Danh sách 5 biến thể Covid-19 đáng lo ngại của WHO
Omicron - biến thể mới nhất của Covid-19, cũng là biến chủng được xếp vào danh sách "lo ngại" nhanh nhất bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO bởi tốc độ lây lan rất nhanh tại Nam Phi và lượng đột biến nhiều bất thường mà nó sở hữu. Sự xuất hiện của Omicron đã ngay lập tức khiến nhiều quốc gia phải hành động, ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế di chuyển, đồng thời buộc các nhà sản xuất vaccine phải gấp rút tiến hành nghiên cứu.
Biến thể Omicron kể từ khi xuất hiện vẫn đang khiến thế giới cực kỳ lo ngại
Trên thực tế, hiện tại trong danh sách "gây lo ngại" của WHO có đến 4 biến thể khác bên cạnh Omicron là Alpha, Beta, Gamma, và Delta. Dù được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn Delta - biến thể chiếm ưu thế trên toàn cầu hiện nay, nhưng để Omicron chiếm được vị thế ấy vẫn còn một quãng đường dài.
Omicron - mối lo của thế giới
Mẫu bệnh phẩm đầu tiên của biến thể Omicron - hay B.1.1.529 được báo cáo cho WHO vào ngày 9/11/2021, sau một đợt dịch bùng phát ở Nam Phi.
"Biến thể mới dường như lây lan rất nhanh," - Tulio de Oliveira, giám đốc Trung tâm đổi mới và Ứng phó dịch tễ Nam Phi nhận xét. Các bằng chứng giải mã gene cho thấy Omicron sở hữu một lượng đột biến nhiều bất thường trong các gai protein - cấu trúc trên bề mặt của virus, dùng để xâm nhập vào tế bào khi lây nhiễm.
Đáng chú ý, có một số đột biến từng được ghi nhận ở các biến chủng khác về khả năng khiến virus trở nên nguy hiểm hơn, như E484A - làm tăng khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch. Ngoài ra là N501Y - xuất hiện trong Alpha và Gamma, làm tăng khả năng lây nhiễm.
Biến thể Omicron có chứa nhiều đột biến được cho là khiến nó nguy hiểm hơn
Trong tuần qua, chuyên gia Scott Weaver từ ĐH Y Texas công bố báo cáo về việc Omicron có chứa đột biến khiến nó nhân bản nhanh hơn ngay trong mũi và miệng, qua đó dễ dàng lây lan khi vật chủ hít thở, ho hoặc hắt hơi.
Giống như Delta, biến thể Omicron cũng sở hữu đột biến D614G, cho phép nó bám vào tế bào dễ dàng hơn.
"Lượng đột biến nhiều hơn không đồng nghĩa với việc biến thể đó sẽ gây rắc rối, nhưng sẽ làm tăng khả năng khiến nó trở nên khác biệt với hệ miễn dịch," - Tiến sĩ Peter English, cựu chủ tịch của Ủy ban Y tế cộng đồng thuộc Hiệp hội Y khoa Anh Quốc cho hay.
Điều khiến các chuyên gia lo ngại nhất là số lượng đột biến nhiều bất thường của Omicron trên các gai protein - thứ khiến nó được gọi là "siêu biến thể". Bởi lẽ, đa số các loại vaccine hàng đầu hiện nay như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson hay AstraZeneca đều tập trung vào gai protein.
Nghĩa là nếu gai protein thay đổi, khả năng nhận biết của vaccine sẽ gặp rắc rối. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này. Các nhà nghiên cứu sẽ phải chờ đợi, xem Omicron phản ứng ra sao so với các biến chủng khác.
Một mối lo khác liên quan đến việc các đột biến của Omicron sẽ khiến cho biến thể này kháng được các phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, WHO cho rằng biến thể mới sẽ khó gây ảnh hưởng đến các liệu pháp khác, như thuốc kháng virus và dexamethasone.
Nhiều chuyên gia nhận định chưa cần thiết phải quá lo sợ vì biến thể mới Omicron, vì chưa có bằng chứng nào cho thấy nó sẽ nguy hiểm
Tính đến thời điểm hiện tại, Omicron đã được xác nhận tại 17 quốc gia, bao gồm Nam Phi và Botswana, và ở các hành khách trở về từ châu Phi tại Bỉ, Hà Lan, Úc, Canada, Anh, Ý, Israel, Áo...
Vẫn còn quá sớm để khẳng định Omicron gây ra các ca bệnh nặng hơn. 1 bác sĩ tại Nam Phi thậm chí còn cho biết những ca bệnh bà xử lý đều chỉ có triệu chứng nhẹ. "Ca nặng nhất là mệt mỏi trong 1 - 2 ngày, kèm các triệu chứng đau đầu và đau cơ," - trích lời tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi.
Dù vậy, các bác sĩ đều đồng ý rằng vaccine vẫn sẽ bảo vệ tốt trước Omicron, khi tỉ lệ tiêm chủng tại Nam Phi mới chỉ là dưới 24% dân số. Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa khác được cho là sẽ vẫn hiệu quả - bao gồm khẩu trang, giữ vệ sinh, giãn cách xã hội và thông khí tốt.
Trong khi vẫn theo dõi sát sao, nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá lo ngại về Omicron. "Tôi nghĩ chúng ta không cần phải hoảng loạn," - Robert Garry, giáo sư dịch tễ từ ĐH Y Tulane nhận xét.
"Cũng chẳng phải trời sập hay gì," - Tiến sĩ Peter Hotez từ Trường Y Nhiệt đới Baylor đồng tình. "Chúng ta vẫn chưa biết biến thể Omicron có gây bệnh nặng hơn các biến chủng khác mà."
Delta - Biến thể thống trị toàn cầu
Biến thể Delta (B.1.617.2) hiện vẫn đang là chủng chiếm ưu thế trên gần như toàn thế giới. Tại Mỹ, 99,9% các ca nhiễm là do Delta - theo số liệu từ CDC. Với khả năng lây lan mạnh, nó nhanh chóng lấy được vị thế dẫn đầu từ Alpha (B.1.1.7) tại hầu hết các quốc gia.
Delta có nhiều đột biến ở gai protein, cho khả năng né tránh hệ miễn dịch. Nghĩa là một người từng nhiễm bệnh hoàn toàn có thể tái nhiễm lần nữa.
Alpha
Biến thể Alpha (B.1.1.7) được đưa vào danh sách "gây lo ngại" từ cuối tháng 12/2020, và khiến giới chức y tế toàn cầu cảm thấy nghẹt thở. Nó càn quét qua nước Anh rất nhanh, rồi lan ra toàn thế giới và trở thành chủng ưu thế tại Mỹ.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, CDC đã hạ cấp Alpha xuống chỉ còn là "biến thể cần theo dõi", vì Delta đang quá mạnh.
Khả năng lây nhiễm của Alpha được cho là nhanh hơn 50% so với chủng gốc. Nó có 23 đột biến, bao gồm N501Y làm tăng khả năng lây nhiễm.
Beta
Là biến thể xuất hiện lần đầu tại Nam Phi, Beta (B.1.351) có cả 2 đột biến N501Y (đột biến dễ lây lan) và E484K (đột biến dễ tránh miễn dịch). Khả năng lây nhiễm của Beta được đánh giá là nhanh hơn nhiều biến thể khác tới 50%. Xét nghiệm máu và dữ liệu thực tế cho thấy người tiêm vaccine và F0 khỏi bệnh từ các biến chủng khác có thể tái nhiễm. Tuy nhiên, vaccine vẫn có thể bảo vệ ở nhiều mức độ, nên tiêm chủng vẫn là cần thiết.
Beta sau này bị Delta lật đổ ở Nam Phi, và chưa bao giờ đạt được quá nhiều ảnh hưởng tại Mỹ dù vẫn được xem là biến chủng "gây lo ngại" ở quốc gia này.
Gamma
Biến thể Gamma (P.1) được phát hiện ở Brazil, nhưng chưa bao giờ gây ảnh hưởng được đến những nơi khác. Dẫu vậy, nó vẫn được xem là biến thể cần theo dõi bởi CDC.
Gamma sở hữu cả 2 đột biến E484K và N501Y, cùng hơn 30 đột biến khác. Nó né tránh được phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng, đồng thời phần nào kháng được miễn dịch từ vaccine hoặc nhiễm bệnh tự nhiên.
Một số biến thể đáng lưu tâm khác
Dưới đây là một số biến thể được WHO và CDC đưa vào danh sách cần lưu tâm.
Lambda: Lambda (C.37) được WHO đưa vào danh sách "đáng lưu tâm" từ tháng 6. CDC không đề cập đến biến thể này.
Mu: Biến thể B.1.621 từng gây lo sợ khi WHO đưa nó vào danh sách đáng lưu tâm hồi tháng 8. Mu cũng nằm trong danh sách "cần theo dõi" của CDC.
Những biến thể trong danh sách "đáng lưu tâm" của CDC
Epsilon: Gồm 2 biến thể B.1.427 và B.1.429, thường bị lẫn lộn với nhau và được gọi chung là Epsilon. Nó xuất hiện lần đầu tại California, có chung đột biến L452R với Delta, nhưng không thể lật đổ được Delta.
Iota: Lần đầu xuất hiện ở New York, biến thể B.1.526 từng có thời điểm lây lan rất nhanh, nhưng rồi cũng biến mất trước Delta. Biến thể này sở hữu đột biến mang tên 484, cho phép nó dễ lây lan hơn.
Eta: Lần đầu xuất hiện ở Anh và Nigeria, B.1.526 có đột biến E484K, hiện tại về cơ bản đã biến mất.
Zeta: Lây lan tại Brazil từ cuối năm 2012, B.1.525 chứa đột biến E484K nhưng không lây lan ra quá rộng. Hiện tại đã biến mất tại nước Mỹ.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: https://kenh14.vn/co-toi-5-bien-the-trong-danh-sach-gay-lo-ngai-cua-who-dieu-gi-khien-omicron-tro-nen-khac-biet-202111301730088.chn