Di sản còn sót lại của Donald Trump về vấn đề Trung Đông
Theo hãng tin Reuters, tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 19/1, ứng viên cho chức Ngoại trưởng Mỹ của Tổng thống Biden, ông Antony Blinken đã ngầm phát tín hiệu việc đối đầu với Iran sẽ là trung tâm trong nghị sự Trung Đông của chính quyền mới.
Ứng viên Blinken cho biết Mỹ còn một “chặng đường dài” để tái gia nhập hiệp ước hạt nhân ký với Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Biden và đội ngũ của ông cho biết họ sẽ khôi phục quan hệ với người Palestine nối lại viện trợ và từ chối các hành động đơn phương, chẳng hạn như xây dựng các khu định cư của Israel trên vùng lãnh thổ này.
Tuy nhiên, ứng viên Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định Đại sứ quán Mỹ tại Israel sẽ vẫn duy trì ở Jerusalem, nơi mà chính quyền Tổng thống Trump công nhận là thủ đô của Israel.
Bốn thỏa thuận ngoại giao do cựu Tổng thống Trump làm trung gian giữa Israel và các quốc gia Arab cũng có khả năng sẽ tiếp tục duy trì do các thỏa thuận này có sự ủng hộ của lưỡng đảng và đem lại sự tái cơ cấu chiến lược của các nước Trung Đông khi đối phó với Iran.
Thách thức của tân Tổng thống Biden hiện nay sẽ là làm thế nào để đảo ngược chính sách thời Tổng thống Trump mà không bị cáo buộc là rút lui hoàn toàn khỏi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Michele Dunne, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại viện nghiên cứu quốc tế Carnegie Endowment có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Ông ấy sẽ tìm cách xây dựng một hình ảnh về sự công bằng và cân bằng. Việc các chính sách thời Tổng thống Biden khác biệt với thời cựu Tổng thống Trump là điều không còn nghi ngờ gì nữa, song câu hỏi được đặt ra ở đây là chúng sẽ khác biệt như thế nào so với chính sách thời cựu Tổng thống Barack Obama”.
Đồng minh thân cận Israel
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) cùng Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi (phải, hàng trên) thị sát vùng núi Bental trên Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, gần biên giới Syria ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Không thể phủ nhận một điều là cựu Tổng thống Trump đã có những bước đột phá về chính sách Trung Đông với đồng minh thân cận nhất của ông trong khu vực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Cùng với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khẳng định chủ quyền của nước này đối với Cao nguyên Golan, cựu Tổng thống Trump ủng hộ viêc Israel xây các khu định cư của ở Bờ Tây, vùng lãnh thổ tranh chấp với người Palestine.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp, ngân sách đầu tư của Israel vào các khu định cư ở Bờ Tây trong giai đoạn 2017-2019 đã tăng gần một nửa so với ba năm cuối năm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.
Một ngày trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Biden, Israel phê duyệt xây gần 800 nhà định cư mới ở Bờ Tây.
quan hệ của Mỹ và Palestine đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên sau khi cựu Tổng thống Trump cắt khoản viện trợ hàng năm trị giá 360 triệu USD cho UNRWA, cơ quan của Liên hợp quốc giải quyết người tị nạn Palestine, giảm các khoản viện trợ khác cho người Palestine và đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine ở thủ đô Washington D.C.
Tại phiên điều trần 19/1, ứng viên Ngoại trưởng Blinken khẳng định sẽ đưa quan hệ Mỹ và Palestine trở về chuẩn mực ngoại giao trước thời cựu Tổng thống Trump. Nhà chức trách nói: “Cách duy nhất để đảm bảo tương lai của Israel với tư cách là một nhà nước Do Thái dân chủ và trao cho người Palestine một nhà nước là thông qua cái gọi là giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, việc đó khó có thể thực hiện trong ngắn hạn”.
Tại Dải Gaza, Tổng ủy viên UNRWA Philippe Lazzarini bày tỏ sự lạc quan về những thay đổi trong chính quyền Mỹ mới. “Chúng tôi thực sự có những liên hệ không chính thức với chính quyền mới. Chúng tôi đã được đảm bảo với câu trả lời rằng họ có ý định nối lại quan hệ đối tác”, ông Philippe trả lời hãng tin Reuters.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3048604