Có gia đình là Tết đấy thôi

10:00' 09-02-2021
Tết là ngày đoàn viên, là ngày quây quần bên nhau sau một năm cũ để chào đón một năm mới. Có những người con, không thể về nhà bên bố mẹ đẻ của mình, nhưng điều hạnh phúc nhất là bố mẹ vẫn khỏe mạnh và gia đình hai bên luôn êm ấm.

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con

Khi thấy mai đào nở vàng bên nương”.

Cái đài bé bé cầm tay của ông tôi đang phát giai điệu của bài hát “Xuân này con không về” kèm theo lời nhắn của một vị khán giả nhờ chương trình ca nhạc theo yêu cầu gửi tới bố mẹ của mình.

“Bố mẹ ạ, lại một năm mới sắp đến với những cơn mưa phùn kèm theo cái không khí se se lạnh. Con lại nhớ nhà mình da diết, nhớ ngày con còn bé chưa lấy chồng, gia đình ta vẫn hay quây quần bên nhau ngày Tết”.

“Vậy mà thoắt cái đã 3 năm rồi, con chưa được cùng bố mẹ đón giao thừa và chắc năm nay cũng vậy. Con gái lại lấy chồng xa, phải lo chu toàn bên nội, nên con không thể bên bố mẹ những ngày sát Tết như thế này được Con chúc bố mẹ năm mới luôn mạnh khỏe. Con yêu và nhớ bố mẹ nhiều.”

Bà tôi mái tóc đã ngả màu bạc trắng, đôi tay nhăn nheo vì bụi thời gian đang ngồi bên bếp lửa cùng ông tôi nghe ca khúc này. Đôi vợ chồng già tuổi xế chiều, bỗng thoáng hiện nét buồn trên khuôn mặt, ánh mắt xa xăm như đang nhớ về những ngày tháng nghèo đói của ngày xưa.

Khi điều kiện còn khó khăn nhưng Tết vẫn luôn tràn ngập tiếng cười của đầy đủ mọi thành viên trong gia đình. Bà thủ thỉ với ông “Không biết Tết năm nay gia đình nhà Út có về không ông nhỉ?”. Ông nhìn ra đầu ngõ đáp trả câu hỏi của bà mà giống như đang tự trả lời cho chính câu hỏi trong lòng ông.

“Con gái là con người ta, thuyền theo lái gái theo chồng nó về được thì quý còn không ở xa như thế chỉ mong gia đình nó mạnh khỏe, làm ăn tốt và con cái ngoan ngoãn là được rồi.” 

Bà tôi gật gù, tay ném những cành củi gỗ vụn vào bếp, ngọn lửa vẫn cháy ấm áp như chất chứa nhớ thương, mong ngóng của bà về đứa con gái lấy chồng xa.

Tôi chợt nghĩ, liệu rằng sau này tôi có như vị khán giả kia vì cảnh chồng xa nên không thể về đón Tết bên ngoại cùng bố mẹ đẻ. Và bố mẹ tôi liệu có giống như ông bà tôi, lại ngồi bên bếp lửa nghe đài hát rồi trông ngóng con gái về từng ngày?

Xã hội ngày càng phát triển, những thủ tục phong kiến cũng ngày một bớt dần. Tôi nghĩ rằng quan niệm Tết phải ở nhà nội, phải đón giao thừa nhà nội, “nhất nội nhì ngoại” bây giờ không còn cứng nhắc như trước nữa. 

Nội hay ngoại đều là gia đình, đều là bố mẹ sinh thành và nuôi nấng chúng ta nên người, do đó không nên phân biệt đối xử, phải trọng bên nào hơn bên nào. 

Tết nhà ngoại hay nhà nội đều được, chúng ta có thể linh động tùy theo năm, tùy theo hoàn cảnh, năm này nhà nội năm sau sẽ ở nhà ngoại. Xã hội hiện đại, không nhất thiết phải bảo thủ trong suy nghĩ rằng Tết bắt buộc phải ở nhà nội, lo chu toàn xong xuôi rồi mùng 2, mùng 3 mới có thể về Ngoại. Chẳng có ai Tết mà không muốn được sum vầy bên bố mẹ, người thân của mình.

Người phụ nữ cũng sẽ có những giây phút chạnh lòng đến phát tủi thân khi năm mới không thể về thăm bố mẹ, bởi vậy rất cần những người chồng, người bố mẹ chồng tâm lý biết thông cảm và yêu thương. 

Nhiều bố mẹ cứ dặn dò con gái khi lấy chồng rằng Tết cứ phải lo tươm tất bên nội rồi hãy nghĩ tới bên ngoại, chính suy nghĩ như vậy đã ăn sâu vào con người Việt Nam bao nhiêu năm qua.

Tôi không dám nói tư tưởng này là sai hay cổ hủ, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng không nhất thiết phải quá cứng nhắc trong việc nội, ngoại bên nào quan trọng hơn, bởi hai bên đều quan trọng như nhau.

Nhiều ông bố, bà mẹ luôn mong muốn con gái lấy chồng gần bởi như vậy có thể đi lại dễ hơn, được về thăm bố mẹ nhiều hơn. Và ở gần thì Tết cũng không quá khó khăn để phân chia thời gian cho hai bên nội – ngoại. 

Những ai lấy chồng xa, gia đình hai bên xa nhau về khoảng cách địa lý thì việc đón Tết nên cân nhắc cho phù hợp. Có thể năm nay đón Tết bên nội, năm sau đón Tết bên ngoại. Hoặc bố và con gái về nội, mẹ và con trai về ngoại, miễn sao gia đình luôn vui vẻ, thuận hòa và yêu thương nhau. 

Nhà nội cũng nên tạo điều kiện cho con dâu được về đón Tết cùng bố mẹ đẻ, bởi bố mẹ nào chẳng yêu thương con, mong ngóng Tết có con cái sum họp đủ đầy. Tuy nhiên, người phụ nữ cũng nên biết lo toan chu đáo, đối nội đối ngoại khéo léo để giữ lửa yêu thương cho gia đình.

Tôi năm nay 23 tuổi, tuy chưa lấy chồng và cũng chưa có kinh nghiệm trong việc đón Tết bên nội hay bên ngoại nhưng tôi nghĩ rằng việc đón Tết bên nào cũng không nên quá quan trọng hóa, quan trọng là biết điều chỉnh phân chia cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình để cả hai bên nội, ngoại đều vui vẻ. 

Tết là ngày đoàn viên, là ngày quây quần bên nhau sau một năm cũ để chào đón một năm mới. Có những người con, không thể về nhà bên bố mẹ đẻ của mình, nhưng điều hạnh phúc nhất là bố mẹ vẫn khỏe mạnh và gia đình hai bên luôn êm ấm.

Quay lại với bếp lửa của ông bà tôi, bếp lửa vẫn cháy ấm áp và nụ cười trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của họ dường như tròn trịa hơn khi nghe cô Út gọi báo tin Tết này cả nhà sẽ về đón Tết. 

Hạnh phúc đôi khi thật giản dị và đơn sơ như vậy thôi. Đài của ông tôi vẫn phát những giai điệu du dương ca khúc “Tết là gia đình” qua tiếng hát ca sĩ Đinh Mạnh Ninh.

“Con sẽ về dù bao cách xa , đón con về vòng tay thiết tha

Mùa xuân năm nay bên bếp than hồng ấm nồng.

Có gia đình là Tết đấy thôi, xa xôi nào thể ngăn bước tôi,

Niềm vui lâng lâng nghe Tết đã về đây.”

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

MRC North West Vùng: St Albans. Phone: 1300 676 044
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/tet-la-ngay-doan-vien-nw225858.html