Dịch viêm phổi khiến nền điện ảnh Trung Quốc điêu đứng

05:58' 25-01-2020
Cả 7 bộ phim điện ảnh Hoa ngữ mới đều không thể khởi chiếu từ mùng 1 Tết Nguyên đán vì con virus quái ác hiện gây ra dịch viêm phổi.

Chỉ vài ngày trước, khó ai có thể ngờ rằng mùa phim bận rộn nhất trong năm tại Trung Quốc rốt cuộc trở nên tan tành bởi dịch viêm phổi do virus corona gây ra. Cả 7 tác phẩm điện ảnh chiếu rạp Hoa ngữ sắp sửa ra mắt nay đều lỡ hẹn với khán giả và sẽ không thể khởi chiếu từ 25/1, tức mùng 1 Tết Nguyên đán.

Từ những con số hứa hẹn

Hồi đầu tuần, theo thống kê của tạp chí Variety, số tiền mà nhóm tác phẩm của mùa phim Tết Nguyên đán 2020 tại Trung Quốc chi ra cho các chiến dịch quảng bá đã cán mốc 1 tỷ nhân dân tệ, tức tương đương 144 triệu USD.

Số lượng phim Hoa ngữ ra rạp trong đầu năm âm lịch là 7 tác phẩm, bao gồm: Thám tử phố Tàu 3, Lạc lối ở Nga, Đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, Khương Tử Nha, Gấu Boonie, Cấp tiên phong Giải cứu. Giới quan sát tại Trung Quốc kỳ vọng sự đa dạng về thể loại sẽ giúp mùa phim Tết thắng lớn.

Thám tử phố Tàu 3 dẫn đầu doanh thu bán vé sớm của mùa phim Tết 2020 tại Trung Quốc.

Chỉ có duy nhất một bộ phim gặp khó khăn. Một ngày trước thời điểm mở bán vé sớm, Đội bóng chuyền nữ Trung Quốc phải đổi tên thành Giành ngôi vô địch. Tựa đề mới trùng với một bộ phim ngắn trong tuyển tập Tôi và đất nước tôi (2019) đã khiến khán giả trở nên lúng túng.

Theo một số nguồn tin, đạo diễn Trần Khả Tân buộc phải thay đổi tựa đề để tránh xung đột với Bộ Thể thao bởi một số tình tiết liên quan đến đội bóng chuyền nữ, chứ không phải do phía kiểm duyệt yêu cầu.

Cho tới sáng 23/1, lượng bán vé sớm của tổng cộng 7 tác phẩm là 468 triệu nhân dân tệ, tương đương 67,5 triệu USD. Trong đó, Thám tử phố Tàu 3 của Vương Bảo Cường dẫn đầu với 100 nhân dân tệ (14 triệu USD) sau chưa đầy một ngày mở bán.

Hiểm họa ẩn dật

Trước ngày 20/1, đã có nhiều quan ngại về virus corona bởi lượng người di chuyển trước dịp Tết Nguyên đán (hay còn gọi là “xuân vận”) tại Trung Quốc là khổng lồ. Hôm 13/1, chính quyền Trung Quốc xác nhận đã có 3 ca tử vong và 200 trường hợp nhiễm bệnh trên toàn quốc. Họ đồng thời cho biết dịch bệnh có thể lây nhiễm từ người sang người.

Ca đầu tiên dính virus corona được phát hiện bên ngoài Trung Quốc là hôm 13/1. Sau đó, căn bệnh quái ác tiếp tục lan sang Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tới 21/1, ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Mỹ được phát hiện ở thành phố Seattle.

Sự lây lan của virus corona khiến chính quyền Trung Quốc đưa ra những quyết định được xem là "chưa từng thấy".

Tại Vũ Hán, trước hôm 19/1, lượng bán vé sớm của thành phố chiếm khoảng 2% trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong ba ngày tiếp theo, con số giảm mạnh xuống mức 0,5%. Cũng trong quãng này, cổ phiếu của các hãng phim liên tục sụt giảm.

Đến 22/1, hai hệ thống bán vé xem phim trực tuyến Maoyan và Tao Piaopiao ra thông báo hoàn tiền vô điều kiện cho những khán giả đã mua vé sớm ở Vũ Hán. Cùng lúc đó, chính quyền Trung Quốc ban lệnh khóa chặt thành phố và 11 triệu dân kể từ 23/1.

Tình trạng hỗn loạn xảy ra khi người dân nơi đây cố gắng rời khỏi thành phố trước khi quyết định của chính quyền có hiệu lực vào 10 giờ sáng ngày tiếp theo. Theo một số tờ báo Trung Quốc, đã có khoảng 300.000 người rời khỏi Vũ Hán trong hôm 22/1.

Cuộc khủng hoảng trên diện rộng

Trong ngày 23/1, hashtag “Tại sao các phim chiếu Tết không dời ngày khởi chiếu?” bắt đầu xuất hiện và lan tỏa trên mạng xã hội Weibo. Cả 7 ê-kíp phim Hoa ngữ chiếu Tết đứng trước hai lựa chọn mà đằng nào họ cũng thua: hoặc là khiến công chúng giận dữ khi giữ nguyên ngày ra rạp, hoặc bỏ lịch chiếu và đổ sông đổ bể hàng chục triệu USD tiền quảng bá trước đó.

Trên tài khoản Weibo chính thức của nhóm tác phẩm, các tài liệu quảng bá dần bị thay thế bởi những thông điệp cổ vũ và khen ngợi đội ngũ y bác sĩ đang vất vả chạy đua với thời gian để chống lại dịch bệnh.

Cuối cùng, cả 7 bộ phim đều đưa ra thông báo sẽ không khởi chiếu dịp Tết Nguyên đán năm nay, và đồng thời chưa đưa ra lịch phát hành mới.

Cả 7 bộ phim Hoa ngữ mới rốt cuộc đều sẽ không khởi chiếu từ mùng 1 Tết Nguyên đán như kế hoạch ban đầu.

Hai phim hoạt hình - Gấu Boonie Khương Tử Nha - rút đi đầu tiên. Trên trang Weibo của Khương Tử Nha, ê-kíp để lại thông điệp: “Bệnh dịch đang xảy ra, và chúng ta cần phải đoàn kết để tập trung ngăn ngừa bệnh tật, cứu mạng con người”.

Các tác phẩm khác cứ thế lần lượt theo chân. Trang Weibo của Giành ngôi vô địch viết: “Phim ảnh chỉ là một phần của cuộc sống. Sinh mạng mới điều quan trọng hơn nhiều. Chúng tôi quyết định tạm ngừng phát hành bộ phim sau khi cân nhắc rủi ro dịch bệnh có thể lây lan trong một khoảng không gian khép kín như các rạp chiếu phim”.

Cả Maoyan lẫn Tao Piaopiao đều hứa sẽ trả lại tiền vé một cách vô điều kiện cho những ai đã mua vé sớm. Toàn bộ quá trình hoàn tiền có thể kéo dài trong hơn một tuần lễ, và các rạp chiếu phim hiện đã nhận được vô số cuộc gọi điện thoại tới hỏi về chuyện này.

Riêng các rạp chiếu phim tại Vũ Hán và một số thành phố lân cận đều đã phải đóng cửa. Chính quyền yêu cầu người dân đeo mặt nạ khi tới các không gian công cộng. Ở các thành phố khác nơi rạp chiếu phim vẫn hoạt động, nhà chức trách yêu cầu chủ rạp phải treo poster và các đoạn phim hướng dẫn người dân đương đầu với dịch bệnh.

Không chỉ có ngành điện ảnh, rất nhiều hội chợ xuân, bảo tàng tại Trung Quốc đều đã đóng cửa. Mới nhất, Thiên An Môn sẽ ngừng đón khách tham quan từ ngày 25/1, tức mùng 1 Tết Nguyên đán.

Từ chỗ có thể thu tới hàng trăm triệu USD chỉ trong vòng một tuần lễ, ngành điện ảnh Trung Quốc hiện đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy và chưa biết bao giờ mới có thể kết thúc.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/virus-corona-khien-nen-dien-anh-trung-quoc-dieu-dung-ra-sao-post1039334.html