Covid-19 khiến người Mỹ phai nhạt niềm tin vào khoa học
Các tập đoàn dược phẩm Regeneron Pharmaceuticals và Eli Lilly hôm 7/10 cho biết thử nghiệm sơ bộ các loại kháng thể đơn dòng mà hai công ty phát triển cho kết quả tích cực, khi giúp làm giảm triệu chứng của bệnh nhân Covid-19. Hai công ty đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp các kháng thể này lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Thông tin tích cực đó lập tức bị cuốn vào vòng xoáy chính trị, khi Mỹ chỉ còn cách ngày bầu cử chưa đầy một tháng. Tổng thống Donald Trump liên tục phóng đại về hiệu quả của liệu pháp mới và gọi chúng là "thuốc chữa Covid-19" hay "phép màu từ Chúa".
"Tôi đang nói với các bạn rằng chúng ta đã có cách chữa trị, chứ không chỉ là liệu pháp điều trị. Chúng ta đã có thuốc chữa", Trump nói hôm 9/10. Ông cũng tuyên bố sẽ phê duyệt các kháng thể này, dù trách nhiệm xem xét đơn xin cấp phép dược phẩm thuộc thẩm quyền của các nhà khoa học chuyên nghiệp ở FDA.
Giới phân tích nhận định đây là một trường hợp điển hình của nước Mỹ năm 2020, khi tiến trình khoa học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính trị. Hậu quả là ngày càng nhiều người Mỹ mất niềm tin vào khoa học giữa đại dịch, khiến cuộc chiến chống Covid-19 của Mỹ càng thêm hỗn loạn và không hiệu quả.
Nhà Trắng đã nhiều lần can thiệp vào quyết định của các chuyên gia ở FDA, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), cùng nhiều cơ quan khoa học chính phủ khác. Nhiều nhà khoa học hàng đầu của Mỹ, bao gồm một số chuyên gia y tế cấp cao trong chính quyền, lo ngại về vấn đề này.
"Tôi chưa từng thấy điều gì tương tự thế. Nó giống như cái nồi áp suất", Athony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Athony Fauci (trái), giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, và Tổng thống Donald Trump tại họp báo Covid-19 ở Nhà Trắng hồi tháng 4. Ảnh: AFP.
Theo bình luận viên Joel Achenbach và Laurie McGinley của Washington Post, niềm tin của cộng đồng vào các cơ quan khoa học của chính phủ đã bị tổn hại nghiêm trọng do sự can thiệp của Nhà Trắng và chính những sai lầm của FDA.
Hồi đầu năm nay, cơ quan này cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với hydroxychloroquine, thuốc trị sốt rét mà Tổng thống Trump ca ngợi là cách chữa Covid-19, sau đó đảo ngược quyết định khi phát hiện thuốc có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Stephen Hahn, giám đốc FDA, đã phải xin lỗi sau khi vấp chỉ trích gay gắt hồi tháng 8 vì mô tả không chính xác lợi ích của huyết tương từ bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục.
Hàng triệu người Mỹ giờ đây bám víu vào các thuyết âm mưu khác nhau, như cho rằng đại dịch là mối đe dọa bị dàn dựng, trò lừa bịp của các nhà khoa học có động cơ chính trị và truyền thông. Hình thức phủ nhận khoa học này đã dẫn tới nhiều người từ chối đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội.
Trong khi đó, các nhà khoa học lo lắng việc chính trị hóa quy trình quản lý có thể làm ảnh hưởng tới quá trình triển khai vaccine.
"Nếu các chuyên gia y tế cộng đồng, tiến sĩ Fauci hay các bác sĩ nói với chúng tôi rằng nên dùng nó, tôi sẽ là người đầu tiên xếp hàng đợi tiêm. Chắc chắn là vậy", thượng nghị sĩ Kamala Harris, ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, nói trong cuộc tranh luận hôm 7/10. "Nhưng nếu là Tổng thống Trump nói nên dùng, tôi sẽ không tiêm nó".
Phó tổng thống Mike Pence sau đó chỉ trích bà Harris "vô lương tâm" khi "làm suy yếu niềm tin của cộng đồng vào vaccine". Ông thêm rằng "Hãy ngừng trò chơi chính trị với mạng sống của mọi người".
Lời chỉ trích của Phó tổng thống Pence khiến nhiều người ngạc nhiên, khi chính Tổng thống Trump là người luôn tuyên bố rằng vaccine Covid-19 sẽ có trước cuộc bầu cử tháng 11, dù nhiều nhà khoa học cho rằng điều này khó thành hiện thực.
Nhiều nhà khoa học cho rằng Tổng thống và các đồng minh của ông liên tục đưa ra các thông điệp mâu thuẫn với chính các chuyên gia trong chính quyền của ông. Kết quả là công chúng phải đón nhận các thông điệp hỗn loạn, khó hiểu, không nhất quán về phản ứng với đại dịch, đặc biệt là về vaccine.
Francis Collins, giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia, nói rằng sẽ là "thảm kịch" nếu người dân Mỹ quay lưng với loại vaccine an toàn và hiệu quả. Collins cũng lo lắng rằng kháng thể đơn dòng mang tính đột phá mà hai công ty Mỹ phát triển có thể bị "nhuốm màu" chính trị.
Fauci và Collins có cơ sở để lo ngại. Khảo sát cho thấy niềm tin của người Mỹ vào vaccine Covid-19 tiềm năng đã sụt giảm. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 9 chỉ ra chỉ 21% người Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine, giảm từ mức 42% hồi tháng 5.
Johnna Munsen, sinh viên 20 tuổi sống ở Los Angeles, nói rằng cô muốn có vaccine cho bản thân và bố mẹ đã ngoài 50 tuổi của mình. Nhưng việc Tổng thống Trump liên tục nói rằng sẽ có vaccine trước ngày bầu cử khiến cô lo ngại về độ an toàn của nó.
"Nếu nó cho ra mắt trùng ngày bầu cử, tôi không biết tôi có thể tin nó an toàn hay không", Munsen nói.
Quá trình phê duyệt vaccine nên được dựa trên những cuộc thảo luận và chuyên môn khoa học chất lượng cao nhất, cùng với đó là sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro, theo Aaron Kesselheim, giáo sư y khoa tại Đại học Y Harvard.
"Nhưng có nhiều lo ngại rằng quá trình uy tín này đang bị tổn hại do những bình luận bốc đồng của một ai đó chỉ nghĩ tới chính trị cá nhân", giáo sư Kesselheim nói.
Các chuyên gia khoa học đã cố gắng "trấn an" rằng mọi quá trình sẽ được thực hiện nghiêm ngặt và khuyến khích các nhà sản xuất vaccine tránh phát triển hay bán các sản phẩm không đảm bảo, nhưng nó không đủ để xua tan lo ngại, thậm chí với cả người từng tin tưởng nhất vào quá trình này. Sự ngờ vực đối với quốc hội, Phố Wall, ngành dược phẩm và truyền thông từ lâu được xem là "căn bệnh" ở Mỹ.
Thống đốc New York Andrew M. Cuomo, thành viên đảng Dân chủ, từng cho biết ông sẽ ủy nhiệm cho một hội đồng chuyên gia xem xét các quyết định về vaccine của FDA, nhằm củng cố niềm tin cho công chúng. Nhưng Eric Topol, giám đốc của Viện Nghiên cứu Scripps, cho rằng ý tưởng để các bang đánh giá quyết định của FDA là "nực cười".
Nhiều người Mỹ không đeo khẩu trang ở Miami Beach, bang Florida hồi tháng 6. Ảnh: AFP.
Cuộc khảo sát do Axios-Ipos thực hiện giữa tháng 9 cho thấy 40% người Mỹ hoặc không tin tưởng lắm vào FDA, hoặc cho rằng cơ quan này hoàn toàn không quan tâm tới lợi ích của họ.
Hệ quả của niềm tin sụt giảm "có thể rất nghiêm trọng", 7 cựu ủy viên FDA cảnh báo trong một bài viết trên Washington Post, nhằm kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump ngừng can thiệp vào quyết định của FDA.
Nhiều quan chức FDA cũng nhận ra họ đang đối mặt với thách thức lấy lại niềm tin của công chúng, đặc biệt khi vaccine có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch.
"Điều quan trọng nhất mà tôi nghĩ mình có thể làm trong những tháng tới là giúp tạo ra và lấy lại niềm tin vào vaccine", Peter Marks, quan chức FDA phụ trách về vaccine, nói. "Vaccine đã từng cứu sức khỏe cộng đồng trước đây. Chúng sẽ cứu nó lần nữa. Chúng ta phải tin tưởng vào chúng".
Tuy nhiên, Daniel Carpenter, giáo sư Đại học Harvard và là chuyên gia của FDA, cho rằng thật khó để cơ quan này có thể giành được niềm tin rộng rãi từ công chúng, trong bối cảnh áp lực chính trị lớn như hiện nay.
"Bạn có cuộc bầu cử chia rẽ sâu sắc, một tổng thống muốn sử dụng đòn bẩy của chính phủ để tạo lợi thế tranh cử cho mình và một đại dịch vẫn đang hoành hành", Capenter nói.
Fauci cho biết các nhà khoa học, như ông và Collins, cùng nhiều người khác trong cộng đồng khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình phê duyệt vaccine.
"Nếu bất kỳ ai cố tình dùng chính trị để gây rối loạn quá trình này, nó sẽ hiển hiện trước mặt mọi người. Và rồi bạn sẽ thấy có những tiếng phản đối vang lên", ông nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-my-nhat-phai-niem-tin-vao-khoa-hoc-giua-covid-19-4175478.html