Đà trỗi dậy của châu Á có thể chững lại vì thảm họa khí hậu
Sau giai đoạn châu Âu cường thịnh vào thế kỷ 19 và Mỹ vườn tầm ảnh hưởng toàn cầu trong thế kỷ 20, sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ 21 ngày càng được nhắc đến nhiều và đây được coi là "thế kỷ châu Á".
Là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, châu Á đã vươn lên từ khu vực có thu nhập thấp lên mức trung bình trong vòng một thế hệ. Giới chuyên gia dự đoán đến năm 2040, châu Á có khả năng tạo ra hơn 50% GDP của thế giới và chiếm gần 40% tiêu dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, ngay khi "thế kỷ châu Á" vừa bắt đầu, nhân loại lại đối mặt thách thức chưa từng thấy từ biến đổi khí hậu. Những thảm họa do mực nước biển dâng cao và thời tiết cực đoan gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hòn đảo, thành phố ven biển và khu vực nhiệt đới tại châu Á. Nhiệt độ toàn cầu gia tăng còn đặt ra nguy cơ về an ninh lương thực, tuổi thọ và nền kinh tế các quốc gia.
Trong 20 năm qua, châu Á chứng kiến nhiều thảm họa khí hậu hơn so với thế kỷ trước, xu hướng mà các nhà khoa học cho biết có liên quan đến tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tỷ lệ này đã gia tăng nhanh chóng kể từ sau Thế chiến II, khi hoạt động kinh tế và công nghiệp bùng nổ. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, hơn 3.500 thảm họa tự nhiên được ghi nhận trên toàn cầu trong giai đoạn 2000 - 2009, gấp gần 5 lần so với 50 năm trước đây.
Trung Quốc là nước hứng chịu nhiều lũ lụt, bão, lở đất và hạn hán nhất, với gần 500 thảm họa kể từ năm 2000. Tiếp đó là Ấn Độ và Philippines, với lần lượt 333 và 290 lần gặp thiên tai.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết bão lũ là thảm họa gây thiệt hại tài chính nhiều nhất. Trung Quốc ước tính mất 47 tỷ USD vì lũ lụt vào năm 1998. Quảng Châu, trung tâm thương mại phía nam của Trung Quốc, có thể mất 13 triệu USD mỗi năm cho đến 2050 nếu mực nước biển dâng 0,2 m. Đợt lũ năm 2011 khiến nền kinh tế Thái Lan thất thoát khoảng 44 tỷ USD, mức thiệt hại vì thiên tai lớn nhất thập kỷ qua.
Cảnh sát hỗ trợ người mắc kẹt vì bão Vamco ở ngoại ô Manila, Philippines, hồi tháng 11/2020. Ảnh: AFP.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo ngành thủy sản trong khu vực sẽ chịu tác động nặng nề do nhiệt độ tăng làm chết các rạn san hô, ước tính thiệt hại 57,98 tỷ USD tới năm 2050, ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng gây hại cho sức khỏe con người, khi các đợt sóng nhiệt kéo dài khiến nhiều người tử vong hơn, gây hạn hán khiến nguồn cung thực phẩm giảm. Thiên tai còn tạo điều kiện gia tăng các bệnh như tiêu chảy và phát triển ấu trùng muỗi mang ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 150.000 trường hợp tử vong hàng năm là do biến đổi khí hậu, đồng thời dự báo con số này sẽ tăng thêm 250.000 mỗi năm trong giai đoạn 2030-2050.
Theo kịch bản này, riêng châu Á dự kiến ghi nhận thêm hơn 64.000 người chết vì say nắng, thiếu dinh dưỡng, sốt rét, sốt xuất huyết và tiêu chảy vào năm 2030. Các nước đang phát triển chiếm hầu hết trường hợp tử vong liên quan đến thảm họa tự nhiên, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho hay.
Các thành phố tại châu Á còn đối mặt nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc dự đoán các đợt gió mùa tại châu Á sẽ trở nên mạnh và kéo dài hơn. Không khí nóng lên làm bốc hơi nước từ các đại dương nhiều hơn, sau đó gây mưa trên đất liền.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 13 thành phố cảng lớn tại châu Á nằm trong số 20 đô thị đối mặt thiệt hại hàng năm lớn nhất do lũ lụt.
Mối đe dọa thậm chí nghiêm trọng hơn khi kết hợp với tình trạng mực nước biển ngày càng cao, dự kiến dâng thêm 0,28 đến 0,55 m. Những thủ đô và thành phố lớn nằm bên hoặc gần bờ biển, như Bangkok và Manila, có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này.
Các thành phố tại những nước đang phát triển ở châu Á dễ bị tổn thương hơn so với nơi hiện đại như Amsterdam. Dù có 83 tỷ USD tài sản đối mặt nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ lụt, thủ đô của Hà Lan lại sở hữu hệ thống thủy lợi tốt nhất thế giới, theo một nghiên cứu của OECD tại 136 thành phố lớn ven biển. Trong khi đó, ngay cả trận lụt nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nặng nề với những đô thị châu Á vốn có hệ thống tiêu thoát nước kém.
Biến đổi khí hậu cũng đi kèm lo ngại về nguồn thực phẩm. Tình trạng nóng lên toàn cầu đe dọa trực tiếp ngành nông nghiệp, lĩnh vực quan trọng đối với các nước đang phát triển tại châu Á. Năng suất cây trồng giảm sẽ tác động nghiêm trọng đến Đông Nam Á, nơi nông nghiệp chiếm tới 10,3% GDP.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, gạo là nỗi lo chính về lương thực tại châu lục vốn có tới 265 triệu người phải vật lộn để đủ ăn.
Trong cuộc khảo sát năm ngoái của Viện ISEAS - Yusof Ishak tại Singapore, hơn 72% người dân Đông Nam Á tham gia trả lời tin rằng biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực. Khu vực sản xuất 31% lượng gạo của thế giới được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Ngân hàng ADB ước tính vào cuối thế kỷ này, sản lượng gạo sẽ giảm 50% so với mức năm 1990 tại các nước sản xuất gạo hàng đầu như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Nếu hạn hán kéo dài xảy ra, nông dân khu vực Nam Á cũng có thể phải chứng kiến sản lượng gạo giảm 8% vào giữa thế kỷ. Sản lượng ngô được dự báo giảm 16% và cao lương giảm 11% trong cùng kỳ.
Trước hàng loạt thách thức to lớn, kết quả hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 đang diễn ra ở Glasgow, Scotland, được cho là vô cùng quan trọng đối với châu Á. Hội nghị dự kiến kéo dài hai tuần, kết thúc vào ngày 12/11.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thay vì trông chờ vào các cuộc đàm phán, châu Á vẫn có nhiều cơ hội để quản lý các nguy cơ và thách thức từ biến đổi khí hậu.
"Nhiều nơi tại châu Á đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và khu đô thị, giúp khu vực có cơ hội đảm bảo các công trình mới có thể chống chịu tốt hơn với thiên tai", báo cáo về khí hậu của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company tháng 11/2020 có đoạn. "Các nền kinh tế hàng đầu khu vực, như Trung Quốc và Nhật Bản, cũng đang dẫn đầu thế giới về công nghệ năng lượng sạch, vốn rất cần thiết để thích ứng và giảm nhẹ tác động từ biến đổi khí hậu".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tham-hoa-khi-hau-co-the-ngan-chau-a-troi-day-4380155.html