Địa ốc: Tái cơ cấu khoản vay thế chấp nhà có thể sẽ khiến bạn bị tổn thất “cả một gia tài”

22:00' 15-05-2019
Gần 1/5 các chủ nhà đã sử dụng phần lớn số tiền vay được từ khoản vay thế chấp nhà của họ cho những mục đích cá nhân, nhưng điều này có thể sẽ đem lại những kết quả không như họ mong đợi, dữ liệu từ trang Finder cho thấy.

Photo: news.com.au
Nhiều chủ nhà đã chọn cách tái cơ cấu hoặc chuyển sang khoản vay với mức lãi suất khác, và 34% chủ nhà cho biết họ đã sử dụng số tiền vay được để nâng cấp nhà, trong khi 19% chủ nhà sử dụng số tiền đó để cho con đi học ở các trường tư thục.
Chuyên gia về nhà đất Steve Jovcevski thuộc website so sánh Mozo nói với News.com.au rằng, điều đáng lo ngại là nhiều người đã vay thế chấp nhà và sử dụng số tiền vay được để cho con đi học ở các trường danh giá, đặc biệt là trong khoảng thời gian giá nhà giảm.
“Nếu bạn không đủ khả năng để đóng nhiều tiền học phí thì tốt nhất là bạn không nên cho con đi học ở các trường đó. Bạn cũng không nên tái cơ cấu khoản vay rồi lấy tiền vay được để đầu tư cho khoản chi đắt đỏ này. Nếu giá trị khoản vay của bạn tăng lên nhưng bạn không thể trả hết nợ trước khi nghỉ hưu thì bạn sẽ phải tiếp tục dùng tiền hưu bổng để trả cho tới khi nào hết nợ”, ông Jovcevski nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, lý do là vì giá nhà tăng vọt trong thời kỳ bùng nổ địa ốc, nhiều người Úc nhận thấy giá trị căn nhà của họ tăng thêm hàng chục ngàn đô la, do vậy họ tái cơ cấu khoản vay thế chấp nhà và dùng số tiền vay được để chi tiêu và sửa sang lại nhà.
“Giá nhà tăng tạo ra nhiều cám dỗ khó có thể khước từ. Nhưng khi thị trường địa ốc bị suy thoái thì các chủ nhà sẽ gặp nhiều rắc rối”, ông Jovcevski nói.
Dữ liệu của trang Finder chỉ ra rằng, nhiều chủ nhà đã “lún sâu” vào việc sử dụng số tiền vay được để trang trải cho các khoản chi tiêu trong gia đình hoặc hợp nhất các khoản nợ từ thẻ tín dụng hoặc các khoản vay cá nhân.
Bà Kate Browne, chuyên gia tài chính cá nhân thuộc Finder, nói rằng việc tái cơ cấu hoặc chuyển sang khoản vay với mức lãi suất khác là điều “ngày càng hấp dẫn”, nhưng các chủ nhà cần phải thận trọng.
“Đây là một chiến thuật phổ biến đối với những người muốn hợp nhất các khoản nợ - nhưng họ không nghĩ rằng khoản nợ mà họ phải thanh toán sẽ nhiều hơn sau 25 năm. Bạn dùng tiền vay được để mua một chiếc TV mới có giá $5,000 nhưng cuối cùng bạn sẽ bị tổn thất tới $7,600 trong suốt khoảng thời gian vay tiền”, bà Browne cho biết.
Theo bà Browne, vay thế chấp với giá trị cao hơn kéo theo hệ lụy là khoản tiền trả nợ nhiều hơn, cũng như thời gian trả nợ kéo dài hơn.
Bà cho rằng, sẽ có những vấn đề nghiêm trọng xảy ra nếu các chủ nhà vay quá nhiều tiền để cho con đi học theo hệ tư thục và sử dụng nhà để thế chấp.
“Cha mẹ luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, vì lẽ đó nên họ gửi con vào các trường tư thục. Nhưng điều đáng quan ngại là một số phụ huynh đã chi tiêu nhiều hơn khả năng của họ và mạo hiểm thế chấp nhà cho một điều mà đáng ra không tốn kém nhiều như vậy”, bà giải thích.
Về vấn đề này, ông Jovcevski cho rằng “Mọi người nên trích lập các khoản tiền dự phòng, nhưng họ lại muốn chi tiêu vượt quá khả năng của họ. Chúng tôi đang chứng kiến những chuyện tương tự xảy ra ngày càng nhiều hơn, và nhiều người đang thế chấp nhà để lấy tiền đáp ứng cho lối sống của họ”.
Trước đó, một nghiên cứu về việc chi tiêu và tiết kiệm một cách khoa học của ngân hàng UBank cho thấy 35% người Úc đang trông chờ đến khi lãnh lương hết tháng này qua tháng khác.
Bà Stephanie Chia, đến từ Melbourne, đã điều chỉnh khoản vay thế chấp nhà của bà ở mức $25,000 cách đây hai năm để có đủ tiền mua xe hơi mới. Người phụ nữ này nói với News.com.au rằng mặc dù bà biết mình sẽ phải trả nợ nhiều hơn nhưng bà cần có một chiếc xe hơi. “Có người đã khuyên tôi nên tái cơ cấu khoản vay thế chấp nhà để có thêm tiền. Bây giờ tôi mới hiểu là mình không nên làm vậy – Tôi nên tránh sử dụng tiền từ thẻ tín dụng”, bà chia sẻ.
Tổng giám đốc mảng tín dụng của công ty REA, bà Eloise Wall, nói rằng dữ liệu của Finder chỉ rõ cứ năm người Úc thì có tới bốn người “không phải là nhẹ dạ” mà họ chọn cách tái cơ cấu khoản vay chỉ vì họ muốn nhanh chóng có tiền để thỏa mãn các nhu cầu của họ.
Một cô gái tên là Silky Shah, cư ngụ ở vùng Pendle Hill, thuộc thành phố Sydney, đã tái cơ cấu khoản vay thế chấp nhà của cô hồi năm ngoái để vay thêm $20,000, nhằm giải quyết một vấn đề khẩn cấp của gia đình cô ở Ấn Độ.
“Ba chồng tôi kinh doanh thua lỗ và không có đủ tiền để trang trải các chi phí. Điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe của ông ấy cho nên chúng tôi quyết định gửi về quê nhà nhiều tiền hơn. Chúng tôi chẳng có bất cứ khoản tiết kiệm nào khác, thực ra chúng tôi cũng không muốn vướng vào thêm bất cứ khoản nợ nần nào”, cô kể.
Ông Jovcevski nhận định giá nhà giảm gây ra “rủi ro lớn” cho những người vay tiền nhiều hơn. Sự sụt giảm giá trị của căn nhà bị đem ra thế chấp sẽ đẩy những người vay tiền vào tình thế phải trả tiền bảo hiểm thế chấp đối với bên cho vay (LMI).
LMI là khoản tiền phải trả khi người vay chỉ trả trước khoản tiền đặt cọc dưới 20% giá trị của căn nhà, và khoản tiền này có thể lên đến hàng chục ngàn đô la, và thậm chí sẽ còn nhiều hơn nếu giá trị của căn nhà giảm.
“Trong một thị trường bị suy thoái, rủi ro lớn là bạn không thể tái cơ cấu khoản vay và bạn có thể sẽ phải trả nhiều tiền LMI hơn. Nó có thể sẽ khiến bạn bị tổn thất cả một gia tài”, ông Jovcevski nói.
Hong Dao - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)                                                         

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from news.com.au.