Cuộc đời lẫy lừng của Napoleon
Trailer "Napoleon" (tên Việt: Đế chế Napoleon), công chiếu trong nước ngày 1/12. Dù được đánh giá cao về mặt kỹ thuật, tác phẩm chỉ thu gần 1,7 tỷ đồng sau hai tuần ra mắt, theo thống kê của Box Office Vietnam.
Tác phẩm Ridley Scott đạo diễn, David Scarpa biên kịch, lấy bối cảnh cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19. Nội dung xoay quanh cuộc đời Napoleon Bonaparte (Joaquin Phoenix thủ vai) khi còn là sĩ quan pháo binh đến lúc qua đời.
Mở đầu là phân đoạn Nữ hoàng Marie Antoinette bị hành quyết trong thời kỳ Cách mạng Pháp, năm 1793. Lúc này, Napoleon đang tìm đường thăng tiến trong quân đội. Sau chiến thắng ở trận Toulon - cột mốc khởi đầu cho sự nghiệp của Napoleon, ông gặp gỡ và yêu góa phụ Joséphine de Beauharnais (Vanessa Kirby).
Tác phẩm không bám sát các sự kiện lịch sử, mà chọn cách hư cấu một số chi tiết nhằm làm nổi bật cuộc đời nhân vật chính. Theo ScreenRant, đạo diễn mong muốn tạo ra tình tiết phù hợp với tính cách của Napoleon. Phần lớn các cảnh phim mang tông màu lạnh, bối cảnh mùa thu, sương mù và tuyết phủ. Điều này thể hiện thời tiết khắc nghiệt trên chiến trường, đồng thời diễn tả nỗi cô độc của Napoleon khi chiến đấu.
Kịch bản được kể theo lối tuyến tính, miêu tả trực quan một số trận đánh ở Toulon, Ai Cập, Borodino, Waterloo hay Austerlitz với nhiều cảnh máu me, bạo lực, phô bày hiện thực chiến tranh. Được giao trọng trách lãnh đạo các cuộc chiến, Napoleon luôn tìm kiếm lợi thế, nghĩ ra mọi cách để chiến thắng, từ đó giành lấy ngai vàng.
Trong một số đoạn, đạo diễn Ridley Scott thêm vài tình huống như Napoleon chứng kiến vụ chặt đầu Marie Antoinette, ra lệnh nã pháo vào Đại kim tự tháp Giza (Ai Cập). Những sự việc này hoàn toàn không có trong lịch sử.
Tạo hình của tài tử Joaquin Phoenix trong phim "Napoleon". Ảnh: Sony Pictures Entertainment
Tác phẩm cho thấy sự phát triển tình cảm giữa Napoleon và Joséphine. Theo IGN, Ridley Scott lướt qua các cột mốc quan trọng trong sự nghiệp, nhưng nhịp phim chậm lại mỗi lần chuyển cảnh sang trường đoạn mô tả tình yêu. Nhà làm phim đưa ra nhiều chi tiết cho thấy sự đối lập của nhân vật.
Điển hình ở trường đoạn tài tử Joaquin Phoenix (vai Napoleon) đọc những bức thư tình, giọng của Joaquin toát lên sự dịu dàng, ấm áp, trái ngược với tiếng hét đanh thép khi ra trận. Trên chiến trường, Napoleon là người mạnh mẽ, quyết đoán. Nhưng khi nghe Joséphine ngoại tình, ông đau khổ, tức giận, tha thiết muốn ở gần vợ. Một trong những phân đoạn thể hiện sự khuất phục trước tình yêu của Napoleon là lúc nhân vật nói: "Anh sẽ chẳng là gì nếu không có em".
Diễn viên chính Joaquin Phoenix và Vanessa Kirby là điểm nhấn của tác phẩm. Trong vai Napoleon, Joaquin cho thấy sự am hiểu tâm lý nhân vật từ lời nói, ánh mắt cho đến hành động. Từ đó, nhân vật toát lên thần thái uy nghiêm của một vị tướng, nhưng yếu đuối trong tình yêu. Với Vanessa Kirby, minh tinh hóa thân thành nàng thơ của nhà lãnh đạo khét tiếng, thể hiện sự quyến rũ, phóng khoáng qua trang phục và cử chỉ.
Cả hai ăn ý ở nhiều phân đoạn tình cảm. Điển hình cảnh đối thoại của Napoleon và Joséphine, nhà làm phim không dùng âm nhạc để dẫn dắt khán giả mà tập trung vào cảm xúc hai người. Điều này cho thấy sự khéo léo của Ridley Scott, cố gắng khai thác chiều sâu qua giọng nói nhân vật. Do tác phẩm chủ yếu xoay quanh mối tình của Napoleon, dàn diễn viên phụ thiếu đất diễn, dù có nhiều tên tuổi nổi bật như Tahar Rahim, Mark Bonnar hay Ben Miles.
Trang phục và bối cảnh cho thấy sự đầu tư của nhà sản xuất. Trên CultMLT, nhà thiết kế Janty Yates - từng đoạt giải Oscar - cho biết êkíp mất vài tháng nghiên cứu cho dự án, huy động hàng chục người để may trang phục. Ở trường đoạn Napoleon lên ngôi hoàng đế, nhóm của Yates cố gắng tái hiện sự kiện chân thật nhất có thể, sao cho giống với bức tranh Le Sacre de Napoleon (Lễ đăng quang của Napoleon) của danh họa Jacques-Louis David.
Ở vài đại cảnh, đoàn phim huy động 300 diễn viên, 100 con ngựa và 11 camera. Êkíp phối hợp chặt chẽ để truyền tải sự hỗn loạn, bầu không khí căng thẳng của chiến tranh. Theo Variety, đội ngũ dành năm ngày để ghi hình trận Waterloo, mô phỏng cách quân đội Anh xếp thành hình vuông để chống lại lính Pháp. Họ cũng nghiên cứu sự khác biệt giữa cách lính Pháp và Anh lắp lưỡi lê vào các khẩu súng, nhằm mô tả một cách chính xác.
Hậu trường phim "Napoleon". Dự án từng mang tên "Kitbag" - lấy cảm hứng từ thành ngữ: "There is a general’s staff hidden in every soldier's kitbag" (Chiến lược của bậc tướng quân nằm trong túi hành quân của binh sĩ). Trong lịch sử, Napoleon Bonaparte (1769-1821) là chiến lược gia tài ba, lãnh đạo quân đội Pháp thống nhất gần hết châu Âu, trước khi thất bại trong trận Waterloo. Video: Sony Pictures Entertainment
Tác phẩm nhận về ý kiến trái chiều từ khán giả. Trên VnExpress, độc giả Bùi Thu Hiền nhận xét: "Trước khi xem tôi kỳ vọng phim phân tích đào sâu nhiều hơn về một vài trận đánh của Napoleon, đặc biệt là Waterloo, tuy nhiên lại dành thời lượng hơi nhiều cho tình yêu của ông ấy. Đó là một phần con người ông nhưng vẫn có chút hụt hẫng".
Cây bút Peter Bradshaw của trang Guardian chấm phim 5/5 sao, đánh giá: "Ridley Scott tạo ra một bộ phim cực kỳ thú vị về đội kỵ binh với thời lượng hai tiếng rưỡi". Tờ Los Angeles Times cho rằng tác phẩm thành công khi thuật lại mối quan hệ giữa Napoleon và Joséphine.
Theo Le Point, nhiều nhà sử học chỉ ra tình tiết sai lệch lịch sử, cho rằng Ridley Scott xúc phạm Napoleon, biến nhân vật thành người tầm thường, ngu ngốc và lố bịch. Trong buổi họp báo hồi cuối tháng 11, Ridley Scott nói phim của ông không cần chính xác về mặt lịch sử, do điện ảnh là nghệ thuật, giúp khám phá nhiều góc nhìn về chủ đề lẫn nhân vật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/napoleon-665