Mới đây, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) công bố bộ phim điện ảnh Escape from Mogadishu đã trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên của năm 2021 bán được hơn 1 triệu vé. Tác phẩm với Jo In Sung trong vai chính trở thành điểm sáng của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trong năm 2021.

Tuy nhiên, thành công của Escape from Mogadishu vẫn chỉ như muối bỏ bể. Mùa phim hè 2021 tại Hàn Quốc vắng bóng những tác phẩm đủ sức làm nên kỳ tích phòng vé lẫn phủ sóng thị trường quốc tế so với những #Alive (thu hút 204.071 lượt khán giả tới rạp trong ngày đầu ra mắt), Peninsula (bán được 350.000 vé trong ngày khởi chiếu), Steel Rain 2: Summit (cán mốc 1 triệu khán giả nội địa sau một tuần)… của năm 2020.

Tình trạng này cho thấy Hàn Quốc - nền công nghiệp điện ảnh từng được liệt vào nhóm phục hồi nhanh nhất sau làn sóng đại dịch đầu tiên - đang mất dần đà tăng trong năm 2021.

Phát triển với tâm thế bất an

Theo Screen Daily, tình hình kinh doanh u ám của thị trường điện ảnh Hàn Quốc trong năm 2021 đã được dự báo từ hồi giữa tháng 2. Trong mùa phim Tết Nguyên đán, số lượng vé chiếu phim bán ra trên cả Hàn Quốc chỉ ở mức 707.000 chiếc. Con số bằng 14% cùng kỳ năm 2020.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc chỉ có 1 bộ phim thu hút hơn 1 triệu khán giả tới rạp. Ảnh: Lotte.

Trong năm 2021, các nhà phát hành phim tại Hàn Quốc tiếp tục hoãn phát hành những tựa phim được đầu tư kinh phí lớn tại rạp, dẫn đến việc ùn ứ hơn 80 tựa phim sắp phát hành và nhà sản xuất thiếu hụt kinh phí tái đầu tư.

Cuối tháng 3, ông Jay Choi - cựu nhân viên điều hành Warner Bros., đồng sáng lập hãng phim Anthology Studios và phó chủ tịch KOFIC - phát biểu: “Các nhà đầu tư kiêm đơn vị phát hành lớn đã không cần mua thêm phim mới.

Họ đang lựa chọn những dự án có thể phát hành trong nửa cuối 2022. Nhưng thị trường điện ảnh Hàn Quốc có kịp phục hồi từ giờ cho đến lúc đó? Chúng ta đang phát triển các dự án mới với tâm thế bất an này”.

Song song, báo cáo doanh thu từ các đơn vị bán vé phản ánh sự xuất hiện thưa thớt dần của các bộ phim có kinh phí tầm trung. Ông Danny Lee, trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế tại Contents Panda, bình luận: “Các nhà đầu tư đang thận trọng hơn và ưu tiên cho các dự án an toàn thuộc hai nhóm, hoặc đạo diễn tên tuổi với dàn diễn viên ngôi sao, hoặc kinh phí dưới 900.000 USD (khoảng 1 tỷ won) nhưng đề tài mới lạ, có thể đem bán cho các dịch vụ trực tuyến nếu không ra rạp”.

Đạo diễn điện ảnh lánh sang mảng truyền hình

Sự đầu tư mạnh tay của Netflix vào Hàn Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường điện ảnh nước này. Hồi tháng 2, đại diện Netflix công bố gói đầu tư trị giá 500 triệu USD cho chùm phim sản xuất tại Hàn Quốc.

Các phim điện ảnh được Netflix đầu tư gồm phim tâm lý, tình cảm Moral Sense của đạo diễn Park Hyeon Jin và tác phẩm hành động Carter đến từ đạo diễn Jung Byung Gil (The Villainess).

Sự đầu tư của Netflix vào Hàn Quốc tạo ra chênh lệch trong cơ cấu sản xuất phim điện ảnh và truyền hình. Ảnh: Netflix.

Trong quý I, TV series Hellbound, do đạo diễn Train to Busan Yeon Sang Ho thực hiện, cũng vừa đóng máy. Dự án Hellbound của Yeon Sang Ho phản ánh một xu hướng mới trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc giữa đại dịch - đạo diễn điện ảnh lấn sân sang lĩnh vực truyền hình.

Chia sẻ về quyết định này, anh nói: “Những công ty kinh doanh nội dung trực tuyến như Netflix có nhu cầu rất lớn về nguồn phim truyền hình và các nội dung giải trí từ Hàn Quốc. Thế nên các nhà sản xuất điện ảnh như chúng tôi cũng nhận được lời mời đóng góp tài năng và mạng lưới tài nguyên của mình cho mảng phim truyền hình. Thị trường không hứa hẹn nhưng là cơ hội để chúng tôi tiếp tục phát triển”.

Hamm Jin, giám đốc mảng phim điện ảnh tại Studio&New cho hay: “Từ quan điểm của một công ty sản xuất phim, chúng tôi rõ ràng muốn thực hiện các tác phẩm điện ảnh thương mại hơn. Nhưng tình thế hiện tại chỉ ra rất khó để dòng phim này hưng thịnh trở lại trong tương lai gần.

Trong hơn một năm qua, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư cho những dự án còn dang dở. Nhưng chắc chắn trong tương lai gần, chúng tôi phải ngồi lại để bàn xem các phim này sẽ ra rạp hay lên dịch vụ trực tuyến. Nhưng với các dự án còn sơ khai, chúng tôi đang cân nhắc thay đổi định dạng phim từ tác phẩm điện ảnh hai tiếng thành series truyền hình hai mùa tùy thuộc vào nội dung”.

Thử thách cho nhà làm phim điện ảnh

Nhà sản xuất Kang Hye Jung từ Filmmaker R&K chia sẻ: “Không phải mọi bộ phim chúng tôi làm ra đều nhắm tới việc ra rạp. Nhưng dự án Smuggling mà hãng phim đang phát triển được xây dựng với tầm nhìn trở thành tác phẩn điện ảnh khiến khán giả muốn được trả tiền để xem ở rạp.

Bạn có thể nhận ra thị trường phim truyền hình đang sôi động cỡ nào chỉ bằng việc nhìn số dự án mới được công bố, lịch trình diễn viên hay khung giờ chiếu dày đặc. Vậy nên, chúng tôi sẽ dành thời gian tập trung xây dựng kịch bản, thắt chặt chi tiêu cho tác phẩm điện ảnh của mình từ khâu lên kế hoạch”.

Năm 2020, Covid-19 bùng phát từng khiến dự án Bogóta quay tại Colombia của Song Joong Ki phải tạm dừng vô thời hạn. Ảnh: Star News.

Trong những năm gần đây, nhiều dự án điện ảnh Hàn Quốc được thực hiện ở nước ngoài. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã khiến nhiều dự án tạm dừng sản xuất trong khi số khác phải sửa kịch bản để phù hợp với tình hình mới.

Chia sẻ với Screen Daily, đạo diễn Jang Kun Jae (A Midsummer’s Fantasia) cho hay kế hoạch quay bộ phim tiếp theo của mình tại New Zealand chưa thể triển khai được vì dịch bệnh. Bộ phim của anh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Because I Hate Korea của Chang Kang Myoung, xoay quanh một phụ nữ Hàn Quốc ra nước ngoài sinh sống để thoát khỏi cuộc sống tù túng ở quê nhà.

Vị đạo diễn chia sẻ: “Bộ phim của tôi sẽ có khoảng 30% số cảnh quay tại New Zealand. Kịch bản đã xong, diễn viên đã tuyển, tiền vốn cũng nhận rồi. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để bấm máy thì dịch bệnh ập tới. Giờ đây, nếu muốn trở lại New Zealand ghi hình, chi phí sẽ bị đội lên đáng kể vì việc cách ly tốn khoảng 3.350 USD mỗi người”.

Đại dịch cũng khiến bộ phim hợp tác Hàn - Nhật của đạo diễn Park Jung Bum (Alive, Height of the Wave), The Asian Angel, không thể phát hành đúng kế hoạch. Phim khởi quay từ tháng 4/2020 và dự kiến hoàn thành trong quý III. Tuy nhiên, khâu hậu kỳ bị kéo dài do đạo diễn không thể đến Hàn Quốc đã khiến dự án bị chậm nhiều tháng so với tiến độ.

Park Jung Bum cũng đang bắt tay thực hiện dự án điện ảnh mới, xoay quanh một nhà thơ phải lòng một công nhân nhà máy. Dù nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Park Jung Bum dự định sẽ giảm chi phí sản xuất, sửa kịch bản, giản lược một vài cảnh và bắt đầu tìm kiếm thêm những nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa có giải pháp hiệu quả

Screen Daily đưa tin hồi đầu tháng 7, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Bucheon (Bifan), các nhà quản lý điện ảnh Hàn Quốc đã có cuộc tọa đàm trao đổi về cách nền công nghiệp điện ảnh nước nhà phục hồi sau đại dịch.

Bộ phim Sinkhole đứng trước nhiều thử thách khi ra rạp giữa thời điểm biến chủng Delta khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trên toàn thế giới. Ảnh: Showbox.

Trong chương trình, đạo diễn Shin Chul đã đặt ra câu hỏi về cách định nghĩa điện ảnh trong hoàn cảnh mới. Ông lấy ví dụ về Space Sweepers, bộ phim đầu tiên lấy đề tài du hành vũ trụ của Hàn Quốc. Dù được đầu tư kinh phí lớn với kế hoạch quảng cáo rầm rộ, Space Sweepers không thể ra rạp vì đại dịch. Sau cùng phim được đưa lên nền tảng Netflix.

Vấn đề các hãng phim truyện, đạo diễn phim điện ảnh chuyển sang sản xuất TV series cũng một lần nữa được nhắc lại. Ông nói: “Chúng ta đã có 22 năm nỗ lực tiếp thị điện ảnh Hàn đến với thế giới và gặt hái nhiều thành công. Nhưng giờ là lúc xếp lại ngày tháng huy hoàng ấy và đối mặt với những thử thách phía trước”.

Ông Lee Eun, nhà sản xuất kỳ cựu kiêm giám đốc Gyeonggi Film Commission nhận xét về tình hình ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc: “Chúng ta cần giải quyết tình trạng độc quyền và phân cực, cũng như mở rộng giao thương với toàn thế giới”. Phát biểu của ông Lee nhấn mạnh vào sự thiếu hụt những đơn vị phát hành phim tầm trung trong cơ cấu ngành công nghiệp và những chính sách hỗ trợ phim nghệ thuật, phim độc lập chưa hiệu quả.

Trước đó, ông Lee Eun từng thay mặt KOFIC làm cầu nối giữa nhà rạp, nhà phát hành và đơn vị truyền hình để phát hành hai bom tấn điện ảnh Escape From MogadishuSinkhole tại rạp. Cả hai tác phẩm đều nhiều lần bị lùi lịch chiếu do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Việc phát hành hai bom tấn là nỗ lực hồi sinh phòng vé Hàn Quốc mùa phim hè 2021. Escape From Mogadishu đạt thành công bước đầu. Tuy nhiên tương lai của bộ phim và Sinkhole đều bị đe dọa vì đợt bùng phát Covid-19 tại Hàn Quốc kéo dài từ tháng 7.

“Chúng ta có KOFIC, có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhưng trên thực tế, các đơn vị này đều chưa xây dựng được những chính sách mới nhằm khuyến khích công chúng thưởng thức văn hóa”, ông Lee kết luận. Vị giám đốc cho rằng điện ảnh nên được coi như “một mặt hàng để trao đổi thay vì buôn bán”.

Trong chương trình, các đại biểu tham gia thảo luận đã lấy nền công nghiệp điện ảnh Pháp làm ví dụ. Các nhà quản lý điện ảnh Pháp đã kêu gọi các biện pháp kiểm duyệt, kiểm soát nội dung cũng như thu thuế từ dịch vụ xem phim trực tuyến và dùng số tiền này đầu tư cho các dự án phim nội địa.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/be-tac-cua-dien-anh-han-post1248419.html