Đàm phán giữa các phe phái tại Sudan kết thúc mà không đạt đột phá
Người biểu tình tại thủ đô Khartoum, Sudan hôm 19/5 (Nguồn: AFP)
Sáng 21/5, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC) thông báo, các cuộc đàm phán giữa hội đồng này và liên minh biểu tình cùng các nhóm đối lập đã kết thúc ngày làm việc thứ 2 mà không đạt được đột phá.
TMC cho biết các cuộc đàm phán bắt đầu từ tối 20/5 và kéo dài tới sáng 21/5 nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp tháo gỡ bế tắc. Vấn đề gây tranh cãi nhất là bên nào sẽ kiểm soát hội đồng hỗn hợp quân sự - dân sự, có quyền hạn quyết định tối cao trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm trước khi các cuộc bầu cử được tổ chức để thành lập chính phủ mới. TMC khẳng định sẽ nỗ lực để đạt được một thỏa thuận cấp thiết, đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan.
Trước đó, cuộc đàm phán kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ đêm 19/5 đã không đạt bước đột phá nào, dù cả hai bên đều phát đi tín hiệu lạc quan về một thỏa thuận liên quan đến giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm.
Hiệp hội Nhà nghề Sudan (SPA), lực lượng đầu tiên phát động chiến dịch biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Omar al-Bashir, đã lên tiếng cáo buộc TMC cố tình chậm trễ trong đàm phán, đồng thời đe dọa sẽ mở rộng qui mô biểu tình để gia tăng sức ép đối với TMC. Trong khi đó, TMC cho rằng người biểu tình không tôn trọng nguyên tắc "giảm thiểu căng thẳng" trong quá trình diễn ra các cuộc đàm phán.
Hôm 16/5, TMC thông báo tạm ngừng trong 72 giờ các cuộc thương lượng với lực lượng biểu tình về việc thiết lập chính quyền dân sự tại nước này, sau khi xảy ra nhiều vụ bạo lực xung quanh hàng loạt địa điểm biểu tình ở Khartoum.
Quân đội Sudan hôm 11/4 đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir sau làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Tiếp đó, quân đội thành lập TMC để điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn. Lực lượng biểu tình yêu cầu tiến hành chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự.
Ngày 24/4 vừa qua, TMC và lực lượng biểu tình đã nhất trí về một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm trước khi tiến hành bầu cử. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất về thành phần trong một hội đồng nắm quyền lãnh đạo. TMC cho rằng hội đồng mới này phải do quân đội kiểm soát, trong khi lực lượng biểu tình yêu cầu thành phần dân sự phải chiếm đa số.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/sudan-dam-phan-be-tac-giua-hoi-dong-quan-su-va-phong-trao-bieu-tinh/570365.vnp