Dịch COVID-19 bùng phát ở Italy

11:51' 20-03-2020
Trung Quốc và Italy đã phát đi những cảnh báo về COVID-19, nhưng các chính trị gia Anh và cố vấn của họ lại lãng phí thời gian quý báu, và sự lãng phí ấy sẽ phải trả giá bằng mạng sống con người.

Tờ The Guardian ngày 18/3 đã có bài viết chỉ trích sự chậm trễ của Chính phủ Anh trong việc ứng phó với dịch COVID-19 cho dù Trung Quốc và Italy đã phát đi những cảnh báo rõ ràng về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Các chính trị gia Anh và cố vấn của họ lại lãng phí thời gian quý báu, và sự lãng phí ấy sẽ phải trả giá bằng mạng sống con người.

Lời cảnh báo từ Trung Quốc

Ngày 24/1, các bác sỹ và nhà khoa học Trung Quốc lần đầu tiên mô tả về một căn bệnh mới do chủng mới của virus corona gây ra. Họ nói về một loạt các ca viêm phổi kỳ lạ xuất hiện vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.

Vào thời điểm đó, người ta đã xác định được 800 ca bệnh mới. Virus đã lan truyền tới Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Báo cáo được công bố trên tuần san y khoa Lancet cho biết phần lớn trong số 41 người được mô tả như trên xuất hiện những triệu chứng không cụ thể như ho và sốt. Hơn một nửa trong số họ bị khó thở. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là 1/3 bệnh nhân trong số này rơi vào tình trạng bệnh nghiêm trọng đến mức phải chuyển sang đơn nguyên chăm sóc đặc biệt.

Hầu hết họ xuất hiện biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm phổi do virus: hội chứng suy hô hấp cấp. Một nửa trong số họ đã tử vong.

Các nhà khoa học Trung Quốc không hề vòng vo. Họ viết: "Số người chết đang tăng lên nhanh chóng." Các nhân viên y tế nhất thiết phải được trang bị đồ bảo hộ cá nhân. Việc xét nghiệm virus cần được thực hiện ngay sau khi có chẩn đoán nghi ngờ.

Họ đi đến kết luận rằng bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, đồng thời kêu gọi giám sát cẩn thận loại virus mới này do "khả năng gây đại dịch" của nó.

Đó là vào tháng 1. Tại sao Chính phủ Anh phải mất tới 8 tuần mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh mà giờ đây được gọi tên là COVID-19?

Năm 2003, các quan chức Trung Quốc đã bị chỉ trích nặng nề vì giữ bí mật về mức độ nguy hiểm của một bệnh virus mới: hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Đến năm 2020, thế hệ nhà khoa học mới của Trung Quốc đã rút ra bài học.

Dưới sức ép rất lớn, trong bối cảnh đại dịch bùng phát xung quanh, họ đã dành thời gian viết ra những phát hiện của mình bằng tiếng nước ngoài và tìm cách công bố những phát hiện đó trên một tuần san y học được phát hành cách họ hàng nghìn dặm.

Công trình chóng vánh và cặn kẽ của họ là một lời cảnh báo khẩn cấp gửi tới thế giới. Chúng ta nợ những nhà khoa học đó lời cảm ơn sâu sắc.


Chính phủ Anh phớt lờ lời cảnh báo từ Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Nhưng các cố vấn y tế và khoa học của Chính phủ Anh đã phớt lờ lời cảnh báo ấy. Họ chỉ chờ đợi và đứng nhìn, không rõ vì lý do gì.

Các nhà khoa học cố vấn cho các bộ trưởng Anh dường như cho rằng loại virus mới này có thể được điều trị tương tự như bệnh cúm. Graham Medley, một trong những chuyên gia cố vấn khoa học cho Chính phủ Anh, tỏ vẻ rành mạch đến mức khiến người khác khó có thể nghi ngờ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Newsnight tuần qua, ông đã giải thích cách tiếp cận của Anh cho phép dịch bệnh bùng phát một cách có kiểm soát đối với một số lượng lớn người dân nhằm tạo ra "miễn dịch cộng đồng."

Các nhà khoa học Anh khuyến nghị làm theo kịch bản mà trong đó "phần lớn dân số miễn dịch với virus. Và cách duy nhất để phát triển môi trường miễn dịch như vậy, trong điều kiện không có vaccine, là để cho phần lớn dân số bị nhiễm bệnh."

Medley gợi ý rằng "trong điều kiện lý tưởng," Anh có thể cần tới "một đại dịch lớn" giữa những người ít bị tổn thương hơn. Ông nói: "Điều chúng ta phải tìm cách thực hiện là quản lý việc xây dựng miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu sự phơi nhiễm của những người dễ bị tổn thương."

Patrick Vallance, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ, gợi ý rằng mục tiêu là lây nhiễm cho 60% dân số Anh.

Sau nhiều tuần không hành động, vào thứ Hai, Chính phủ Anh tuyên bố thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, khẳng định rằng mô hình mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia đã thuyết phục họ thay đổi kế hoạch ban đầu.

Nhiều cơ quan báo chí, mà dẫn đầu là BBC, đã đưa tin rằng "sự thay đổi trong hiểu biết khoa học" đã khiến Chính phủ Anh thay đổi cách phản ứng. Tuy nhiên, cách giải thích này là sai. Hiểu biết khoa học vẫn không có gì thay đổi kể từ tháng 1. Thay đổi nằm ở chỗ các cố vấn Chính phủ Anh rốt cuộc đã hiểu được những gì đã diễn ra ở Trung Quốc.

Quả thật, không cần tới những dự đoán mới được các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia đưa ra mới ước tính được tác động của cách tiếp cận tự mãn của Chính phủ Anh. Bất kỳ học sinh nào từng học môn Đại số cũng có thể thực hiện phép tính này.

Với tỷ lệ tử vong là 1% trên 60% dân số khoảng 66 triệu người, Anh có thể sẽ phải đối mặt với gần 400.000 ca tử vong. Làn sóng lớn các bệnh nhân mắc bệnh nặng nảy sinh từ chiến dịch này sẽ nhanh chóng khiến dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) bị quá tải.

Từ khi có báo cáo đầu tiên của Trung Quốc, các nhà khoa học xuất sắc nhất của Anh đã biết rằng COVID-19 là một căn bệnh chết người. Vậy mà họ đã làm quá ít và quá muộn.

Dịch COVID-19 bùng phát ở Italy

Virus đã nhanh chóng lan tới châu Âu. Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại lớn về người. Ngày 12/3, hai nhà nghiên cứu Italy là Andrea Remuzzi và Giuseppe Remuzzi đã đúc rút những bài học từ trải nghiệm bi thảm của họ. Dịch vụ y tế Italy đơn giản là không thể chống đỡ nổi. Họ không có đủ giường bệnh cấp cứu để đối phó với quy mô lây nhiễm và hậu quả của nó.

Họ dự đoán rằng đến giữa tháng 4, hệ thống y tế của họ sẽ bị quá tải. Các bệnh nhân nhiễm trùng nặng có tỷ lệ tử vong cao. Một phần năm số nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, và một số người đã thiệt mạng.

Họ mô tả tình hình ở Italy như một thảm họa ngoài tầm kiểm soát. Họ viết: "Những cân nhắc này cũng có thể được áp dụng cho các quốc gia châu Âu khác có thể có số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh tương đương và những nhu cầu tương tự liên quan tới các ca nhập viện chăm sóc tích cực."

Tuy nhiên, Anh vẫn tiếp tục chiến lược khuyến khích dịch bệnh với mục tiêu "miễn dịch cộng đồng."


Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở London, ngày 17/3. (Ảnh: AFP)

Đã có một sai sót trầm trọng nào đó trong cách Anh đối phó với COVID-19. Chris Whitty, trưởng cố vấn y tế Anh, hay Patrick Vallance đều là những người rất đáng được tôn trọng. Đứng sau hỗ trợ cho họ là những nhà nghiên cứu tài năng nhất trên thế giới.

Nhưng bằng cách nào đó, các chính trị gia và có lẽ cả các chuyên gia chính phủ Anh đều đã mắc phải một sai lầm tai hại trong việc nhận ra những tín hiệu mà các nhà khoa học Trung Quốc và Italy đã gửi đi.

Anh có cơ hội và thời gian để học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác. Vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, nước này đã bỏ lỡ những tín hiệu đó. Anh đã bỏ lỡ cơ hội.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tỏ ra tuyệt vọng. Ông từng bị chỉ trích vì không tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp quốc tế sớm hơn. Nhưng khi ông làm vậy và kêu gọi số tiền khiêm tốn là 675 triệu USD để giúp WHO chống lại đại dịch toàn cầu đang ngày một bùng phát mạnh mẽ, những lời kêu gọi của ông đã bị bỏ ngoài tai.

Đến lúc nào đó, hậu quả hẳn sẽ đến. Anh giờ đây đang có những hành động đúng đắn để đánh bại đại dịch mới này. Nhưng họ đã đánh mất thời gian quý báu. Sẽ có những cái chết mà lẽ ra đã có thể ngăn chặn. Hệ thống đã thất bại mà không rõ vì sao.

Nhưng, khi đã ngăn chặn được dịch bệnh này, khi cuộc sống trở lại gần như bình thường, những câu hỏi khó khăn sẽ phải được đặt ra, và phải được trả lời. Vì Anh không thể thất bại thêm một lần nữa - nước này có thể sẽ không còn cơ hội thứ hai.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bronwyn Halfpenny MP Vùng: Thomastown. Phone: 9401 2711
Xem thêm

Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/anh-khong-kip-thoi-ngan-chan-covid19-du-duoc-canh-bao-truoc/629392.vnp