Lý thuyết "thiên nga đen" cho rằng các sự kiện có tác động mạnh, khó lường luôn đóng vai trò lớn hơn chúng ta nghĩ. Nhiều năm trước năm 2020, các nhà khoa học đã lo ngại một căn bệnh truyền nhiễm đường hô hấp từ động vật có thể bắt nguồn từ châu Á và lây lan trên toàn cầu. Nhưng hầu như không ai lường trước được hậu quả.

Trước năm 2020, mô hình dự báo tinh vi nhất cho thấy một đại dịch tương tự cúm Tây Ban Nha năm 1918 có thể giết chết 71 triệu người trên toàn thế giới và làm giảm 5% GDP. Số người chết do Covid-19 có vẻ thấp hơn nhiều, nhưng ảnh hưởng đến GDP lại lớn hơn.

Theo dự báo của IMF vào tháng 6, đến cuối năm 2020, GDP thế giới có thể thấp hơn khoảng 8% so với khi không có đại dịch. Thay vì tăng 3%, GDP sẽ giảm khoảng 5% - lớn nhất kể từ sau Thế chiến Hai. Năm 2009, khủng hoảng tài chính chỉ khiến GDP toàn cầu mất 0,1%.

Father Duffy Square, nằm ở phía bắc của Times Square, New York, Mỹ vẫn đìu hiu những ngày đầu tháng 10. Ảnh: NYT.

Vào tháng 4, tỷ lệ người Mỹ tuổi 25 đến 54 có việc làm giảm xuống dưới 70%, lần đầu tiên trong gần 50 năm. Trong quý II, một phần sáu số người trẻ tuổi trên toàn thế giới bị mất việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết những người còn lại bị giảm gần một phần tư số giờ làm việc.

Vào tháng 6, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình sẽ giảm năm nay, lần đầu tiên trong ít nhất 60 năm. 89 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, tăng 15%. Ảnh hưởng của việc đóng cửa các trường học trong nhiều tháng có thể sẽ duy trì trong nhiều thập kỷ. Và phong tỏa gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần: hơn 10% người Mỹ cho biết đã nghĩ đến việc tự sát.

Sau khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, suốt một thời gian, các nhà khoa học nước Anh vẫn không kêu gọi phong tỏa vì cho rằng không khả thi về mặt chính trị. Tuy nhiên, cuối cùng, hầu hết các nước sẵn sàng phong tỏa gần như phần lớn nền tinh tế.

Ở nước giàu, Covid-19 dẫn đến sự can thiệp chưa từng có của chính phủ vào thị trường lao động và vốn. Trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hơn 40 triệu công nhân được đưa vào các chương trình nghỉ phép được chính phủ tài trợ. Mỹ tăng trợ cấp thất nghiệp nhiều đến mức vượt quá mức lương trả cho hơn 2/3 số người bị thất nghiệp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hỗ trợ thị trường nợ doanh nghiệp. Đức hỗ trợ bảo lãnh khoản vay cho các công ty trị giá gần ¼ GDP.

Không có điều gì ít tốn kém cả. Nợ công tăng vọt. Vào tháng 6, IMF dự báo tỷ lệ tổng nợ công trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng từ 105% vào năm 2019 lên 132% vào năm 2021. Gánh nặng gia tăng này thúc đẩy chủ nghĩa hoạt động tài chính mới.

Bảng cân đối các ngân hàng trung ương mở rộng do họ tạo ra hàng nghìn tỷ USD nhằm bù đắp nợ chính phủ, và Liên minh châu Âu đang cùng phát hành nợ với quy mô lớn lần đầu tiên để chi trả cho quỹ phục hồi. Các chính sách của thập kỷ trước, sau cuộc khủng hoảng tài chính, được coi là cấp tiến vào thời điểm đó nhưng hiện trở nên vô dụng khi so sánh.

Lúc đầu, việc đối phó được xem là tạm thời. "Những gì chúng ta đang cố gắng thực hiện là đóng băng nền kinh tế," Peter Hummelgaard, Bộ trưởng Lao động Đan Mạch, cho biết vào tháng 3. Kinh nghiệm cho thấy các nước giàu có thể phục hồi nhanh chóng sau thảm họa.

Sau khi cơn bão Katrina tàn phá New Orleans vào tháng 8/2005, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ khoảng 6% lên hơn 15%, nhưng nó giảm trở lại dưới 6% vào tháng 2/2006. Thực sự đây có vẻ như là cuộc suy thoái khó lường nhất được ghi nhận ở nhiều quốc gia, và sẽ là một trong những cuộc suy thoái ngắn nhất. Nạn thất nghiệp giảm gần đây ở Mỹ cho thấy điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng diễn ra trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, không giống như tình huống sau một cơn bão, không có việc lánh nạn sang những vùng kinh tế tốt hơn. Cũng giống như sau cuộc khủng hoảng tài chính, cuộc suy thoái này nổi bật về bề rộng cũng như bề dày. Và Covid-19 tiếp tục lan rộng. Khi phân tích này được viết, mức trung bình động trong 7 ngày của các ca nhiễm toàn cầu đã lên mức cao mới.

Mỹ và Australia trải qua hai đợt bùng phát virus. Pháp, Tây Ban Nha và Anh đang đối mặt làn sóng lần hai. Ấn Độ đang ở trong tình trạng lây nhiễm gia tăng. Và không ai biết Covid-19 có sức lây lan như thế nào ở nước nghèo hơn. Mặc dù hy vọng sẽ có vaccine vào năm 2021 là rất cao, vẫn không đảm bảo được cả tính an toàn lẫn hiệu quả. Các nền kinh tế có thể vẫn đang cố gắng giải quyết những hạn chế của giãn cách xã hội trong nhiều năm tới.

Nhiều thay đổi do Covid-19 gây ra ngày càng rõ là sẽ tồn tại lâu dài, tác động lên nền kinh tế thế giới, thúc đẩy những thay đổi trong thương mại, công nghệ, tài chính và chính sách kinh tế.

Trước đại dịch, thế giới có 3 "cú sốc" kinh tế lớn nhất trong thế kỷ 21: sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống thương mại thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính và sự gia tăng của nền kinh tế kỹ thuật số.

Khi công nhân Trung Quốc thoát ly đói nghèo ở vùng nông thôn để đến làm ở các nhà máy, hàng hóa giá rẻ đổ về phương Tây và dòng vốn lại chảy về phương Đông. Điều này tạo nên lạm phát thấp, lãi suất thấp và mất việc làm trong ngành sản xuất ở nước giàu.

Cuộc khủng hoảng tài chính gây suy giảm nhu cầu khiến lãi suất tiếp tục giảm ngay cả khi toàn cầu hóa bị đình trệ. Sự gia tăng công nghệ góp phần làm giảm cạnh tranh, lợi nhuận doanh nghiệp lớn hơn và giảm phần thu nhập quốc dân chuyển đến người lao động do các công ty tầm cỡ gặt hái được thành quả từ các ảnh hưởng mạng và độc quyền tự nhiên.

Và đại dịch là cú sốc lớn thứ tư. Sự suy giảm nhu cầu vượt xa hơn nhiều so với mức sau cuộc khủng hoảng tài chính. Tiết kiệm có thể được đề cao trong nhiều năm. Lãi suất thấp và thậm chí âm có nhiều khả năng sẽ kéo dài. Điều này sẽ đẩy giá tài sản lên ngay cả khi các nền kinh tế còn suy yếu.

Các công ty nhận thức rõ hơn về rủi ro của các chuỗi cung ứng vừa rời rạc vừa mỏng manh. Covid-19 sẽ làm tăng mong muốn chuyển chúng về gần hơn, cùng đa dạng hóa các nhà cung cấp. Và đại dịch này đang đẩy nhanh quá trình số hóa. Sự chuyển đổi của người tiêu dùng từ bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng, và họ cũng sử dụng một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục trực tuyến.

Giá cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ tăng vọt. Ngay cả khi có sự sụt giảm vào tháng 9, chỉ số "fang +" của các cổ phiếu công nghệ của Sở giao dịch chứng khoán New York tạo ra lợi nhuận hàng năm khoảng 60%.

Đại dịch này cũng sẽ đánh dấu bước ngoặt về chính trị và địa chính trị cũng như nền kinh tế. Từ năm 2020, thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các cường quốc. Sự lây lan Covid-19 trùng hợp, và ở mức độ nào đó làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Chúng trở nên tồi tệ hơn cả những gì nhà quan sát tinh vi nhất dự đoán vào vài năm trước.

Mỹ vận động thế giới từ chối công nghệ 5G của Trung Quốc, tăng cường giám sát các nhà đầu tư nước ngoài, áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào công nghệ bán dẫn và đang buộc TikTok phải chuyển nhượng. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ thất bại. Cả hai quốc gia đang thực hiện đa dạng hóa cách xa nhau về thương mại. Hai nền kinh tế này đã quá tích hợp đến nỗi không thể tách rời hoàn toàn, nhưng hiện giờ chúng lại kết hợp các mối quan hệ kinh tế sâu rộng cùng với sự nghi ngờ lẫn nhau ở khắp nơi.

Đại dịch này là một thách thức với nền chính trị hiện có tại các nước giàu. Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính, đây không phải là lỗi của Phố Wall. Nhưng tổ hợp nền kinh tế yếu kém cùng giá tài sản cao do lãi suất thấp có thể khiến công chúng phẫn nộ, đặc biệt nếu như xuất hiện tình trạng thất nghiệp tập trung ở những người lao động trong lĩnh vực dịch vụ được trả lương thấp.

Lãi suất thấp sẽ làm chi tiêu thâm hụt kéo dài đáng kể. Cách thức chống lại các cuộc suy thoái sẽ thay đổi, một phần do lãi suất gần như bằng không khi áp dụng chính sách tiền tệ, cũng như do các cuộc thử nghiệm trong năm nay cùng với việc chuyển tiền mặt quy mô lớn đến các hộ gia đình.

Sẽ có cả nhu cầu và điều kiện lập lại khế ước xã hội theo cách mà nhiều người từng mong đợi có thể xảy ra sau toàn cầu hóa và cuộc khủng hoảng tài chính trước. Vấn đề là liệu chính trị ngày nay có phù hợp với việc này hay không. Những thay đổi nào là cần thiết đều phụ thuộc vào sự hiểu biết về mức độ thay đổi cơ cấu kinh tế mà đại dịch này có thể gây ra. Những thay đổi này, có thể bắt đầu từ thương mại.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/hiem-hoa-va-trien-vong-cho-kinh-te-toan-cau-tu-covid-19-4176161.html