Chính sách nhập cư thời Biden

18:00' 22-01-2021
Việc Biden đảo ngược những hạn chế nhập cư mà Trump đặt ra đem lại hy vọng trở thành công dân Mỹ cho khoảng 11 triệu người nhập cư.

Tân tổng thống Joe Biden trong ngày đầu tiên nhậm chức đã ban sắc lệnh đảo ngược một số chính sách nhập cư của cựu tổng thống Donald Trump, như ngừng xây tường biên giới Mỹ - Mexico, dỡ lệnh cấm nhập cảnh với công dân một số quốc gia, chủ yếu là nước Hồi giáo. Ông cũng yêu cầu nội các làm việc để duy trì các biện pháp bảo vệ hàng trăm nghìn người được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ không bị trục xuất.

"Động thái này đặt ra một thiên sử mới, khiến chúng tôi không còn bị coi là tội phạm và gánh nặng xã hội, mở ra cánh cử mới cho chúng tôi tới con đường trở thành công dân Mỹ", Yanira Arias, một người nhập cư Salvador thuộc đối tượng Tình trạng Bảo vệ Tạm thời (TPS), tình trạng tạm thời cho phép công dân đủ điều kiện của một số quốc gia được phép sống tại Mỹ, nói. Arias đang sống tại Puerto Rico, lãnh thổ thuộc Mỹ.

Ofelia Aguilar giơ tay khi xem lễ nhậm chức của Joe Biden tại Homestead, bang Florida, hôm 20/1. Ảnh: AP.

Arias nằm trong số 400.000 người được cấp TPS sau khi rời khỏi đất nước vì bạo lực hoặc thiên tai.

"Nó đặt ra tương lai nhiều hy vọng hơn cho người nhập cư vào Mỹ, nhưng tất cả còn phụ thuộc vào Quốc hội, đặc biệt là Thượng viện", Arias, người quản lý chiến dịch quốc gia của nhóm vận động nhập cư Alianza, nói về nỗ lực nhập tịch.

Sắc lệnh mới mà Biden ban hành có thành công hay không còn chưa chắc chắn, bởi Quốc hội đang chia rẽ và dự kiến sẽ phản đối gay gắt. Những nỗ lực cải cách nhập cư gần nhất với quy mô tương tự đã thất bại năm 2007 dưới thời tổng thống George W.Bush và năm 2013 dưới thời Barack Obama.

Ofelia Aguilar, người đã xem bài diễn văn nhậm chức của Biden trên tivi cùng 4 nữ công nhân khác ở nông trại Homestead, bang Florida, cảm thấy phấn khởi về triển vọng cải cách nhập cư.

"Tôi hy vọng ông ấy sẽ trao cho chúng tôi tư cách lưu trú hợp pháp", Aguilar, người đang mang thai và ở một mình khi từ Mexico tới Mỹ năm 1993, nói. Cô lao động đồng áng nhiều năm trước khi bắt đầu trang trại riêng tự trồng củ đậu.

"Ông ấy đang mang tới niềm hy vọng!" Aguilar khóc sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức. "Rất nhiều người đã phải chật vật chờ đợi suốt nhiều năm".

Một số công nhân nông trường đang tụ tập tại sân sau, cách phía nam thành phố Miami khoảng 56 km, cho biết họ thấy thất vọng khi Biden không đề cập tới cải cách di trú trong bài phát biểu.

"Tôi tin vào Chúa, không tin vào tổng thống", Sofia Hernandez, một lao động ngành nông nghiệp sống tại Mỹ mà không có tư cách hợp pháp từ năm 1989 tới nay, nói. "Rất nhiều người hứa hẹn sẽ làm điều này điều kia, nhưng tôi không nhìn thấy hiệu quả".

Hernandez từ Mexico tới Mỹ với giấc mơ làm giàu. Ba đứa con của bà sinh ra ở Mỹ. Bà cũng thường xuyên gửi tiền về quê cho bố mẹ trước khi hai cụ qua đời.

"Tôi mong ước được quay lại gặp người thân và trở lại Mỹ sống cùng các con", bà nói.

Tại New York, Blanca Cedillos cho hay rất thất vọng khi Biden không đề cập tới vấn đề nhập cư trong bài phát biểu mà cô và hơn nửa tá người nhập cư đeo khẩu trang xem cùng nhau tại trụ sở tổ chức Dự án Công lý cho Người lao động.

"Tôi hy vọng ông ấy sẽ nói gì đó", Cedillos, người Salvador, mất việc làm bảo mẫu vì Covid-19, nói. Bà phải tìm việc dọn dẹp theo giờ để kiếm sống, cũng như dựa vào thực phẩm cứu trợ theo tuần từ một tổ chức phi lợi nhuận.

Cedillos sống tại Mỹ mà không có tư cách pháp lý hợp pháp trong 18 năm. Bà hy vọng cuối cùng có thể trở về thăm 4 đứa con ở Trung Mỹ, sau đó quay lại Mỹ một cách hợp pháp.

"Tôi đã nói với các con rằng có thể bây giờ mẹ sắp đi được rồi. Hy vọng thế, nếu tân tổng thống trao cho tôi cơ hội", bà nói.

Gustavo Ajché, một công nhân xây dựng người Guatemala tới Mỹ năm 2004, đã xem lễ nhậm chức của Biden qua một kênh tiếng Tây Ban Nha cùng Cedillos.

"Tôi không muốn quá phấn khởi để rồi thất vọng, giống như từng xảy ra trước đây", ông nói. "Tôi đã ở đây nhiều năm, tôi đóng thuế, tôi hy vọng chính quyền mới sẽ làm một điều gì đó".

Tại Phoenix, Tony Valdovinos, một nhà tư vấn chiến dịch địa phương, người được đưa từ Mexico sang Mỹ khi còn là một đứa trẻ, nói rằng anh vẫn chưa dám ăn mừng.

Valdovinos là một trong số nhiều người hưởng lợi từ chương trình Trì hoãn hành động vì trẻ em (DACA), chương trình bảo vệ người nhập cư được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ không bị trục xuất.

"Thật khó để dốc hết tâm trí vào hy vọng này sau đó mọi thứ lại thất bại như đã từng xảy ra", Valdovinos nói. "Chúng tôi đã thất vọng rất nhiều lần".

Maria Rodriguez, giám đốc điều hành Liên minh Người nhập cư Florida tại Miami, cũng có cùng cảm nhận.

"Tôi rất vui và phấn khởi, nhưng cũng rất sợ sẽ lại tan nát cõi lòng một lần nữa", cô nói. "Chúng tôi đã trải qua cung bậc cảm xúc ấy rất nhiều lần, và thật sự cần chính quyền đưa ra giải pháp hiệu quả hơn".

Anabella Aguirre, một người làm nghề gác cổng tại Los Angeles, muốn giải pháp đó không chỉ cho bản thân, mà con cho hai con gái cô. Hai người tới Mỹ dưới dạng DACA và đang bắt đầu sự nghiệp.

"Như hàng nghìn người bố và người mẹ khác, tôi muốn con gái mình có được tương lai tốt đẹp hơn ở nước Mỹ", Aguirre nói. "Chúng tôi hy vọng hôm nay, bình minh này, sẽ đem lại hy vọng".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Catholic Regional College Sydenham Vùng: Sydenham. Phone: 9361 0000
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/biden-thap-hy-vong-cho-11-trieu-nguoi-nhap-cu-my-4224260.html