Điểm yếu lớn nhất của bà Harris

16:00' 22-10-2024
Bà Harris đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư, nhưng chưa thể giành được lợi thế trước ông Trump trong lĩnh vực này.

Bà Kamala Harris cuối tháng trước thăm khu vực biên giới giáp Mexico tại bang Arizona kể từ khi trở thành ứng viên đảng Dân chủ. Đây là lần thứ hai bà tới khu vực biên giới với Mexico trong hơn 3 năm làm Phó tổng thống, sau chuyến đi đầu tiên tới Texas hồi năm 2021.

Bà Harris kêu gọi siết hạn chế với người tị nạn, tìm cách thể hiện lập trường cứng rắn hơn với người di cư bất hợp pháp, nhằm khắc phục một trong những điểm yếu lớn nhất của bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

"Chúng tôi có một hệ thống nhập cư nhiều lỗ hổng và cần được sửa chữa", bà Harris thừa nhận trong cuộc phỏng vấn trước đó với MSNBC.

Nhập cư và an ninh biên giới là những vấn đề hàng đầu ở Arizona, bang chiến trường duy nhất giáp biên giới Mexico và phải đối mặt với dòng người vượt biên kỷ lục trong năm 2023.

Cựu tổng thống Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa coi nhập cư là mũi nhọn để công kích bà Harris, cho rằng Phó tổng thống đã dành quá ít thời gian tới thăm các khu vực biên giới trong nhiệm kỳ. Trong hai lần tranh cử trước đó, Trump luôn coi siết quản lý nhập cư là trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình và nhận được sự ủng hộ từ nhiều cử tri Mỹ.

Phó tổng thống Kamala Harris (phải) thăm Douglas, bang Arizona ngày 27/9. Ảnh: AP

Thăm dò được NBC News thực hiện tháng trước chỉ ra 54% cử tri Mỹ nghĩ rằng ông Trump sẽ xử lý tốt hơn vấn đề bảo vệ biên giới và kiểm soát nhập cư, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà Harris là 33%. 57% cử tri được hỏi cho rằng bà Harris sẽ đối xử tốt và nhân đạo hơn với người nhập cư, cũng như bảo vệ quyền lợi của họ, trong khi ông Trump là 29%.

Ứng viên Cộng hòa trong cuộc vận động tranh cử ở Wisconsin hồi tháng 6 tuyên bố sẽ trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép nếu ông đắc cử. Chính sách này nếu được thực hiện sẽ gây tác động rất lớn, bởi khoảng 11 triệu người ở Mỹ không có giấy tờ nhập cư hợp pháp.

"Chúng ta sẽ chứng kiến vụ trục xuất lớn nhất. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác", ông Trump nói.

Trong tầm nhìn chính sách của ông Trump, trục xuất hàng loạt là nỗ lực lớn và cần thiết. Ông cho rằng Mỹ cũng cần cải tổ cơ quan hành pháp cấp liên bang và thực thi các quy định quản lý nhập cư chặt chẽ hơn.

Cựu tổng thống thậm chí tuyên bố nếu đắc cử, một trong những động thái đầu tiên của ông là ban hành sắc lệnh hành pháp chấm dứt quyền được công nhận là công dân Mỹ khi sinh ra trên đất Mỹ. Quyền này được quy định trong Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ, quy định tất cả người sinh ra ở Mỹ đều là công dân nước này, ngay cả khi bố mẹ là người nhập cư bất hợp pháp.

"Bà ấy liên tục nói muốn khắc phục vấn đề biên giới. Nhưng tại sao bà ấy không làm điều đó ngay từ gần 4 năm trước", ông Trump nói tháng 9, đề cập tới Phó tổng thống Harris.

Trong thời gian làm Phó tổng thống, bà Harris đã có lập trường ngày càng cứng rắn về người tị nạn và ủng hộ siết an ninh biên giới. Bà đề xuất nếu lực lượng biên phòng ghi nhận trên 1.500 vụ vượt biên trái phép mỗi tuần, Mỹ sẽ ngừng tiếp nhận đơn xin tị nạn của người di cư.

Quan chức chiến dịch của bà Harris cho biết bà dự định đề xuất mức thấp hơn để thực thi biện pháp hạn chế tiếp nhận đơn xin tị nạn. Đây được xem là nỗ lực đáng chú ý của bà Harris khi Mỹ đã ghi nhận mức kỷ lục 10 triệu vụ vượt biên trái phép kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức đầu năm 2021.

Phó tổng thống Mỹ cáo buộc ông Trump "hủy hoại" dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng từng được đưa ra hồi đầu năm nay, cam kết sẽ hồi sinh nó nếu bà đắc cử.

Dự luật an ninh biên giới mà phe Dân chủ đề xuất bao gồm những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống tị nạn của quốc gia và cơ chế đóng cửa biên giới một cách hiệu quả đối với hầu hết người di cư khi số lượng người vượt biên đặc biệt cao.

Dự luật phân bổ 20 tỷ USD để tuyển dụng thêm 40.000 nhân viên xử lý vấn đề tị nạn, cố vấn pháp lý cho trẻ vị thành niên không có người giám hộ và mua sắm công nghệ xét nghiệm ma túy nhanh tại các cửa khẩu. Ngoài ra, 8 tỷ USD sẽ được dùng để mở rộng quy mô các trại giam giữ người xin tị nạn.

Tuy nhiên, dự luật đã không thể được thông qua sau khi ông Trump kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện phản đối. Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch Trump, nói rằng cựu tổng thống phản đối dự luật vì nó sẽ làm tăng số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mỗi tuần.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ chỉ trích hành động của Trump, cho rằng nó chỉ vì mục đích chính trị.

"Trump đã phá hoại nó. Ông ấy thích theo đuổi vấn đề hơn là sửa chữa nó. Và người dân Mỹ xứng đáng có một tổng thống quan tâm đến an ninh biên giới hơn là chơi trò chính trị và đánh cược vì tương lai chính trị cá nhân", bà Harris nói.

Người di cư vượt biên vào Mỹ ngồi chờ đợi cạnh bức tường biên giới tại Yuma, bang Arizona hồi tháng 8/2022. Ảnh: AP

Bất chấp những tuyên bố về chính sách nhập cư cho nhiệm kỳ mới, bà Harris dường như chưa thể thay đổi cục diện với Trump trong vấn đề này. Adriel D. Orozco, cố vấn chính sách cấp cao tại tổ chức Hội đồng Di trú Mỹ, chưa cảm thấy thuyết phục trước những tuyên bố của bà Harris.

"Chúng tôi đã nghe các bài phát biểu của bà ấy nói rằng sẽ ủng hộ dự luật biên giới lưỡng đảng nếu thắng cử. Bà ấy nhìn chung muốn ủng hộ con đường trở thành công dân cho người nhập cư. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy được những kế hoạch cụ thể về các chính sách khác", Orozco nói.

Giới quan sát cho rằng bà Harris cũng đối mặt với áp lực phải đưa ra phản ứng trực diện hơn với kế hoạch trục xuất hàng loạt của ông Trump.

"Chúng tôi đang trong những tuần cuối trước cuộc bầu cử và bà ấy cần phải thể hiện rõ ràng sự tương phản với ông Trump trong vấn đề nhập cư. Cơ hội đã bị bỏ lỡ khi đảng Dân chủ không chú ý nhiều hơn đến hậu quả của tuyên bố trục xuất hàng loạt này", Vanessa Cardenas, giám đốc điều hành America's Voice, nhóm ủng hộ người nhập cư, nói.

Cuộc tranh luận sôi nổi về nhập cư đặc biệt quan trọng ở bang chiến trường Arizona. John Ladd, chủ trang trại ở hạt Cochise, cho biết đoạn tường biên giới được xây dựng trên khu đất của gia đình ông đã nhiều lần phải sửa chữa trong năm nay, sau khi bị những kẻ buôn người phá để tìm lối vượt biên.

Ông thêm rằng dưới thời chính quyền Biden, khoảng 150 người bị bắt mỗi ngày vì xâm nhập biên giới trái phép ở khu đất thuộc trang trại của ông Song ông thêm rằng con số này ít hơn nhiều dưới thời Trump.

Ladd hoài nghi về những tuyên bố cứng rắn hơn với vấn đề biên giới mà bà Harris đưa ra. "Đó hoàn toàn là lời nói dối. Bà ấy không quan tâm tới biên giới và luôn muốn mở cửa nó. Vì vậy tôi không tin bất kỳ điều gì bà ấy nói", ông nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Moira Deeming MLCParliament of Victoria Vùng: Caroline Springs. Phone: 8363 0288
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhap-cu-van-de-nan-giai-cua-ba-harris-khi-doi-dau-ong-trump-4804635.html