Con cảm thấy sợ hãi, thu mình khi cha mẹ thường xuyên nổi nóng với trẻ
ảnh minh họa
Tệ hơn, có những trường hợp tính cách của trẻ cũng trở nên dễ nóng nảy, hay bực dọc và có khuynh hướng bạo lực khi trưởng thành.
Thế nhưng không ít cha mẹ vẫn không tìm được cách để kiềm chế bản thân.
Tại sao người lớn lại dễ nổi nóng với con của mình như vậy? Hãy thử xem xét những nguyên nhân dưới đây để tìm cách điều khiển những cơn nóng giận của bạn trước khi chúng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tính cách và suy nghĩ của trẻ.
Trẻ không có khả năng phản kháng và rất dễ quên những lỗi lầm của bạn
Khi làm việc ở công ty, bạn có dễ nổi nóng với sếp của mình hay đồng nghiệp của mình? Thường là không. Bạn sẽ cư xử mềm mỏng và hòa nhã bởi bạn biết sếp của bạn có quyền giao việc cho bạn, quyết định tăng lương hay không cho bạn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có còn là nhân viên của công ty hay không. Điều đó có nghĩa là gì? Bạn sẽ cố gắng cư xử dễ chịu và hạn chế nóng giận khi bạn biết giới hạn của mình.
Thế nhưng với con thì lại khác. Trẻ hoàn toàn chưa có khả năng phản kháng lại bạn. Trẻ chỉ có thể chấp nhận lắng nghe sự la hét, quát nạt cho đến khi bạn thực sự nguôi giận. Liệu có phải điều đó khiến bạn dễ dàng lên cơn bốc hỏa mà chẳng cần phải cố gắng kiềm chế chúng? Sau khi bùng nổ với con, bạn chỉ cần dùng một vài câu xin lỗi là xong, thậm chí đơn giản là quên nó đi bởi trẻ cũng chẳng nhắc lại hay ghi sổ những cơn giận vô cớ của bạn.
Nếu bạn thực sự rơi vào trường hợp này, hãy tỉnh táo hơn. Trẻ nhỏ không viết lại những sai lầm của bạn để trừ lương, chuyển việc bạn, nhưng những cơn giận chẳng bao giờ mang lại những kết quả tốt đẹp. Hãy tôn trọng con, trẻ không có khả năng phản kháng không có nghĩa là bạn biến bé thành nạn nhân chịu trận của bạn.
Bạn quá căng thẳng và không trút bỏ được những lo nghĩ trong đầu cho ai khác
Áp lực cuộc sống cơm áo gạo tiền không thể san sẻ cùng ai, và bạn không biết cách giải phóng những năng lượng xấu ấy bằng cách nào. Sự chất chứa những lo âu, bận tâm sẽ khiến bạn lúc nào cũng như quả bom sẵn sàng bị kích nổ vậy. Chỉ cần một lỗi lầm nho nhỏ của con cũng khiến bạn cảm thấy không thể nào chịu nổi.
Hãy thư giãn, tìm ai đó để trò chuyện hoặc tham gia những hoạt động yêu thích để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn như đăng ký học aerobic, đạp xe, đi bộ hay thiền,… Đừng đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực, bởi nó chỉ khiến đầu óc bạn quẩn quanh trong bóng tối, không đủ minh mẫn và bình tĩnh khi giải quyết các vấn đề của con.
Bạn quá kỳ vọng vào con và coi con là trung tâm trong cuộc sống của bạn
Cha mẹ nào cũng có kỳ vọng nhất định ở con. Mong con đá bóng giỏi, chơi cờ tốt, mong con ngoan ngoãn nghe lời, hay trở nên mạnh mẽ, quyết đoán… Đặt kỳ vọng ở con cái là chuyện bình thường, dễ hiểu nhưng phải dựa trên khả năng, và sở thích của trẻ. Những kỳ vọng quá lớn, vượt qua khả năng hay trái với mong muốn của trẻ đều sẽ trở thành gánh nặng cho cả cha mẹ và con cái.
Trẻ không đáp ứng được như những gì bạn đặt ra, không tỏa sáng như những gì bạn tưởng tượng, thì bạn sẽ rất dễ thất vọng và bực tức. Bạn càng nóng lòng để ép còn đạt tới ước mơ của bạn, thay bạn thực hiện những mục tiêu mà bạn chưa thực hiện được thì càng khiến bạn khó chấp nhận sự thất bại. Hãy xác định điều gì mới thực sự quan trọng với bạn. Con được vui vẻ hạnh phúc, được làm điều mình thích là quan trọng nhất hay đè nặng lên vai con những trách nhiệm làm vui lòng cha mẹ mới là điều bạn quan tâm?
Bạn bất lực trong giáo dục con
Một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ nổi giận với con là bởi bạn bất lực trong việc tìm ra cách giáo dục con đúng đắn. Ngay từ ban đầu nếu bạn không chọn được cho mình hướng đi đúng, cách làm đúng dẫn đến mắc sai lầm trong việc dạy bảo con, mà sau đó lại chẳng biết làm sao để sửa thì bạn rất dễ tức giận trong cái vòng luẩn quẩn do chính mình gây ra.
Thực sự đó là lỗi của bạn. Ví như bạn quá nuông chiều con, sợ con mệt, con chưa làm được là giúp con mọi thứ đến khi con có tính ỉ lại, không chịu tự xúc ăn, không chịu tự mặc quần áo thì bạn lại nổi xung lên quát mắng con. Rõ ràng cái gốc rễ gây nên hậu quả đó là vì ngay từ ban đầu bạn đã không định hướng đúng cho con. Tuy nhiên sự giận dữ chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn thôi. Bạn cần bình tĩnh tìm hiểu tâm lý của con, gần gũi và trò chuyện cùng con nhiều hơn để giúp bé sửa chữa những điểm chưa tốt.
Bạn từng là nạn nhân của những cơn cáu giận khi còn bé
Nếu lúc nhỏ bạn đã từng bị trút giận, bị quát mắng thì bạn sẽ có khuynh hướng áp dụng những điều đó cho con cái của mình. Thông thường bạn sẽ không ý thức được mình đang chịu ảnh hưởng từ những gì đã xảy ra trong quá khứ và thốt ra những lời quát mắng một cách tự nhiên mà không nhớ rằng khi còn nhỏ những lời đó đã từng khiến mình tổn thương biết bao. Chúng ngấm vào bạn âm thầm lặng lẽ qua từng ngày và đi vào tiềm thức của bạn lúc nào không rõ. Điều này thật đáng buồn nhưng chỉ có chính bản thân bạn mới thay đổi được cái vòng luẩn quẩn ấy nếu bạn không muốn tạo ra thêm những đứa trẻ sẽ dùng bạo lực, thiếu kiên nhẫn và hay nóng giận trong tương lai.
Chẳng ai thích nghe những lời không hay, nhất là những lời hạ thấp bản thân mình. Trẻ nhỏ hay người lớn đều cần được tôn trọng, bởi vậy đừng coi việc mắng chửi con cái là việc đương nhiên, và giúp con trưởng thành hơn, cố gắng hơn, chăm chỉ hơn hay nghe lời bạn hơn.
Bạn coi con là trung tâm trong cuộc sống của bạn
Trong thực tế có không ít người mẹ nghĩ rằng họ “sống vì con”, hy sinh mọi thứ cho con và coi con thành trung tâm trong cuộc sống của họ. Điều này sẽ có lúc khiến bạn nảy sinh suy nghĩ: tại sao bạn dành mọi thứ cho con, bỏ qua hết những nhu cầu cá nhân mà con không hiểu, không coi trọng điều đó, và rồi bạn nổi giận vì chúng không đáp lại được những hi sinh bạn đã trao đi.
Đừng đánh mất chính bản thân bạn. Bạn cũng cần có niềm vui riêng, sở thích riêng, có những người bạn để chia sẻ, đi du lịch, dành thời gian cafe với nhau… Con là điều quan trọng nhưng đừng cho đó là tất cả. Trẻ không thể gánh được trách nhiệm của việc bắt bạn quên đi cả cuộc đời riêng để lo cho trẻ. Hãy dung hòa mọi mối quan hệ để bạn không cảm thấy áp lực và không trút áp lực đó cho con.
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2668315