Có phải lớp lông măng trên người chính là nguyên nhân khiến trẻ hay vặn mình, ngủ không ngon giấc?
Mới đây, bác sĩ Trương Hoàng Hưng (bác sĩ Nhi khoa người Việt hiện sinh sống và làm việc tại bệnh viện của bang Texas (Mỹ) đã chia sẻ hình ảnh một em bé sơ sinh đang bị mẹ "đè ra" nhổ lông măng vì cho rằng lớp lông này khiến bé hay vặn mình, ngủ không ngon giấc. Theo bác sĩ Hoàng Hưng, đây là một hình thức "bạo hành" trẻ nhỏ bởi có khoảng 7-8 nguyên nhân khác nhau khiến trẻ mới sinh hay vặn mình mà không phải do lông măng hay thiếu canxi gì hết.
Bác sĩ Hoàng Hưng giải thích: Trẻ sơ sinh hay vặn mình, uốn éo, có khi ưỡn cong người và khóc là một hiện tượng rất phổ biến. Nó làm cho cha mẹ, ông bà lo lắng, và trong cơn lo lắng đó, rất nhiều truyền thuyết đã được sinh ra gán tội cho hiện tượng này, nào là mớ lông măng mềm mại ở lưng làm bé khó chịu nên phải loại bỏ nó bằng nhiều cách khác nhau, nào là đẹn ở nướu răng nên phải tẩy bỏ...
Nhiều người cho rằng trẻ sơ sinh cần phải tẩy lông măng (Ảnh minh họa).
Một số trẻ sơ sinh sinh ra với một lớp lông măng khá dày trên khắp người, cả trên mặt và lưng. Đây là lớp lông đầu tiên của bé, thường mọc ra trong 3 tháng đầu thai kỳ và rụng dần vào 3 tháng cuối thai kỳ trước khi sinh. Lông măng mềm và mịn, có thể có màu khác nhau tùy theo chủng tộc, thậm chí không màu.
Lông măng trên người trẻ trăm lợi, vô hại
Vì sao trẻ lại có mớ lông măng này, theo các chuyên gia nghiên cứu, chức năng của lông măng là:
- Giữ ấm: Bào thai chưa có lớp mỡ dưới da cho tới vài tháng cuối của thai kỳ, nên lớp lông măng này giúp giữ trẻ ấm áp hơn trong tử cung. Động vật ở vùng lạnh thường nhiều lông là vậy.
- Bảo vệ da: Trẻ sơ sinh khi trong bụng mẹ phải ngâm trong dịch ối 24/7 trong suốt 9 tháng, điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể trẻ và lớp da rất mong manh kia.
Lớp chất gây trắng (vernix) như sáp bao bọc bên ngoài cơ thể là để bảo vệ trẻ trong bào thai, và chất gây trắng này cần lớp lông măng để giữ chúng trên lớp da. Điều này giống như bêtông cần hỗn hợp ximăng lỏng (chất gây) và khung thép (lông măng) vậy. Gần tới 40 tuần, chất gây và lông măng sẽ ngày càng giảm, sự bảo vệ da ngày càng kém, cho nên những trẻ sinh già tháng có lớp da khô queo, nhăn nheo như ông già là vì vậy.
- Kích thích sự tăng trưởng và phát triển: Một số nghiên cứu cho thấy sự di động của lông măng trong dịch ối có thể có vai trò giảm stress và kích thích tăng trưởng.
Như vậy lớp lông măng này trăm lợi mà không hại, thông thường chúng sẽ rụng dần trong những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sinh ra vẫn còn nhiều lông măng và điều đó hoàn toàn bình thường. Vì lý do này mà trẻ sinh non thường có nhiều lông măng hơn vì chưa kịp rụng.
Dù ít hay nhiều, lông măng sẽ tiếp tục rụng dần trong vài tuần sau sinh, có khi tới vài tháng và thay dần bằng một lớp lông khác, thưa hơn và mịn hơn.
Chu kỳ thay lông, tóc tới 3-4 tháng, tuy nhiên có một số trường hợp sẽ kéo dài hơn, đây là lý do tại sao một số bé sinh ra tự nhiên hói đầu sau vài tháng, không sao cả, từ từ lông tóc sẽ mọc lại thôi.
Lông măng không làm trẻ khó chịu hay vặn mình. Lớp lông măng này rất có ích và vô tội, cũng sẽ "tạm biệt" trẻ rất nhanh, bố mẹ không cần phải làm gì cả, đừng cạo, nhổ, wax hay chà xát chúng.
Trẻ ngủ hay vặn mình, đổi tư thế là do ngủ REM
Trẻ hay vặn mình khi ngủ thực ra là do bé ngủ REM (Ảnh minh họa).
Về lý do khiến trẻ sơ sinh ngủ hay động đậy, bố mẹ nghĩ là con không ngon giấc, các nhà khoa học đã giải thích rằng đó là do đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Khoảng 60% thời gian ngủ của trẻ là ở trạng thái "ngủ động" - REM (rapid eye movements), tức bé sẽ hay vặn mình, đổi tư thế, nhăn mặt… Và theo các nhà khoa học, não phát triển mạnh nhất chính là lúc bé ngủ động. Theo thời gian, thời gian ngủ động sẽ giảm còn khoảng 20% thời gian giấc ngủ. Điều này hoàn toàn không hề liên quan đến việc bé bị lông măng làm phiền hay thiếu canxi như các mẹ vẫn truyền tai nhau. Thực tế, để biết được bé có thiếu canxi hay không thì phải xét nghiệm máu mới biết.
Thậm chí, việc tẩy lông măng còn có khả năng khiến bé bị tổn thương da bởi da bé khi đó cực kì mỏng manh. Các biện pháp dùng lá cây để tẩy lông rất nguy hiểm, có thể khiến bé bị nhiễm khuẩn da, còn phương pháp dùng sữa tươi là không thể vì trẻ sơ sinh không nên uống sữa này, dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Tốt nhất bố mẹ không nên xử lý lông măng trên người con. Chỉ khi lông măng trên người bé mọc ngày càng nhiều, có một nhúm lông ở xương sống thì cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/thay-con-hay-van-minh-kho-ngu-me-de-con-ra-nho-long-mang-2020012012590461.chn