Chuyến công du châu Á cuối cùng của Tổng thống Obama
Giới quan sát nhận định, chuyến đi là cơ hội cuối cùng của ông Barack Obama nhằm thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn gây nhiều tranh cãi và giải quyết những vấn đề khác nảy sinh từ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 30-8 cho biết, Nhà Trắng đã chính thức khẳng định sự tham gia của Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc từ cách đây 2 tuần.
Khi đó, một phát ngôn viên của ông Barack Obama cho biết, chuyến đi đã được chuẩn bị sẵn sàng và chi tiết về cuộc viếng thăm này sẽ được công bố sau.
Trong khi đó, quan chức khác trong Chính phủ Mỹ cho biết, Tổng thống Barack Obama đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến công du châu Á này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hôm 29-8, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, theo lịch trình hoạt động, ngày 3-9, ông Barack Obama sẽ lên chiếc Air Force One để bắt đầu chuyến công du châu Á.
|
Chuyến công du châu Á cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu từ ngày 3-9. Ảnh: NDTV. |
Ngày 4 và 5-9, Tổng thống Mỹ có mặt tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang để dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Bên lề hội nghị, ông Barack Obama sẽ có các cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Cũng theo lời ông Ben Rhodes thì cuộc nói chuyện giữa ông chủ Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ bởi hai bên có rất nhiều vấn đề cần phải trao đổi kỹ lưỡng, trong đó có những vấn đề đang gây bất đồng sâu sắc giữa hai nước.
Cụ thể, Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra 3 vấn đề chính là căng thẳng trên Biển Đông, an ninh mạng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và chống biến đổi khí hậu.
Ông Ben Rhodes khẳng định, Mỹ luôn giữ quan điểm không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các bên nhưng có nhiệm vụ phải đảm bảo an ninh tuyến hàng hải lớn trên Biển Đông.
Việc Trung Quốc đơn phương làm thay đổi hiện trạng các đảo đá, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông không những làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Biển Đông mà còn tác động xấu đến an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Hãng Yonhap cho biết, một trong những khúc mắc giữa Mỹ và Trung Quốc là việc Washington quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và việc CHDCND Triều Tiên liên tục thử nghiệm các loại tên lửa mới.
Một số nguồn tin khác cũng nhắc đến những sự khác biệt trong quan điểm giữa Washington và Bắc Kinh trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, nhất là về Thỏa thuận COP-21 đạt được tại Thủ đô Paris của Pháp hồi tháng 12 năm ngoái.
Riêng với vấn đề an ninh mạng, nhiều khả năng, ông Barack Obama không chỉ nói chuyện riêng với người đồng cấp Tập Cận Bình mà sẽ trực tiếp nêu vấn đề này tại Hội nghị G20.
Hãng Reuters cho biết, hôm 29-8, một nhóm nghị sĩ Mỹ gồm nghị sĩ Sherrod Brown, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ tại Uỷ ban Ngân hàng của Thượng viện cùng 5 nghị sĩ khác đã gửi một bức thư tới Tổng thống Barack Obama, bày tỏ mong muốn rằng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ gây sức ép với các nhà lãnh đạo G20 để có một cam kết về chiến lược phối hợp nhằm đối phó với tội phạm mạng đang ngày càng gia tăng.
Kết thúc các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Barack Obama sẽ bay sang Lào thăm chính thức nước này và dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Đây là chuyến công du Lào đầu tiên của một Tổng thống Mỹ. Bằng các cuộc gặp gỡ chính thức và bên lề với những nhà lãnh đạo ASEAN, Mỹ một lần nữa có thể khẳng định chính sách trọng tâm châu Á của mình cũng như thúc đẩy việc thông qua và thực hiện TPP.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnes nói: “Tổng thống Barack Obama có niềm tin mạnh mẽ rằng chính phủ Mỹ đang đạt được những tiến bộ cho vấn đề TPP và đang đi theo một lộ trình để đạt được điều đó trước khi Tổng thống rời nhiệm sở vào đầu năm tới”.
Hãng AP thì tiết lộ, rất có thể, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ông Barack Obama sẽ tuyên bố về một chương trình tài trợ mới cho khu vực này để nhấn mạnh chính sách xoay trục châu Á của Mỹ.
Article sourced from DANTRI.