Chung một niềm đau

14:00' 28-04-2020
Nhiều khi yêu một thành phố không phải chỉ vì nó đẹp, mà còn vì thành phố đó có ai, nhiều khi đến một nơi, không phải vì yêu thích, mà chỉ vì nơi đó có người mình lỡ thương, mà chỉ biết thương thôi chứ có còn là gì của nhau đâu.

Gặp lại nhau khi mùa hoa nở nhé

Bây giờ còn giữ lời hứa xưa kia vẫn đây

Gặp lại nhau khi mùa hoa nở nhé

Bây giờ hoa tuôn từng dòng nước mắt”. (1)

- Chị hát hay quá

- Hay hơn Nguyên Hà không?

- À thì… cũng hơn chút chút.

- Cái thằng này.

Chúng tôi phá lên cười, chị vờn tay châm vội điếu thuốc, cái nhíu mày của tôi khiến chị khó chịu.

- Sao thế? Hồi trẻ có ngày chị hút đến tận nửa số này này.

- Thật may vì bây giờ chị không còn làm điều đó nữa.

Chị phả làn khói dày đặc ra từ miệng, rồi chị kể về cuộc đời người đàn bà trẻ...

Vào một buổi Đà Lạt lạnh cóng, chị mặc chiếc áo dày cộm trên người, đứng lấp ló trên ban công chợ. Con bé bán rao đầu chợ nó đoán được chị định đi đâu, định làm gì nên bảo:

- Cô phải hỏi thăm thì người ta mới kiếm ra được.

Chị ngẩn ngơ:

- À hỏi chứ, tôi muốn tìm thăm một người quen.

- Tên gì, bán gì?

- Là tên Hồng, bán hàng nước ở gần trường tiểu học.

- Chị ơi, ở chợ to đùng như này, có biết bao người tên Hồng bán cơ chứ. Tướng tá tầm từng nào, tả xem sao.

- Tôi… cũng không rõ, tại gặp lâu lắm rồi, mà chừng tóc cũng dài như tôi, da mỡ gà, mảnh khảnh mà đẹp.

- Vậy thì đông lắm, với chợ tất bật người ra kẻ vô, gần trường nữa nên dễ đâu mà biết được ai. Mà người quen hay sao tìm dữ vậy, sáng nào cũng thấy đứng ở ban công chợ?

- À… dạ… quen. Là vợ của chồng tôi

- Ngoại tình đó hả, người như vậy tìm để làm gì?

Đó là cuộc đối thoại đầu tiên tôi được nghe, là hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp chị, dáng dấp ấy cũng trạc 30, ở độ tuổi mà hẳn với tất thảy cô gái ngoài kia, đều đang bộn bề về gia đình và những đứa trẻ. Cũng thật lâu lắm rồi, tôi không rõ mình bắt chuyện với chị như thế nào, để giờ đây, sau then cài cánh cửa là hai con người đang mải miết cho nhau nghe về nỗi niềm đã đi qua, mà khi nghĩ về nó như cách họ khoan dung với chính mình. Hóa ra đâu cần phải tha thứ cho bằng hết tất cả lỗi lầm mới có thể yêu thương.

Những ngày đầu tôi làm việc tại Daisy shop của chị, chị lén chui vào xó xỉnh nào đó khóc nhiều lắm, mắt lúc nào cũng bọng đỏ lên, lúc hỏi thì cứ bảo lạ nhà nên buồn buồn, tủi tủi.

- Hồi đó, không biết sao chị yêu ổng chi lạ - chị chỉ tay vào bức ảnh – đến nửa cuộc đời rồi mà có được thương lại đâu.

"Ổng" tức là chồng chị, trước chị anh cũng yêu một người bằng chừng hết tâm can, mà cho tới cuối đời cũng ôm khư khư mối tình muôn thuở đấy. Mẹ chồng chị dứt khoát không chịu, có quá nhiều lý do để bà không đồng ý. Rồi anh mới quyết bỏ đi, dẫn người ta theo. Hai người trải qua biết bao cơ cực, anh dạy kèm cho đám học trò nghèo, chị  bưng bê hàng nước ở đầu cổng trường tiểu học, có với nhau mọn con, nhưng vì chị sinh non, yếu quá rồi đứa bé mất.

Tận cùng đau khổ, anh về lại nhà và phải đáp ứng vài điều kiện của mẹ chồng chị. Vậy là anh bỏ người ta giữa dòng bơ vơ. Tôi chỉ biết bấy nhiêu vậy thôi. Kể ra hơn 6 năm chị mới chịu trải lòng với người lạ, chuyện qua lâu rồi, nhưng người ta vẫn còn nhớ, vẫn có khoảng dài đằng đẵng dựng vách nhà tạm bợ bán nước ven trường, cách không xa gia đình chị, vẫn đợi bóng người biền biệt. Bảo chồng chị quên sao đành. Con người ta thật kỳ lạ, nhất là đàn ông, thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng sẽ khắc khoải cả đời. Vậy mà chị luôn bảo, anh đã sống tử tế đến vô cùng, gửi gắm cả tình thương yêu đến người vắng mặt.

Những đứa con lớn lên trong khuôn phép, sự cưng chiều hết mực, lẫn điều bao dung có thừa từ anh. Gia đình chị tuyệt nhiên chưa cảm thấy vui bao giờ, luôn mặc cảm với mấy điều hạnh phúc mà người ta ngớt lời khen ngợi. Không thấy ai đòi nợ nhưng vẫn cứ là nợ, lúc quây quần bên nhau, thâm tâm cứ nghĩ, có một người nào đó cô độc, chơi vơi.

Rồi cũng đến ngày, rũ bỏ niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ, chị quyết định đi gặp vợ của chồng mình. Ngày hôm đó, chị nói với anh về nhà bạn tụ tập một đêm. Anh ừ nhẹ rồi cũng chẳng hỏi thêm điều gì. Chờ đợi căn trọ ẩm thấp lên đèn, chị tạt ngang vào, ngồi hàng ghế trên cùng, buột miệng:

- Tối nay cũng vắng khách, bà chủ nhỉ?

Chị vẫn luôn đau đáu, người ấy sẽ giống hệt chồng mình, những tối chạng vạng là thời khắc họ tìm về nhau và nhớ nhau thật nhiều. Nghe tiếng từ xa, chị quay lại, hơi sững rồi cười:

- Dạ, mấy nay cũng lai rai chị ạ, mấy đứa nhỏ chưa đi học lại nên hàng quán cũng không đông lắm. Chị gọi nước gì, tôi mang ra, à mà ở ngoài tôi không chong quạt nên sợ muỗi, chị vào trong đây cho mát

Chị cũng chậm rãi bước vào, đặt ghế ngồi đối diện. Chị thấy lòng bình lặng lạ lùng. Khi đặt chân đến đây, cứ tưởng phong ba sẽ kéo về, thậm chí là hơn thế nữa. Vậy mà… có thể vì người đàn bà của chồng chị hiện lên rất hiền, dung dị mà rất đời, người ấy mặc chiếc áo hồng phai, mái tóc màu hoa râm, trải qua quá nhiều nỗi được mất, da cũng nhăn nheo đi bội phần. Chị quay đi hướng khác, đồ đạc trên chiếc giường xếp tạm bợ tềnh toàng, dính cả màu thời gian, lẫn mùi cay cay của điều cũ kỹ. Chị đưa ly húp ngụm trà gừng, chép miệng:

- Trà chị pha đậm vị, hợp với tôi. Mà chị bệnh sao, hồi tôi từ đằng đó vào đây đã nghe chị ho sặc sụa.

- À dạ, mấy hôm nay trưa nắng lại đi lấy hàng, nên chắc cảm, mà tôi quen rồi, chặp hết liền à.

Chị ngó quanh quắt, vệt sáng cứ chập chờn, dừng lại dưới xấp quần áo cũ, có cả người lớn và trẻ con. Chị vọt miệng:

- Chị có cháu nhỏ hả?  

Mãi đến sau này, chị nói đó là câu nói tàn độc nhất chị đã lỡ miệng đâm toạc nỗi đau của một người đàn bà.

Cái nhìn đau nặng:

- Tôi có, mà có cách đây mấy năm rồi, hồi đó tôi sinh không đủ tháng, bé vừa lọt lòng cũng bỏ mà đi, tôi chiêm bao thấy con bé hoài, mà tự dưng như vậy cũng hay, cứ nghĩ là con bé luôn còn ở với mình.

- Rồi… ảnh đâu, chồng chị đâu?

Vài ba phút sau chị mới nghe được câu trả lời:

- À… ảnh về với vợ con rồi, mà hình như ảnh không còn ở đây nữa, họ bảo cả nhà dọn lên Đà Lạt sống.

- Rồi chị đến đây để tìm ảnh? Rồi nếu là họ dọn đi nơi khác, chị cũng lên đó tìm?

- Nhiều khi yêu một thành phố không phải chỉ vì nó đẹp, mà còn vì thành phố đó có ai, nhiều khi đến một nơi, không phải vì yêu thích, mà chỉ vì nơi đó có người mình lỡ thương, mà chỉ biết thương thôi chứ có còn là gì của nhau đâu chị. Nhiều hồi nhìn quần áo của chồng với con, mà mắt khóc, cầm lòng không được. Đàn ông cũng khổ đủ điều, lấy nước mắt để trói buộc họ nữa, tội họ lắm chị à.

Lòng chị đau điếng, hà cớ gì để người phụ nữ ấy gánh vác nhiều đến thế. Vậy thì sao lại nhỏ nhen mà tranh giành với người ta chút này chút nọ.

Sau ngày hôm đó, chị đặt bút ký vào đơn ly hôn, chị đồng ý tháo gỡ tự do cho anh, tuyệt nhiên không nhắc gì về người đó, về cuộc gặp gỡ, về món nợ mà y như rằng chị và đứa con của mình chẳng vay mượn nhưng giành hết cả phần đời lương tâm để trả đủ.

Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên, có người bỏ cuộc tình mà đi như một người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mà mình đã mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.

Tôi cởi chiếc áo mình đang mặc khoác lên vai chị, người phụ nữ ấy cuối cùng cũng thanh thản với sự cô đơn của chính mình. Cũng thôi thắc mắc về ý đồ của người đến hay kẻ đi trong cuộc đời. Không chút nghi ngờ, oán than, đau khổ. Mỗi ngày, ngồi cạnh giàn hoa nhỏ, bó buộc chúng lại, rồi chở đến những nơi có nắng. Chợt nhận ra, nắng cũng giống như đời người: có bình minh, có chiều tà và cả hoàng hôn.

- Chị nè...

- Ơi…

Mùa xuân sắp đến rồi đấy, vậy là chị cũng sắp tròn 6 năm ở xứ người.

- Đã có lúc chị nghĩ về chồng mình và vợ của chồng mình. Chắc giờ họ tìm được nhau rồi cũng nên. Nhưng mà lạ lắm, tim chị không còn đau, cũng không còn sân hận, không còn bị cuốn vào những điều cũ kỹ, nơi mà chị đã từng cho rằng đến khi chết cũng chẳng thể nào thay đổi. Họ thương nhau, chưa khi nào nỗi nhớ đó cạn vợi đi và họ xứng đáng cùng nhau bình đạm tới già.

- Lớn lên chút nữa em sẽ hiểu, khi còn tuổi xuân. Người ta thường gặp mọi đớn đau trong đời. Mất và được. Ở lại và bỏ đi. Rồi trưởng thành dần, ngó lại. À ra mình đã đi qua cả con đường dài như thế, ra là mình đã từng chịu đau nhiều thế. Rồi sẽ học ra được cách cho dù phía trước còn bao nhiêu khó khăn cũng bình thản mà bước qua…

- Chị nè,

- Ơi...

- Sau này em sẽ viết một câu chuyện về người đàn bà trẻ, gối đầu trên những giấc mơ không còn hồng như ngày mười tám, cố tìm cho mình một tình yêu rạo rực, rối bời. Cho đi và khao khát nhận lại quá nhiều, mà thương yêu cũng vì lẽ đó không thể bù sớt được. Nhưng mà…

- Nhưng mà sao nữa? - Chị đưa mắt về phía tôi

- Nhưng mà…sau hết thảy những điều được, mất ấy. Người đàn bà trẻ đã gom đủ thương tổn, vứt bỏ hết mà đi.

Chị đặt nụ cười khoan thai trên vai tôi, phía bên kia đài, tiếng "Gọi" của ai kia vọng về:

“Có một con đường, gọi là quá khứ

Có một lọn gió, gọi là tóc bay

Có một người say, một người mắt ướt

Có một lỡ bước, gọi là đến sau

Có một mưa mau, rụng rời quán nhỏ

Có một lối cỏ, cho nụ hôn đầu

Có một bể dâu, cho lòng đỡ tủi

Có một sợ hãi gọi là mất nhau

Có một niềm đau, tên là dĩ vãng…” (2)

© Hồ Thị Mỹ Nhung – blogradio.vn

Chú thích:

(1)   Lời bài hát Sau này hãy gặp lại nhau khi hoa nở, sáng tác Rinnie Blue, ca sĩ Nguyên Hà.

(2)   Trích bài thơ Gọi, Hữu Việt.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Moira Deeming MLCParliament of Victoria Vùng: Caroline Springs. Phone: 8363 0288
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/chung-mot-niem-dau-nw227391.html