Chính trường Đức nguy cơ thêm bất ổn khi ông Scholz mất ghế

12:50' 18-12-2024
Thủ tướng Scholz mất ghế khiến chính trường Đức nguy cơ thêm bất ổn, khi các đảng phái ngày càng khó tìm tiếng nói chung để lập chính phủ.

Thủ tướng Olaf Scholz ngày 16/12 thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội do chính ông kêu gọi thực hiện tuần trước. Ông không hội đủ quá bán sự ủng hộ từ các nghị sĩ, đồng nghĩa mất ghế Thủ tướng và Đức dự kiến tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Đức đang đối mặt nhiều thách thức cả về kinh tế lẫn địa chính trị, nguy cơ đẩy nước này rơi sâu hơn vào bất ổn chính trị.

Liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tan rã ngày 6/11 do bất đồng về ngân sách. Điều này khiến ông Scholz phải lãnh đạo một chính phủ thiểu số, khó thông qua các đề xuất chính sách.

"Đó là một công trình thất bại", Andrea Rommele, giáo sư về truyền thông chính trị tại Trường Hertie, Berlin, nói với FT, nhắc đến sự sụp đổ của liên minh cầm quyền ba đảng của ông Scholz.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại quốc hội ngày 16/12. Ảnh: AP

Sự sụp đổ của liên minh này sẽ châm ngòi cho cuộc đua giữa 7 chính đảng của Đức trong cuộc bầu cử sớm sắp tới, trong đó hai chính đảng lớn nhất là Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và SPD. Đây cũng là hai đảng thường đứng đầu các liên minh cầm quyền tại Đức. CDU/CSU và SPD lần này được đại diện bởi ông Friedrich Merz và ông Scholz.

Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã vươn lên mạnh mẽ theo xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu ở châu Âu. Alice Weidel, đồng lãnh đạo AfD, sẽ đại diện đảng chạy đua ghế thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới. Bà nổi tiếng với chính sách dân túy, đặc biệt là về nhập cư, ủng hộ mạnh mẽ những giá trị truyền thống của Đức.

Đại diện đảng Xanh là Bộ trưởng Kinh tế đương nhiệm Robert Habeck. Ba chính đảng còn lại là FDP, BSW và Die Linke cánh tả chưa công bố ứng viên. Kết quả khảo sát cho thấy CDU/CSU đang dẫn đầu với hơn 32% người ủng hộ, AfD ở vị trí số hai với 18%. Tiếp theo là SPD và đảng Xanh, lần lượt là 16% và 14%.

CDU/CSU nhiều khả năng sẽ kết hợp với SPD hoặc đảng Xanh để đưa ông Merz lên làm thủ tướng. Ông Scholz vẫn có cơ hội đắc cử nhưng rất mong manh.

Theo giới quan sát, bất ổn chính trị tại Đức có thể kéo dài trong nhiều tháng tới. Chính phủ mới sẽ khó thành lập, cho đến khi có một liên minh nắm đa số trong tổng số 733 ghế tại quốc hội, có thể vào tháng 4 hoặc 5/2025. Quá trình lập liên minh dự kiến gặp nhiều trở ngại khi các bên còn nhiều bất đồng.

Đảng Die Linke và BSW đều chỉ trích ông Scholz vì đưa ra các chính sách kinh tế và đối ngoại thất bại. Ông Habeck dùng từ "chán ngấy" để mô tả về liên minh với SPD và FDP trước đó.

Bà Weidel công kích cả SPD, đảng Xanh lẫn CDU/CSU. Lãnh đạo AfD cho rằng liên minh cầm quyền trong ba năm qua đã gây thiệt hại cho Đức vì thiếu đầu tư nghiêm trọng cho ngành xe hơi, "ngành hóa chất bỏ chạy vì chi phí năng lượng tăng vọt". Bà cảnh báo cử tri bỏ phiếu cho ông Merz là chọn chiến tranh, vì lãnh đạo CDU/CSU ủng hộ viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine trong chiến sự với Nga, điều mà chính phủ Đức đương nhiệm không chấp thuận.

AfD có thể giành thêm phiếu bầu từ những cử tri đang thất vọng với tình hình chính trị Đức hiện tại. Trong khi đó, các bên đều không muốn đưa AfD vào liên minh, do ám ảnh về những hành động của chủ nghĩa cực hữu trong quá khứ. Các cơ quan an ninh nội địa Đức coi AfD là mối đe dọa tiềm tàng.

Nhưng nếu cử tri Đức muốn có thay đổi thực sự, giới phân tích nhận định các bên sẽ phải xét lại quan điểm này. Tất cả những điều trên đều báo hiệu về một quá trình thương lượng lộn xộn để lập liên minh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tại phủ tổng thống ở Berlin ngày 16/12. Ảnh: Reuters

Bất ổn chính trị tại Đức còn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở châu Âu. Pháp cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi thủ tướng Michel Barnier cũng thất bại trong bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi đầu tháng, khiến Tổng thống Emmanuel Macron phải bổ nhiệm thủ tướng lần thứ ba trong năm nay.

Đức và Pháp là hai quốc gia có sức ảnh hưởng nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Châu lục này phải đối mặt hàng loạt thách thức về kinh tế và an ninh. Chiến sự Nga - Ukraine cận kề thời khắc then chốt. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Ông Trump mang quan điểm không thân thiện với NATO, cũng như có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng thương mại với EU.

Giới chức Đức cho biết họ đã có những trao đổi ban đầu với ông Trump "tốt đến mức kinh ngạc", nhưng Berlin thường là mục tiêu bị Tổng thống đắc cử Mỹ nhắm đến. Viện Kinh tế Đức ước tính một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU có thể khiến nước này tổn thất GDP lên đến 134 tỷ USD trong nhiệm kỳ hai của ông Trump.

"Đây rõ ràng là điều kinh khủng đối với EU, khi liên minh đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng vào đúng lúc tồi tệ nhất, vì các động lực truyền thống của khối cũng đang chật vật xoay xở với vấn đề nội địa", Jana Puglierin, nhà nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại, nói, đề cập tới Đức và Pháp.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chinh-truong-duc-nguy-co-them-bat-on-khi-ong-scholz-mat-ghe-4828629.html