Khi đưa quân vào Ukraine ngày 24/2, Bộ Quốc phòng Nga tin rằng đó sẽ là một chiến dịch chớp nhoáng, có khả năng vô hiệu hóa nhanh chóng khả năng chỉ huy và kiểm soát của quân đội Ukraine để chiếm các mục tiêu chiến lược trong vài ngày.

Để thực hiện mục tiêu đó, Nga triển khai các chiến dịch đổ bộ đường không thọc sâu vào lãnh thổ Ukraine, nhằm tạo điều kiện cho bộ binh Nga nhanh chóng thâm nhập, sử dụng hỏa lực và tính cơ động cao để vô hiệu hóa khả năng kháng cự của đối phương.

Tuy nhiên, kế hoạch tiến công chớp nhoáng của Nga đã không thành công, do dựa quá nhiều vào mô hình nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG), vốn là thành phần quan trọng trong học thuyết mà quân đội Nga xây dựng sau nhiều năm cải tổ nhưng bộc lộ nhiều hạn chế trên chiến trường Ukraine.

Quân nhân Nga tham gia chiến dịch tại Ukraine ngồi trên thiết giáp đi trên cao tốc đoạn chạy qua thị trấn Armyansk, bán đảo Crimea ngày 26/2. Ảnh: RIA Novosti

Nga bắt đầu hiện đại hóa và tái tổ chức lực lượng bộ binh sau xung đột năm 2008 với Gruzia. Các chỉ huy Nga đặt mục tiêu xây dựng đội hình chiến đấu kiểu mới có mức độ sẵn sàng chiến đấu cao, trong đó nhân sự nòng cốt là các quân nhân chuyên nghiệp thay vì lính nghĩa vụ.

Đội hình này sẽ có hỏa lực và tính cơ động cao, cho phép họ tung ra những đòn đánh mang tính quyết định trên chiến trường.

Ý tưởng ban đầu của quân đội Nga là xây dựng các đơn vị có quy mô tương đương lữ đoàn, song giải pháp này tỏ ra không phù hợp, do nước này không đủ quân nhân chuyên nghiệp để lập các lữ đoàn đủ quân số. Thay vào đó, họ lập các đơn vị cơ động quy mô tiểu đoàn bộ binh cơ giới, cùng lực lượng phối thuộc để tạo ra nhóm tác chiến hiệp đồng có tên gọi BTG.

Thành phần cơ bản của mỗi BTG là ba đại đội bộ binh cơ giới, một đại đội xe tăng, một đại đội chống tăng, hai hoặc ba khẩu đội pháo, một khẩu đội pháo phản lực và hai khẩu đội phòng không.

Trang bị của các BTG không giống nhau, ví dụ một đại đội xe tăng có thể được trang bị các mẫu xe tăng chủ lực dòng T-72, T-80 hoặc T-90. Giới chuyên gia phương Tây nhận định khí tài của BTG phụ thuộc vào những gì có sẵn trong quân khu nơi chúng được thành lập. Điều này lý giải khác biệt giữa khí tài trong các BTG Nga, như loại xe tăng chủ lực hoặc giáp bảo vệ của chúng.

Khi xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga bùng phát từ năm 2014 ở miền đông Ukraine, BTG đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động tác chiến của dân quân thân Nga.

Các chiến dịch tấn công của dân quân miền đông dựa trên mô hình BTG về cơ bản thành công nhờ lợi thế về hỏa lực. Với sự hỗ trợ từ Nga, đội hình BTG của dân quân có ưu thế xe tăng vượt trội so với đối phương, khi trang bị các mẫu T-72B3 có hệ thống kiểm soát hỏa lực, thiết bị quang học ngày đêm và pháo uy lực hơn khí tài Ukraine.

Các BTG theo học thuyết của Nga cũng có hỏa lực vượt trội nhờ các khẩu đội pháo cũng như tổ hợp pháo phản lực BM-30 Smerch 300 mm với tầm bắn 90 km. Những khẩu đội pháo này có thể đồng loạt khai hỏa, vô hiệu hóa vị trí của đối phương, cho phép các BTG tràn tới và duy trì đà tiến công nhịp độ cao.

Trong một trận đánh hồi tháng 7/2014 ở làng Zelenopillya ở Donbass, hai tiểu đoàn bộ binh cơ giới Ukraine đã bị xóa sổ chỉ trong chưa đầy ba phút khi bị tập kích bằng pháo phản lực BM-30 Smerch.

Lực lượng Nga và dân quân miền đông còn sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong hoạt động trinh sát và chỉ thị mục tiêu cho pháo binh. Một số báo cáo nhận định khoảng 85% thương vong trong giai đoạn đầu của chiến sự Ukraine là do pháo binh gây ra.

Ngoài ra, lực lượng Nga cũng sử dụng rộng rãi các hệ thống tác chiến điện tử, trong đó có gây nhiễu thông tin liên lạc và radar của Ukraine, làm gián đoạn liên kết điều khiển UAV của đối phương. Tác chiến điện tử là một phần quan trọng trong chiến lược tác chiến trên bộ của Nga.

Tuy nhiên, trong xung đột hiện nay ở Ukraine, đội hình BTG của Nga đã tỏ ra kém hiệu quả vì yếu tố con người, kỹ thuật và chiến thuật. Một số vấn đề có thể được giải quyết tương đối dễ dàng, số khác cần nhiều thời gian và khoản đầu tư đáng kể để khắc phục.

David Saw, bình luận viên tạp chí Quốc phòng và An ninh châu Âu có trụ sở tại Đức, cho rằng BTG là mô hình có rất nhiều tiềm năng, nhưng để phát huy được thế mạnh, nó đòi hỏi chỉ huy nhóm tác chiến, các đại đội trưởng và sĩ quan dưới quyền phải rất chủ động, phản ứng linh hoạt với các diễn biến mau lẹ trên chiến trường.

Nhưng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân đội Nga đã thể hiện cấu trúc chỉ huy khá cứng nhắc, mệnh lệnh được truyền từ trên xuống dưới và các sĩ quan cấp phân đội hầu như không thể tự mình đưa ra các quyết định riêng phù hợp với tình hình thực tế trên chiến trường.

Ngay cả khi diễn biến chiến trường trở nên bất lợi và không đúng với nhận định ban đầu, các sĩ quan trong BTG vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch tác chiến đã định, khiến tính linh hoạt của mô hình BTG gần như bị vô hiệu hóa.

Một điểm yếu khác trong mô hình BTG của Nga là thiếu số lượng quân nhân chuyên nghiệp. Hạn chế này đã bộc lộ trong xung đột giữa phe ly khai với quân đội Ukraine, nhưng quân đội Nga chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 9 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

Quân đội Nga thành lập một lượng lớn BTG, song mỗi đơn vị chỉ có khoảng 800-1000 quân. Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng một BTG cần thêm ít nhất ba đại đội bộ binh cơ giới, cũng như lực lượng trinh sát hiệu quả, để tránh bị phục kích trên chiến trường rộng lớn như Ukraine.

Quân đội Nga dường như cũng không lường trước khả năng vấp phải kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine và các binh sĩ không thực sự sẵn sàng cho hoạt động tác chiến trong những ngày đầu tiên.

Khi các BTG từ phía bắc áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, các đơn vị xe tăng, thiết giáp nối đuôi nhau trên đường cao tốc hướng tới mục tiêu đã định, với niềm tin rằng chiến dịch sẽ nhanh chóng kết thúc và đối phương hầu như không chống cự.

Nhưng khi thực tế chiến trường hoàn toàn trái ngược, các đoàn xe quân sự Nga rơi vào tình cảnh bế tắc, ùn ứ hàng chục km ở ngoại ô Kiev, không thể tiến lên khi gặp vô số trở ngại về hậu cần và tinh thần của binh sĩ. Trong tình cảnh đó, các ưu thế về hỏa lực, trinh sát, UAV và tác chiến điện tử hầu như không phát huy tác dụng.

Hệ thống thông tin liên lạc của Nga cũng gặp sự cố và thiếu bảo mật, gây ra ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động tác chiến. Trong giai đoạn đầu chiến sự, quân đội Ukraine dễ dàng thu được các cuộc trao đổi giữa chỉ huy Nga, từ đó tổ chức những trận phục kích gây thiệt hại lớn.

Sau hơn 9 tháng giao tranh, nhiều BTG của Nga chịu thiệt hại tới mức không còn khả năng tác chiến hiệu quả, cần được tái tổ chức và trang bị. Bộ Quốc phòng Anh ngày 29/11 nhận định Nga trong ba tháng qua gần như không còn triển khai lực lượng tại Ukraine theo mô hình BTG.

Theo bình luận viên David Saw, BTG rõ ràng không mang lại tác động mang tính quyết định trong giai đoạn chiến sự tại Ukraine hiện nay, song không có nghĩa chiến thuật này vô giá trị. Nếu các vấn đề về cấu trúc chỉ huy được cải thiện, tình trạng thiếu nhân sự được khắc phục và cơ cấu được hiệu chỉnh, BTG sẽ thực sự mang giá trị.

Mô hình BTG phù hợp hơn với các môi trường tác chiến ít phức tạp và không đòi hỏi hoạt động cường độ cao. Nếu một chiến dịch với hoạt động chiến đấu cường độ cao diễn ra, nhóm chiến thuật trên cơ sở đơn vị cấp lữ đoàn sẽ phù hợp vì có quân số lớn hơn, hỏa lực dày đặc hơn, hỗ trợ tốt hơn và năng lực tác chiến bền bỉ hơn, Saw nhận định.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Bedshed Highpoint Vùng: Maribyrnong. Phone: 9317 3122
Xem thêm

chuyên về các dịch vụ có liên quan đến Trang trí nội thất tại các vùng trong Melbourne.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chien-thuat-nga-tai-ukraine-lo-han-che-4543281.html