Chuyển mùa, các mẹ cảnh giác khi nghe tiếng ho của trẻ để có thể phân biệt bệnh
Điều lo lắng nhất của các bậc cha mẹ là tình trạng ho của trẻ, có khi kéo dài vài tuần và không thuyên giảm. Nhưng bạn có biết rằng những âm thanh ho khác nhau của trẻ lại đại diện cho những căn bệnh khác nhau. Cha mẹ có thể dựa vào tiếng ho của trẻ để phán đoán mức độ nặng nhẹ ra sao, có cần đi viện hay không và chăm sóc trẻ thật tốt để đẩy nhanh quá trình cải thiện tình trạng ho.
Dù vậy, nếu cha mẹ không chắc chắn về tình trạng ho của trẻ và trẻ ho kéo dài không dứt thì nên đưa trẻ đi khám để có hướng điều trị phù hợp nhất.
1. Tiếng ho rõ ràng và to
Cơn ho của trẻ rõ và to, đây thường là cơn ho khan, đặc biệt nếu trẻ dễ ho vào ban đêm thì rất có thể do nhiễm vi khuẩn mycoplasma hoặc ho dị ứng. Do đó, nên để trẻ tránh xa các chất gây dị ứng, thường xuyên mở cửa sổ để phòng khách thông thoáng, không cho vật nuôi và hoa ở nhà; độ ẩm trong nhà nên điều chỉnh ở độ ẩm tương đối từ 60% đến 65%, và nên sử dụng máy tạo độ ẩm nếu cần thiết.
2. Ho và thở khò khè liên tục
Nếu trẻ tiếp tục ho, nghẹt thở và thở khò khè, hoặc các triệu chứng ho nặng hơn sau khi tiếp xúc với bụi, da động vật và không khí lạnh, đó có thể là do bệnh hen suyễn. Đặc biệt, các triệu chứng trên biểu hiện rõ nhất sau khi vận động, vào ban đêm và buổi sáng sau khi ngủ dậy. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị tốt nhất, chú ý chăm só hàng ngày, giữ gìn vệ sinh môi trường gia đình.
3. Ho có đờm
Nếu trẻ bị ho kèm sổ mũi, ho có đờm kèm sốt nhẹ kéo dài và nghẹt mũi, rất có thể trẻ bị cảm lạnh do virus. Trong thời gian này cho trẻ chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nhiều nước ấm, ăn nhạt, chú ý vệ sinh hốc mũi, rửa bằng nước thường xuyên. Nếu thân nhiệt tiếp tục vượt quá 38,5 ℃ thì có thể uống thuốc hạ sốt theo lời dặn của bác sĩ. Nếu nhiệt độ cơ thể vẫn cao kéo dài hơn ba ngày không thuyên giảm, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị càng sớm càng tốt.
4. Khi ho có âm thanh khàn khàn
Khi ho trẻ có âm thanh khàn, trẻ cũng bị khàn tiếng hoặc mất tiếng rất có thể do viêm thanh quản cấp. Triệu chứng này thường hết vào ban ngày và nặng hơn về đêm, kèm theo khó thở và sốt. Trong trường hợp này, bạn không nên chần chừ mà nên đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm.
5. Có tiếng rít khi ho
Trẻ khó thở khi ho, thở khò khè, có tiếng rít hoặc ngáy khi thở ra, cha mẹ nên cảnh giác có thể trẻ bị viêm phổi hoặc viêm phế quản, hoặc viêm tiểu phế quản. Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để có hướng điều trị phù hợp.
6. Ho rũ rượi
Trẻ ho rũ rượi, thành từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp cần hết sức cảnh giác với bệnh ho gà, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới ba tuổi. Nếu cứ để yên, cơn ho có thể kéo dài vài tháng, thậm chí có thể gây ngưng thở, trường hợp nặng có thể co giật, ngạt thở. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên chăm sóc trẻ thật tốt, ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh ho gà cần được điều trị kháng sinh đầy đủ càng sớm càng tốt.
Trẻ bị ho cha mẹ nên làm gì?
Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi bé thường xuyên để đề phòng trường hợp trẻ ho nhiều, có biểu hiện khó thở, thở nhanh thì cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức.
Trong trường hợp khi bé ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn, có thể theo dõi bé ở nhà. Nên chăm sóc bé bằng cách cho bé uống nhiều nước cam, chanh hoặc ăn trái cây tươi, nấu cháo hoặc súp để bé dễ ăn hơn và theo dõi nhiệt độ của bé.
Để giảm ho cho trẻ có thể dùng thuốc ho theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian như: mật ong hấp quất, hẹ,…Nếu bé đỡ ho, ăn uống tốt, không sốt, thở dễ thì thường bé sẽ khỏi trong vòng một tuần. Nếu bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/chuyen-mua-nghe-tieng-ho-cua-tre-co-the-phan-biet-benh-me-canh-giac-khi-tre-ho-kieu-nay-c131a487649.html