Cuộc chiến thuế quan đe dọa tham vọng công nghệ của Trung Quốc

18:01' 13-05-2019
Cuộc chiến thuế quan ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa tham vọng của Bắc Kinh muốn đưa Trung Quốc trở thành nước có ưu thế vượt trội về công nghệ toàn cầu.


Năm ngoái, Huawei đã chi 15 tỷ USD cho các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ. (Nguồn: Reuters)

Đây là nhận định của một số chuyên gia trong bối cảnh tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn đang bế tắc.

Mỹ là một khách hàng quan trọng và là nguồn công nghệ cho các hãng sản xuất điện tử, thiết bị y tế cũng như các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao khác của Trung Quốc. Các ngành công nghiệp này được Trung Quốc coi là trọng tâm của tương lai kinh tế đất nước.

Chính phủ Trung Quốc và các công ty đã chi hàng tỷ USD cho các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ. Điển hình như tập đoàn viễn thông Huawei, thương hiệu công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, đã chi 15 tỷ USD trong năm ngoái, hơn cả tập đoàn Apple Inc của Mỹ.

Tất cả những điều này đã giúp Trung Quốc nâng cao vị thế trong lĩnh vực viễn thông, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, đây lại là thách thức đối với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp của Mỹ và cũng là một phần nguyên nhân khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dai dẳng.

Bất chấp sản lượng xuất khẩu tới Mỹ sụt giảm, Bắc Kinh đã có thể duy trì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức ổn định trong quý 1 vừa qua nhờ việc chính phủ gia tăng chi tiêu và cho vay ngân hàng.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các hãng xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc đã hứng chịu một đợt giảm doanh thu lớn lên tới 40%, ăn vào lợi nhuận dùng để chi trả cho hoạt động nghiên cứu công nghệ.

Cuộc chiến thuế quan đang gây tổn hại tới các công ty Trung Quốc vốn phải hứng chịu những trở ngại ngày càng gia tăng tại Mỹ và châu Âu trong việc mua công nghệ của Trung Quốc thông qua sự liên doanh với các công ty nước ngoài.

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của IHS Markit - công ty cung cấp thông tin toàn cầu có trụ sở tại London (Anh), nhận định hiện Trung Quốc có thể phải chấp nhận đi trên "con đường chông gai hơn" với việc phát triển hơn nữa công nghệ của chính mình, ít được tiếp cận với các đối tác cũng như bí quyết của nước ngoài. Theo ông, "đây có thể là một con đường chậm hơn."

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Brian Coulton của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá, về bề ngoài, tác động của việc Mỹ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD hôm 10/5 "tương đối khiêm tốn."

Tuy nhiên, theo ông, nếu Tổng thống Trump thực hiện lời đe dọa của mình áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đó "sẽ là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc."

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tưởng chừng đang đi tới hồi kết đã bất ngờ trở lại vạch xuất phát khi hai bên không đạt được thỏa thuận trong vòng thương lượng mới nhất, mà Washington cho rằng nguyên nhân do Bắc Kinh không thực hiện các cam kết.

Các chuyên gia đều nhận định việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa thể chốt một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 8 tháng qua đang khiến cho nền kinh tế của hai nước gặp phải rủi ro lớn.

Không chỉ Trung Quốc chịu thiệt hại, giới phân tích cũng cho rằng tranh chấp thương mại có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Katie Hall MP Parliament of Victoria Vùng: Footscray. Phone: 9689 4283
Xem thêm

Katie Hall - ứng cử viên đảng Lao động mới cho vùng Footscray


Article sourced from VIETNAMPLUS.

Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/cuoc-chien-thuong-mai-thach-thuc-tham-vong-cong-nghe-cua-trung-quoc/568933.vnp