại các cụm rạp là 51%. Theo Variety, đây là con số thấp nhất kể từ năm 2014.

Trong năm 2019, theo thống kê của Statista.com, số khán giả ủng hộ phim nội địa là 110 triệu lượt, trong khi đó, ở phim ngoại nhập là 106 triệu lượt. Điều này cho thấy phim nội địa được ưu ái hơn hẳn phim ngoại tại Hàn Quốc.

Extreme Job là phim nội địa có doanh thu cao nhất Hàn Quốc 2019, đánh bật nhiều bom tấn Hollywood công chiếu cùng thời điểm.

Các bộ phim khai thác lịch sử, văn hóa, đánh vào lòng tự hào dân tộc hay kết hợp với yếu tố gia đình gây xúc động mãnh liệt như The Admiral: Roaring Currents, Ode to My father, Taegukgi, King and the Clown, A Taxi Driver... đều có trên 10 triệu lượt khán giả, trở thành những mốc son của điện ảnh nội địa.

Bên cạnh đó, các tác phẩm hành động, hình sự, hài, tâm lý xã hội, giả tưởng hay kinh dị như Extreme Job, Along with the Gods: Two Worlds, Miracle in cell no. 7, Parsite... cũng tạo nên cơn sốt tại phòng vé trong nước, thậm chí đánh bật nhiều bom tấn Hollywood công chiếu cùng thời điểm.

Không chỉ giành chiến thắng trên sân nhà, các tác phẩm điện ảnh vừa giàu tính bản địa, vừa hợp gu quốc tế của Hàn Quốc còn tham gia đường đua phòng vé tại xứ người. Từ năm 2013 đến 2018, giá trị xuất khẩu phim Hàn ngày càng tăng, từ 37,7 triệu USD đến 41,61 triệu USD.

Điện ảnh Hàn bán kịch bản cho nhiều nước châu Á, kể cả Hollywood. Old Boy, A Tale of Two Sisters, The Cop, the Gangster and the Devil, Extreme Job… là số ít trong nhiều bộ phim được các nhà sản xuất đến từ kinh đô điện ảnh bên kia bờ Thái Bình Dương mua bản quyền.

Ngoài bán phim cho nước ngoài, điện ảnh Hàn còn “xuất khẩu” đạo diễn. Nhiều nhà làm phim tên tuổi của xứ kim chi như Park Chan Wook, Kim Jae Won, Bong Joon Ho… đã cầm trịch những tác phẩm có sự tham gia của dàn sao Hollywood hoặc do các hãng phim Mỹ rót vốn đầu tư.

Trong vài năm trở lại đây, điện ảnh Hàn ngày càng gây chú ý bởi những dấu ấn khó quên tại các liên hoan phim danh giá hay giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh. Cái tên nổi bật nhất hiện tại là Parasite và Bong Joon Ho.

Parasite vừa lập thành tích gây bão toàn cầu tại Oscar 2020.

Hai chiến thắng lịch sử vang dội nhất của Parasite là ở Cannes và Oscar. Tác phẩm khiến công chúng Hàn và châu Á tự hào khi “ẵm” giải Cành Cọ Vàng vào cuối tháng 5/2019. Tiếp đó, ngày 10/2 vừa qua, “đứa con tinh thần” của Bong Joon Ho tỏa sáng tại Oscar 2020 với 4 giải gồm Phim truyện, Kịch bản, Đạo diễn và Phim Quốc tế xuất sắc.

Lần đầu tiên trong lịch sử Oscar, một tác phẩm không dùng ngôn ngữ chính là tiếng Anh lại lên ngôi cao nhất - Phim truyện xuất sắc. Kỳ tích của Parasite khiến hàng triệu người hâm mộ Hàn Quốc tự hào.

Từ những thành tựu gặt hái trong suốt hơn 20 năm thay đổi và phát triển, cùng chiến thắng lịch sử của Parsite và Bong Joon Ho, Hàn Quốc được xem là cường quốc điện ảnh của cả châu Á lẫn thế giới.

Nguyên nhân thành công

Sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính phủ yếu tố quyết định đến sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc. Chính sách cải tổ điện ảnh toàn diện với phương án tối ưu là đầu tư vào con người theo mô hình của điện ảnh Mỹ đã mang lại kết quả vượt xa mong đợi.

Chính phủ nước này cũng đặt ra những quy định hạn ngạch, bảo vệ gần như tuyệt đối cho điện ảnh nội địa phát triển như tỷ lệ suất chiếu phim nội phải lớn hơn phim ngoại, giám sát chặt chẽ việc nhập phim, giảm thuế và các chi phí sản xuất cho phim nội địa...

Hệ thống kiểm duyệt của Hàn Quốc tương đối thông thoáng. Họ áp dụng hình thức phân loại phim như của Mỹ. Điều này tạo ra không gian sáng tạo vô biên cho các nhà làm phim, giúp điện ảnh xứ Hàn luôn đa dạng, phong phú về đề tài cũng như thủ pháp thể hiện.

Bong Joon Ho với bàn tay ma thuật có thể tạo ra kỳ tích không tưởng, được xem là một trong những "công thần" hàng đầu đưa điện ảnh Hàn Quốc vươn tầm quốc tế.

Sự ra đời của đội ngũ đạo diễn tài năng như Im Won Taek, Kim Di Duk, Park Chan Wook, Lee Chang Dong, Bong Joon Ho… cũng là một nhân tố quan trọng “dệt” nên diện mạo mới cho điện ảnh Hàn.

Trong số các nhà làm phim tiếng tăm ấy, Bong Joon Ho có lẽ là người được giới chuyên môn dành cho nhiều lời “có cánh” nhất. Đạo diễn họ Bong góp công lớn giúp điện ảnh Hàn Quốc thập niên 2000 trỗi dậy như một con rồng châu Á. Số lượng tác phẩm của Bong Joon Ho không nhiều, thế nhưng, ông đã chứng minh mình là người có khả năng tạo ra kỳ tích mà trước đó, chưa có ai làm được cho đất nước và châu lục.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?

Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/dien-anh-han-quoc-da-kiem-tien-va-danh-tieng-nhu-the-nao-post1045683.html