Đảo nghỉ dưỡng từ nhựa tái chế
Đảo nhân tạo có tên gọi Recycled Ocean Plastic Resort (Khu nghỉ dưỡng Nhựa Đại dương tái chế), dự kiến mở cửa đón du khách từ 2025. Khu nghỉ dưỡng đảo nổi này nằm ở bờ biển xa xôi hẻo lánh thuộc quần đảo Cocos của Australia. Dự án ra đời dựa trên ý tưởng sử dụng giảm thiểu lượng rác thải nhựa trôi nổi trên biển của tiến sĩ, kiến trúc sư đến từ Anh, Margot Krasojevic.
Một khi đảo nổi được hình thành, nó sẽ trở thành một điểm đến cắm trại trước khi xây dựng thành khách sạn. Theo dự kiến, khách sạn trên khu đảo nổi này sẽ có một loạt các dãy phòng với mái che, vòi hoa sen. Nước dùng để phục vụ du khách tắm là nước biển đã qua lọc.
Các lối đi bằng gỗ được neo chặt với đáy biển sẽ là phần trung tâm. Sau đó chai nhựa, lốp xe sẽ được dồn vào trong các bao đặt xung quanh phần trung tâm này và các kiến trúc sư phủ lên đó một lớp bê tông gồm cát và phù sa được bơm lên từ đáy biển. Điều này sẽ tạo ra thêm nhiều lối đi hơn và hòn đảo ngày càng mở rộng.
Kiến trúc sư Krasojevic giải thích rằng bước đầu tiên trong việc tạo ra hòn đảo sẽ là đảm bảo có ba lối đi, có gắn các thiết bị nổi. Chúng được gắn với đáy đại dương bằng cách sử dụng cấu trúc "giàn chân căng", tương tự cấu trúc được sử dụng để xây các giàn khoan dầu.
Đóng vai trò như một giàn giáo cho hòn đảo là một cánh đồng rừng ngập mặn sẽ được trồng, với các "xúc tu" thấm nước làm từ cao su tổng hợp, giúp hòn đảo không bị lật hay chuyển hướng do sóng. Krasojevic giải thích rằng rừng ngập mặn được sử dụng như một biện phòng chống lũ lụt hiệu quả. Còn các xúc tu hoạt động giống như bè cứu hộ, tạo ra một rào cản nhân tạo cản trầm tích và ngăn nước lũ ảnh hưởng tới hòn đảo.
Article sourced from vnexpress.net.